Malaysia nỗ lực cứu hổ Mã Lai đang có nguy cơ tuyệt chủng

Sáng kiến “MY CAT” của Malaysia sử dụng thổ dân địa phương để tuần tra trong các khu rừng có hổ Mã Lai sinh sống, tìm kiếm dấu hiệu của lâm tặc và những hoạt động xâm nhập trái phép vào khu vực bảo tồn.

Hổ Mã Lai. Ảnh: CCTV

Tại Malaysia, tương lai của hổ Mã Lai – một trong sáu phân loài hổ trên thế giới và được chọn trang trí trên quốc huy của nước này, đang rất u ám. Theo thống kê, số lượng của loài hổ Mã Lai trong tự nhiên đã giảm từ khoảng 500 con vào đầu những năm 2000 xuống còn dưới 150 con hiện nay. Năm 2015, nó được phân vào loài đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp thuộc Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Trong giai đoạn 2016 -2020, WWF, Bộ Động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia cùng các tổ chức phi chính phủ khác đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy số lượng hổ trong tự nhiên ở Malaysia đã giảm xuống còn dưới 150 cá thể. Trong khi đó, vào những năm của thập niên 1950, có đến 3.000 cá thể hổ sinh sống ở Malaysia.

Loài hổ này đã được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp vào năm 2015. Ảnh: Medium

Ông Christopher Wong – Người đứng đầu Chương trình Bảo tồn hổ của chi nhánh Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) của Malaysia cho hay, nạn săn trộm là nguyên nhân chính khiến số lượng hổ suy giảm. Nguồn thức ăn, sự sẵn có của con mồi cũng là một mối đe dọa đối sự sinh tồn của loài hổ. Ngoài ra, môi trường sống của chúng bị thu hẹp cũng là một trong các nguyên nhân.

Ông Wong nói: “Mọi bộ phận của con hổ, từ râu đến đuôi, đều được bày bán ở các chợ động vật hoang dã bất hợp pháp. Xương và các bộ phận cơ thể khác của chúng được sử dụng để chế biến thành các loại thuốc hiện đại với quan nhiệm tẩm bổ cho sức khỏe cũng như các bài thuốc dân gian, còn da của chúng được coi là biểu tượng địa vị cao sang trong một số nền văn hóa châu Á”.

Để cứu loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các tổ chức phi chính phủ như WWF đang làm việc với cơ quan chức năng của chính phủ Malaysia trong một sáng kiến ​​có tên “MY CAT”.

Sáng kiến này đặt mục tiêu đảm bảo đây không phải là năm cuối cùng của hổ Mã Lai. Sáng kiến đã khởi động việc sử dụng thổ dân địa phương để tuần tra trong các khu rừng có hổ Mã Lai sinh sống, tìm kiếm dấu hiệu của lâm tặc và những hoạt động xâm nhập trái phép vào khu vực bảo tồn.

“Ưu tiên của chúng tôi là trong thế kỷ tới hổ Mã Lai vẫn sẽ tồn tại. Chúng tôi đang nỗ lực đưa người tuần tra trong rừng để giữ an toàn cho những con hổ khỏi những kẻ săn trộm. Chúng tôi đã ban hành luật bảo tồn chặt chẽ hơn. Hy vọng chúng ta đã không quá muộn. Tôi lạc quan rằng vẫn có thể đưa loài hổ trở lại” – Bà Lara Ariffin, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Hổ của Malaysia nói.