Giữa dòng xe cộ tấp nập, tiếng nhạc xập xình và những lời chúc tụng mừng năm mới, người công nhân vệ sinh vẫn cần mẫn lia từng nhát chổi. Xoẹt…!Xoẹt…!
Ăn Tết vội
Chiều mùng 3 Tết, gió mùa Đông bắc ùa về, thời tiết Quảng Ngãi đang nắng ấm bỗng đột ngột trở lạnh. Chị Nguyễn Thùy Vương (38 tuổi, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) tranh thủ làm mâm cúng tạ ông bà, dọn dẹp nhà cửa rồi tạt qua 2 bên nội ngoại. Buổi tối, chị còn phải vào ca.
Trời sập tối rất nhanh, nhoáng cái, đồng hồ đã điểm 19 giờ 30 phút. Chị Vương vội vã thay đồ, sửa lại áo len cao cổ mặc bên trong đồ bảo hộ rồi dắt xe ra đường. Gió lạnh thốc vào mặt ran rát, chị khẽ rùng mình.
Sau gần 10 phút đi xe máy, chị Vương đến vị trí làm việc ở đường Phan Đình Phùng – một trong những tuyến đường chính ở trung tâm TP Quảng Ngãi. Tay cầm chắc chiếc chổi dài tầm 2m, chị Vương bắt đầu công việc của mình.
Từng nhát chổi dài được lia trên mặt đường, uyển chuyển nhưng lại mạnh mẽ, dứt khoát. Xoẹt…! Xoẹt…! Đám lá khô, túi nilon, đồ ăn thừa nhanh chóng gom thành đống, đưa gọn vào thùng rác. Sau mỗi âm thanh “Xoẹt…!”, đôi chân của chị Vương đều đặn tiến về trước. Dưới ánh đèn vàng vọt, mặt đường nhựa sạch sẽ cứ mỗi lúc một dài thêm sau những âm thanh quen thuộc.
“Làm nghề này xác định làm hết việc mới về, tuyến nào nhiều hàng quán thì khối lượng rác lớn hơn. Mấy hôm nay dù Tết nhưng người đi hàng quán khá đông, lại thêm có lá sao đen rụng nên rác tương đối nhiều”, chị Vương chia sẻ.
Bình thường, ca đêm của những công nhân vệ sinh như chị Vương bắt đầu vào khoảng 22 giờ tối, nhưng vào dịp Tết, giờ vào ca sớm hơn, 20 giờ đã bắt đầu. Nếu ít rác và làm nhanh, chị Vương sẽ hoàn thành công việc trước 24 giờ.
“Vợ chồng ở riêng, có 2 con, đứa lớn 12, đứa nhỏ mới 4 tuổi. Hôm qua, mùng 2 Tết chồng bận trực đêm, mình đi quét mà cũng nóng ruột, cố gắng tăng tốc để về sớm với các con. Vậy mà cũng hơn 23 giờ mới về tới nhà. Hôm nay chồng được nghỉ nên yên tâm, không cần vội. Những lúc khác, 2 vợ chồng đều cố gắng thu xếp, hôm nào vợ vào ca đêm thì chồng phải xin đổi lịch trực”, chị Vương trải lòng.
Dẫu vậy, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Vương với nghề không phải vào dịp Tết mà lại là mùa mưa bão. Năm 2020, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi, cây cối bị bật gốc, ngã đổ la liệt, rác ngập đường, khối lượng công việc vô cùng lớn mới là dấu ấn “để đời” với chị.
“Hồi đó tất cả lực lượng được huy động, dọn liên tục từ sáng sớm đến tối mịt, mệt thở không ra hơi. Dân họ tội, thấy mình vất vả nên họ mang nước, đồ ăn ra tiếp sức, mình thấy ấm lòng lắm!”, chị Vương nhớ lại.
Chị Vương “bén duyên” với nghề công nhân vệ sinh môi trường từ năm 2013. Trước đó, chị có 3 năm làm nhân viên hợp đồng, là kế toán ở một đơn vị. Sau thời gian nghỉ sinh con và sự thay đổi của cơ chế, chị Vương mất việc ở cơ quan cũ. “Lúc mới qua làm công nhân thấy chênh vênh lắm, không nghĩ có ngày rẽ hướng như thế, nhưng may là lương, chế độ rất ổn, anh em đồng nghiệp vui vẻ, đoàn kết nên quen dần, thấy vui. Bây giờ thì làm tới khi nào đủ tuổi nghỉ hưu chứ không nghĩ chuyện chuyển nghề khác nữa”, chị Vương tủm tỉm cười.
Cùng ca trực vào tối mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với chị Vương có chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (41 tuổi, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi). Chị Tuyền là công nhân từ xí nghiệp cây xanh tăng cường sang xí nghiệp môi trường để dọn vệ sinh trong dịp trước, trong và sau Tết.
“Mình tăng cường từ 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Thời điểm này những người làm công việc khác đều nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình, nhưng công nhân vệ sinh như tụi mình thì vẫn làm, đây là nghề mang đến thu nhập cho mình hơn 20 năm rồi. Dĩ nhiên trong những ngày này, việc “ăn Tết” của bản thân và gia đình phải tranh thủ, chừa lại thời gian để đến ca đi làm”, chị Tuyền chia sẻ.
Nghề làm đẹp cho đời
Nghề vệ sinh môi trường làm quanh năm, nhưng đến dịp Tết, do nhu cầu dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa của người dân tăng cao nên lượng rác thải ước tính tăng hơn nhiều lần so với ngày thường. Vì thế, công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường thời điểm này cũng vất vả hơn. Ngoài việc tăng cường thêm nhân, vật lực, thời điểm từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp, họ còn chia 3 ca làm việc liên tục từ 3 giờ sáng đến đến khi lấy hết rác trên địa bàn.
Vào đêm giao thừa, toàn bộ lực lượng công nhân vệ sinh quét dọn, thu gom, vận chuyển hết số rác phát sinh, hoàn thành xong trước 4 giờ sáng ngày mùng 1 Tết để Nhân dân đón Tết, vui Xuân trong môi trường sạch sẽ.
“Tết năm nào cũng vậy, từ ngày 23 âm lịch cúng ông Táo đến sáng mùng 1 Tết, khối lượng rác thải có những ngày gấp 3, gấp 4 lần những ngày trong năm. Bởi vậy nên phải luôn túc trực ngoài đường để đảm bảo vệ sinh hè đường, ngõ phố. Tháng Tết là phải lo dọn đường phố sạch sẽ để người dân ăn Tết, ít có thời gian lo cho gia đình”, chị Phan Thị Điểm (47 tuổi, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) – Công nhân vệ sinh có 23 năm trong nghề, cho hay.
Những ngày cuối năm, chị Điểm cùng đồng nghiệp thường phải làm việc từ 6 giờ 30 phút sáng đến tận khuya, khi phố phường sạch sẽ, hết rác mới hết việc. Có năm, rác nhiều quá, đến tận 7 giờ sáng mùng 1, họ mới về đến nhà. Những ngày sau đó, dù trong Tết, công nhân vệ sinh môi trường vẫn tiếp tục luân phiên làm việc theo ca ngày- đêm như những ngày thường.
Hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề, chị Phan Thị Điểm cũng có một “kỷ niệm” đáng sợ vào dịp Tết. “Cách đây mấy năm, khi quét dọn đường phố vào ngày mùng 5 Tết, có thanh niên nhậu xong ra đường phóng xe, vừa nghe tiếng nẹt pô, mình đã vội vàng nhảy lên vỉa hè nên may mắn chỉ tổn thương phần mềm. Bây giờ, như phản xạ tự nhiên, hễ cứ nghe tiếng nẹt pô xe máy là lo nép sát vào vỉa hè ”, chị Điểm chia sẻ.
Mới vào nghề được 2 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (27 tuổi, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) vẫn còn nhớ như in cảm xúc của năm đầu tiên đi làm vào dịp Tết. “Nhìn người ta tất bật sắm sửa chuẩn bị cho ngày Tết, hay đêm 30 có thể quây quần bên gia đình, mình cũng thấy chạnh lòng, năm nay đỡ rồi. Các chị em động viên nhau cùng cố gắng, bởi đây không chỉ là kế mưu sinh, mà còn góp phần làm đẹp cho đời, làm đẹp cho xã hội”, chị Thúy bày tỏ./.