Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn các đại dịch mới, trong đó có thể bao gồm lệnh cấm các thị trường buôn bán động vật hoang dã và khuyến khích các quốc gia báo cáo các loại virus hoặc biến thể mới được phát hiện.
Theo tin từ Reuters, hôm nay (9/2), các nhà đàm phán quốc tế sẽ gặp nhau lần đầu tiên để chuẩn bị đàm phán về một hiệp ước tiềm năng, với mục đích đạt được một thỏa thuận sơ bộ vào tháng 8 tới.
Tuy nhiên, Brussels đến nay vẫn đang phải chật vật để có được sự ủng hộ hoàn toàn từ Mỹ và các quốc gia lớn khác về hiệp ước mới này, khi một số quốc gia muốn một hiệp định không có tính ràng buộc. Được biết, hiệp ước mới về đại dịch được đề xuất vào tháng 11/2020 bởi người phát ngôn của chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.
Theo lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất, đại dịch COVID-19 bắt đầu từ việc lây truyền virus SARS-CoV-2 từ động vật sang người tại một chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc.
Do đó, theo một quan chức EU, trong số các biện pháp mà EU muốn đưa vào hiệp ước là đóng cửa dần dần các thị trường động vật hoang dã. Đồng thời, việc khuyến khích các quốc gia báo cáo về sự xuất hiện của các virus mới cũng được coi là rất quan trọng để giúp nhanh chóng phát hiện nguy cơ dịch bệnh.
Vị quan chức này cho biết các biện pháp khuyến khích có thể bao gồm quyền tiếp cận được đảm bảo đối với các loại thuốc và vaccine được phát triển để chống lại các loại virus mới. Thực tế, trong đại dịch COVID-19, các quốc gia nghèo hơn đã phải vật lộn để có thể tiếp cận được với nguồn vaccine, trong khi một số quốc gia giàu có hơn có nguồn tích trữ vaccine khá dồi dào.
Ngoài ra, các quốc gia phát hiện và báo cáo về một loại virus nào mới cũng có thể nhận được hỗ trợ ngay lập tức, liên quan đến việc vận chuyển thiết bị y tế từ kho dự trữ toàn cầu.
Các cuộc đàm phán cũng sẽ có sự tham gia của các đại biểu từ 6 quốc gia đại diện cho các khu vực chính trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hà Lan, Brazil, Nam Phi, Ai Cập và Thái Lan, các quan chức cho biết.
Theo Reuters, trong khi Brazil – đại diện cho các quốc gia phía Bắc Mỹ và Nam Mỹ, ủng hộ một hiệp ước không ràng buộc thì EU – do Hà Lan đại diện, muốn đưa ra các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn các đợt bùng phát virus mới.
Nếu đạt được thỏa thuận, hiệp ước mới về đại dịch dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 5/2024.
Là một phần trong quá trình đại tu các quy tắc y tế toàn cầu, các quốc gia cũng đang đàm phán để điều chỉnh Quy định Y tế Quốc tế, một bộ quy tắc toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Reuters cũng đưa tin rằng Mỹ muốn đẩy mạnh các quy tắc để tăng cường tính minh bạch và cấp cho WHO quyền tiếp cận nhanh vào các địa điểm bùng phát dịch.