Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và 1 đơn vị sản xuất, cung ứng nước sạch tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện tất cả các đơn vị đều đã ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Từ nguồn kinh phí này, năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 41.898 ha rừng của 1.240 chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bao gồm, 5 chủ rừng là tổ chức, 14 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 44 cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và 1.177 hộ gia đình, cá nhân, tập trung ở địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 17,3 tỉ đồng. Trong đó, lưu vực Rào Quán và Hạ Rào Quán là 800.000 đồng/ha, lưu vực Khe Nghi là 617.000 đồng/ha, các lưu vực còn lại là 300.000 đồng/ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, những năm qua, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo đối với các xã vùng sâu vùng xa nằm trong lưu vực thủy điện, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 1.354 hộ gia đình, cá nhân thuộc 12 cộng đồng dân cư thôn và 62 tổ, nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, UBND xã.
Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng và chính quyền địa phương trong khu vực đã được tập huấn, nâng cao kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng và một số chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước. Các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng; số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng giảm đáng kể.