Năng lượng Việt có bứt phá trong 2022?

Ngành năng lượng Việt Nam vẫn hút vốn đầu tư nước ngoài và hiện đứng top đầu tại Đông Nam Á.

Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Ảnh: TL.

AC Energy (ACEN), công ty con thuộc Tập đoàn Ayala của tỉ phú Jaime Zobel de Ayala, đã đồng ý mua 49% cổ phần của Solar NT, một đơn vị thuộc Tập đoàn Super Energy của Thái Lan tại Việt Nam.

Số tiền ACEN bỏ ra để đổi lấy cổ phần của Solar NT (Super Energy) là 165 triệu USD. Công ty sẽ sở hữu và vận hành các nhà máy điện mặt trời trên khắp Việt Nam với tổng công suất khoảng 837MW. Trước đó, Super Energy đã đưa vào vận hành thương mại (COD) 9 dự án điện mặt trời (ĐMT) ở Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và Phú Yên.

Vào cuối năm ngoái, EDF Renewables, thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp vừa tham gia đầu tư vào SkyX Energy thuộc Tập đoàn VinaCapital và là đơn vị chủ quản của nhà phát triển điện Mặt Trời áp mái SkyX Solar.

Con số đầu tư không được tiết lộ cụ thể song với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, SkyX Solar dự kiến trong vòng 2-3 năm tới sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200MWp điện Mặt Trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Đại diện của EDF Renewables cho biết, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Với thế mạnh về giải pháp điện Mặt Trời áp mái trên toàn cầu, EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường này.

Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng xác nhận thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), một công ty Việt Nam hàng đầu về tổng thầu xây dựng điện.

Lĩnh vực năng lượng của Việt Nam tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỉ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Cụ thể về điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỉ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Ảnh: TL.

Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.

Tại Hội nghị COP 26 gần đây, Việt Nam đã tuyên bố sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.