Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội thời gian gần đây thường ở ngưỡng xấp xỉ 3.000. Số ca F0 không tăng lên hay giảm xuống rõ rệt khiến nhiều người hoài nghi về tính chính xác của con số thống kê. Điều này có đáng lo ngại trong việc điều trị COVID-19?
F0 gặp khó khi liên hệ y tế phường
Từng nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2, chị L.T.V (trú tại phố Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ lại những ngày tháng phải một mình đối mặt với bệnh tật, tự cách ly để tránh lây lan dịch bệnh. Chị V kể, khi biết mình mắc COVID-19, chị đã tự ý thức cách ly tại nhà. Đồng thời, liên lạc với trạm y tế phường để khai báo thông tin.
Tuy nhiên, chị V liên lạc với trạm y tế phường đến 3 lần nhưng đều không thể phản ánh thông tin dịch bệnh do “đường dây bận”. Phải qua “rất nhiều kênh” và mất tời 3 ngày, chị V mới tìm kiếm được số máy cá nhân và liên lạc với nhân viên y tế phường để báo tình trạng bệnh.
Sau khi gửi kết quả test PCR, chị V mới “xin được” quyết định cách ly. Và việc “xin” chứng nhận khỏi bệnh sau khi hết thời gian cách ly cũng gian nan không kém khi phải “năm lần, bảy lượt” liên hệ với y tế phường.
Theo chị V, do khi liên lạc với hệ thống y tế cơ sở gặp “đường dây bận” liên tục nên có nhiều trường hợp F0 phải đợi rất lâu mới được rà soát, cập nhật thông tin. Có trường hợp người dân liên hệ với y tế cơ sở 1-2 lần không được thì cũng tự cách ly, tự tìm đến các nhóm F0 để học cách điều trị một mình; cũng có những trường hợp đã khỏi bệnh nhưng không biết đã được cập nhật tình trạng hết thời gian cách ly hay chưa…
Và chị V chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gặp cảnh khó khăn trong khi liên lạc với hệ thống y tế cơ sở để khai báo về tình hình sức khoẻ khi dương tính với SARS-COV-2.
Gần tháng nay, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca mắc một ngày gần 3.000 ca. Số liệu mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 ngày 7.2 là 2.988 ca bệnh. Số ca mắc vào ngày 6.2 là 2.797 ca bệnh; ngày 5.2 là 2.788 ca bệnh…
Kể cả trước Tết nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc COVID-19 cũng dao động ở mức 2.800 – gần 3.000 ca. Số ca mắc được phân bố tại các xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.
Nhiều người băn khoăn vì sao suốt thời gian dài, F0 ở Hà Nội chỉ dao động 2.800 – 2.900 ca, không tăng lên nhưng cũng không giảm xuống một cách rõ rệt. Một số ý kiến lo lắng về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đồng thời, cũng có ý kiến băn khoăn về việc con số nằm trong “ngưỡng” 3.000 ca mắc COVID-19 liệu có đảm bảo tính chính xác.
“Ngưỡng” 3.000 ca có chính xác?
Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội – cho rằng, có thể có nhiều lý do khác nhau mà việc cập nhật các con số về các ca bệnh chưa thật sự toàn diện như những băn khoăn đã đặt ra.
Theo ông Hùng, không loại trừ có trường hợp bệnh nhân không liên lạc được với hệ thống y tế cơ sở hay không khai báo mà tự điều trị tại nhà cho tới khi khỏi bệnh… Cùng với đó, với hàng nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày, việc xét nghiệm các đối tượng liên quan cũng không thể thực hiện được do nguồn lực của hệ thống y tế cơ sở có hạn.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, thời gian số ca mắc vẫn tăng song không đột biến. Trong khi đó, người bệnh nặng, hay số ca tử vong của Hà Nội so với cả nước khá thấp. Như vậy cho thấy, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.
“Việc tăng hay giảm vài trăm ca mỗi ngày cũng không thể hiện rõ tình hình dịch. Con số F0 là 2.000, 3.000 hay thậm chí là 4.000 cũng không có quá nhiều ý nghĩa. Xét trong tổng thể, hiện nay, đa số người dân đều đã được tiêm vaccine 2 mũi, thậm chí mũi 3 cũng đã tăng năng lực bảo vệ lên nhiều” – ông Hùng phân tích.
Theo Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, điều quan trọng cần quan tâm hơn đó là các trường hợp bệnh nặng, trường hợp có bệnh nền cần phân tầng điều trị hơn là thống kê tổng số ca mắc.
“Có nhiều trường hợp F0 nhưng ở thể nhẹ chỉ qua một vài ngày là khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp có bệnh nền, có triệu chứng nặng hay người già thì cũng cần có sự phân loại để có thể chuyển tầng trong điều trị, tránh những trường hợp xấu xảy ra” – ông Hùng nói.
Nhưng để làm được điều này thì việc cập nhật thông tin của người dân trên hệ thống khai báo điện tử hoặc liên hệ với các cơ sở y tế cần được thuận tiện hơn. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho công tác sàng lọc, phân loại và hỗ trợ bệnh nhân.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu -nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – cho rằng, hiện nay, hầu hết người dân trong thành phố đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Song việc tiêm vaccine không có nghĩa là không bị mắc COVID-19. Do vậy, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19 để có các biện pháp y tế phù hợp.
Ông cũng cho rằng, việc người bệnh liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời sẽ giúp cho công tác thống kê tốt hơn và có những biện pháp, hướng dẫn y tế phù hợp.
Liên quan tới việc thống kê số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội thời gian qua, PV Lao Động đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo CDC Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Không thông báo cho ngành y tế là thiệt thòi với chính F0
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh, tại TP.HCM đã từng có tình trạng người dân tự xét nghiệm tại nhà, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không thông báo cho ngành y tế hoặc không liên hệ được với y tế địa phương. Nguyên nhân là do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân lực, đường dây nóng hoạt động không thông suốt nên không ghi nhận kịp thời. Sở Y tế TP.HCM cũng đã chấn chỉnh, tăng nhân lực cho trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 sớm nhất có thể. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, việc người dân không thông báo hay không được ghi nhận, không được cấp thuốc điều trị phù hợp, dễ gây nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và cũng thiệt thòi cho chính F0 và gia đình. Do đó, ngay khi phát hiện mắc COVID-19 tại nhà, bệnh nhân hoặc người nhà nên gọi điện đến trạm y tế phường hoặc trạm y tế lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận người bệnh, kiểm tra xét nghiệm, đánh giá tình trạng bệnh, xem xét điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và hướng dẫn cách ly cho F1. |