Gần 16% vùng ven biển của Trái đất còn nguyên vẹn

Theo nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Australia) và một nhóm chuyên gia quốc tế được công bố ngày 7/2, chỉ còn 15,5% vùng ven biển của Trái đất vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí, nhiều khu vực đã xuống cấp đến mức không thể khôi phục trạng thái ban đầu.

Các vùng ven biển có san hô nằm trong số những vùng bị suy thoái nhiều nhất trên thế giới do hoạt động của con người. (Ảnh: AP)

Trang tin Conversation của Australia cho hay, nghiên cứu này đưa ra thông tin đáng báo động: nhân loại đang gây áp lực nặng nề lên gần 50% khu vực ven biển trên thế giới, trong đó có một tỉ lệ lớn các khu bảo tồn.

Những khu vực tiếp giáp giữa đất liền và biển đã hỗ trợ đa dạng sinh học và sinh kế của hàng tỉ người trên Trái đất. Có đến 74% dân số thế giới sống cách bờ biển 50km, nhưng con người đã gây áp lực lên môi trường ven biển bằng nhiều cách.

Các nhà nghiên cứu cho biết, không một vùng ven biển nào không bị ảnh hưởng bởi con người. Đến nay, thế giới chỉ còn khoảng 15,5% khu vực ven biển trong tình trạng tương đối tốt.

Các vùng còn nguyên vẹn thuộc Canada, Nga và Greenland, Australia, Indonesia, Papua New Guinea, Chile, Brazil và Mỹ. Trong khi đó, con người đã gây áp lực đến 47,9% các vùng ven biển ở mức độ rất cao. Đối với 84% quốc gia trên toàn cầu, hơn một nửa vùng ven biển của họ đã bị suy thoái.

Đối với các vùng ven biển có cỏ biển, thảo nguyên và rạn san hô chịu mức độ tác động của con người cao nhất so với các hệ sinh thái ven biển khác. Một số vùng ven biển có thể bị suy thoái đến mức không thể phục hồi được. Các hệ sinh thái ven biển rất phức tạp và khi bị mất đi, rất khó có thể khôi phục trạng thái ban đầu.

Giáo sư James Watson thuộc Đại học Queensland nhận định: “Hiện nay, tác động của con người đối với các khu vực ven biển của Trái đất rất nghiêm trọng và phổ biến. Nếu không có những thay đổi khẩn cấp, những tác động đối với đa dạng sinh học ven biển và xã hội sẽ càng sâu sắc hơn”.

Các nhà nghiên cứu đã chia sẻ dữ liệu của họ để các quốc gia tham khảo nhằm có các chính sách quản lý hiệu quả các vùng đất liền và đại dương.