Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, sự xuất hiện thêm hàng chục nghìn tấn rác thải y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng sức ép lên các hệ thống quản lý rác thải y tế toàn cầu.
WHO cho biết, rác thải y tế từ đại dịch COVID-19 đang đe dọa sức khỏe con người và môi trường, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải cải thiện các hoạt động quản lý rác thải y tế.
87.000 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân
Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã khiến cảnh tượng những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ trên vỉa hè, bãi biển hay lề đường một cách bừa bãi trở thành cảnh tượng quen thuộc.
WHO cho biết, từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021, khoảng 87.000 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đã được mua sắm và được vận chuyển đến các nước để giúp ứng phó với đại dịch thông qua một sáng kiến chung của Liên Hợp Quốc (LHQ). Tuy vậy, phần lớn trong số đó đã trở thành phế thải.
Theo WHO, đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu về quy mô của vấn nạn rác thải y tế từ đại dịch khi báo cáo không tính đến bất kỳ mặt hàng nào khác mà các nước mua thêm ngoài sáng kiến chung nói trên, cũng như không bao gồm các loại rác thải y tế từ cộng đồng, chẳng hạn như khẩu trang dùng một lần.
Phân tích cho thấy, hơn 140 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm, có thể tạo ra 2.600 tấn rác thải không lây nhiễm, chủ yếu là nhựa và 731.000 lít chất thải hóa học, đã được đã vận chuyển đến các nước. Ngoài ra, hơn 8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, tạo ra 144.000 tấn rác thải bổ sung từ ống tiêm, kim tiêm và hộp đựng.
Mối lo ngại lớn là do LHQ và các quốc gia phải đương đầu với nhiệm vụ đảm bảo chất lượng nguồn cung PPE, nên mối quan tâm và nguồn lực dành cho việc quản lý an toàn và bền vững loại rác thải này ít được chú trọng. Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, do đó cần phải có hệ thống quản lý hiệu quả, bao gồm cả hướng dẫn cho nhân viên y tế về những việc cần làm.
WHO đánh giá, hiện nay, 30% các cơ sở chăm sóc sức khỏe (ở các nước kém phát triển nhất là 60%) không được trang bị để xử lý lượng rác thải y tế hiện có, chưa nói đến rác thải bổ sung, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân viên y tế và cộng đồng. Theo các nghiên cứu, các cộng đồng sống gần khu vực bãi chôn lấp các lò đốt rác thải kém chất lượng có thể bị ảnh hưởng do không khí ô nhiễm từ chất đốt, chất lượng nước kém, hoặc dịch bệnh mang mầm bệnh.
Hàng loạt khuyến nghị
Báo cáo đưa ra một loạt các khuyến nghị, bao gồm quy cách đóng gói và vận chuyển thân thiện với môi trường; mua PPE an toàn và có thể tái sử dụng, làm bằng vật liệu có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học; đầu tư vào công nghệ xử lý không đốt; đầu tư vào lĩnh vực tái chế để đảm bảo các vật liệu, như nhựa, có thể có vòng đời thứ hai.
WHO cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội cho việc xây dựng lại các chính sách và quy định quốc gia, giúp thay đổi hành vi và tăng ngân sách cho y tế.
Theo Tiến sĩ Anne Woolridge, Chủ tịch của Health CareWasteWorking Group, ngày càng có nhiều đánh giá cho thấy các khoản đầu tư cho y tế phải xem xét các tác động về môi trường và khí hậu. Chẳng hạn, việc sử dụng hợp lý và an toàn PPE sẽ không chỉ làm giảm tác hại đến môi trường mà còn tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng thiếu nguồn cung tiềm năng và hỗ trợ hơn nữa việc ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách thay đổi hành vi.
Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định hơn 2 tháng qua, gần 90 triệu trường hợp mang biến thể mới này đã được báo cáo, nhiều hơn của cả năm 2020.
Trong bối cảnh một số quốc gia cho rằng, biến thể Omicron dù có khả năng lây truyền cao nhưng ít nghiêm trọng, khiến việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa không còn cần thiết, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tất cả các quốc gia nên tiếp tục bảo vệ người dân bằng cách sử dụng tất cả công cụ trong bộ công cụ, không chỉ riêng vaccine, nhưng không nhất thiết phải quay lại với các biện pháp phong toả.