Một nhóm các nhà khoa học Argentine đang sử dụng các vi sinh vật bản địa ở Nam Cực để xử lý vấn đề ô nhiễm do nhiên liệu và rác thải nhựa có khả năng xảy ra ở những vùng đất nguyên sơ rộng lớn của “lục địa trắng”.
Các vi sinh vật nhỏ bé này nghiền nát chất thải, tạo ra một hệ thống làm sạch tự nhiên đối với tình trạng ô nhiễm do dầu diesel gây ra. Đây là loại nhiên liệu được sử dụng để cung cấp điện và nhiệt cho các cơ sở nghiên cứu ở vùng đất Nam Cực băng giá.
Tìm hiểu về cách các vi khuẩn giúp xử lý chất thải nhựa có thể đem lại tiềm năng xử lý các vấn đề môi trường rộng lớn hơn.
Tiến sĩ Lucas Ruberto, một nhà hóa sinh cho biết: “Dự án tận dụng tiềm năng của các vi sinh vật bản địa, gồm vi khuẩn và nấm sống trong đất ở Nam Cực, ngay cả khi đất bị ô nhiễm – và khiến những vi sinh vật này ăn các hợp chất hydrocacbon”.
Ông Ruberto và một số nhà nghiên cứu khác đã tiến hành nhiệm vụ xử lý ô nhiễm ở Nam Cực bằng phương pháp vi sinh (bioremediation). Cụ thể, các nhà khoa học sử dụng các vi sinh vật và thực vật bản địa để làm sạch đất bị ô nhiễm do dầu diesel. Quá trình này có thể tiến hành vào mùa hè Nam Cực và giúp loại bỏ khoảng 60-80% chất gây ô nhiễm.
Chia sẻ với Reuters qua Zoom, ông Ruberto cho biết nhóm đã tối ưu hóa điều kiện cho các vi sinh vật hoạt động bằng cách cung cấp môi trường khí nitơ, độ ẩm và sục khí. Hiện nhóm đang bắt tay vào nghiên cứu cách các vi sinh vật có thể giúp làm sạch rác thải nhựa ở vùng đất này.
Theo bà Nathalie Bernard, một nhà hóa sinh và chuyên gia về phân hủy sinh học nhựa, trong năm nay nhóm sẽ tiến hành tìm kiếm các vi sinh vật bản địa có khả năng phân hủy nhựa. Các nhà khoa học sẽ thu thập mẫu nhựa từ các vùng biển của Nam Cực và nghiên cứu xem liệu các vi sinh vật có đang ăn nhựa không, hay đơn giản chỉ là sử dụng chúng như những cái bè.
“Nếu các vi sinh vật thực sự đang phân hủy nhựa, bước tiếp theo chúng tôi sẽ tìm hiểu cách thức mà chúng làm điều đó, về lâu dài sẽ phát triển một quy trình công nghệ sinh học để phân hủy polymer ở nhiệt độ thấp”, bà Bernard cho hay.