Rú Chá – khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (đầm phá lớn nhất Đông Nam Á). Đây được xem như “bức bình phong” án ngữ, che chắn cho đất liền khỏi thiên tai và là địa điểm thu hút du khách bởi sự quý hiếm cùng nét hoang sơ và thơ mộng.
Sức hút rừng nguyên sinh
Những ngày cuối năm trong khí trời nắng ráo, chúng tôi tìm đến Rú Chá, màu vàng của lá cây đầy mê hoặc, đẹp đến lạ lùng. Nhiều người dân bản địa, một số nhiếp ảnh gia đã đến khu rừng để thực hiện các bộ ảnh.
Khu rừng này ban đầu có diện tích gần 3,9ha, chủ yếu là cây chá gốc to lớn, bám chặt vào đất. Sau này, rừng được trồng mở rộng diện tích thêm hơn 18ha, tập trung trồng các loài đước, sú, vẹt, bần chua… Mọi người đến Rú Chá với những mục đích khác nhau. Nhiều người, các đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh. Nhiều du khách lại chọn Rú Chá làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống.
Mọi người có thể tản bộ trên con đường nhỏ được đổ bê tông hoặc con đường đất để chiêm ngưỡng những bộ rễ cây trăm năm tuổi, cũng như hít hà mùi rừng núi, sông nước, mùi cỏ cây nơi đây. Chỉ cần hít căng tràn lồng ngực không khí mát lành dịu nhẹ, thu hết vào tầm mắt một màu xanh trải dài quyến rũ, thì những mệt mỏi lo toan của guồng quay cuộc sống bỗng chốc bay biến.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế, người gắn bó nhiều năm với các dự án trồng rừng ngập mặn ở tỉnh cho biết, diện tích Rú Chá không đa dạng về thành phần loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Rú Chá hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang và trước xu thế bảo vệ môi trường, dân cư, các công trình trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Mở rộng diện tích Rú Chá là điều tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ cho TP. Huế mà còn nhiều địa phương vùng đầm phá, ven biển.
Hồi sinh Rú Chá
Tháng 6/2020, trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai đã được thành lập. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án và Rú Chá là một trong những địa danh nằm trong Khu bảo tồn, được ưu tiên bảo vệ.
Ông Trần Viết Chức – Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho rằng, nhận thức sâu sắc những giá trị độc đáo về cảnh quan thiên nhiên, môi trường của Rú Chá nên thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền và vận động để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
“Hiện nay, chúng tôi thông báo không cho người dân và du khách đi xe vào rừng. Trước lối vào, xã đã dựng biển tuyên truyền để rác đúng nơi quy định; công ty môi trường cũng bố trí thêm các thùng rác đặt tại các vị trí phù hợp. Vào cuối tuần, Đoàn thanh niên của xã thực hiện chương trình Ngày Chủ nhật xanh dọn vệ sinh và nhặt rác thải ở Rú Chá. Ngoài hệ sinh thái đa dạng ở rừng ngập mặn này, hiện các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang quy hoạch, mở rộng trồng rừng ngập mặn cho xã Hương Phong vừa bảo vệ môi trường vừa tạo sinh kế cho cộng đồng”, ông Chức chia sẻ.
Được biết, năm 2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt Đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong với nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt 21,9ha rừng hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là Rú Chá.
Cụ thể, mục đích của Đề án là xác định diện tích có khả năng trồng cây ngập mặn theo các phương thức khác nhau; xác định cơ cấu bố trí loài cây, phương thức trồng hợp lý cho từng khu vực; trồng mới 232,84ha rừng ngập mặn nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Một nhiệm vụ quan trọng khác của Đề án là xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo về thực vật, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, trong Đề án kể trên, sẽ xây dựng “bảo tàng gene” các loài thực vật ngập mặn ở miền Trung như cây cóc trắng, cóc đỏ; thường ở miền Nam; vẹt dù ở miền Bắc.
Ông Phan Thiên Định – Bí thư Thành ủy Huế chia sẻ thêm, Rú Chá trước đây thuộc thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, rừng ngập mặn này đã chính thức “nhập” vào TP. Huế. TP. Huế mong muốn sẽ hình thành những dự án, chương trình phát triển Rú Chá với nhiều mục đích lớn hướng tới gắn bảo tồn với thúc đẩy kinh tế – xã hội và các lĩnh vực khác ở địa phương, tạo thêm bước phát triển về du lịch cho Huế, đồng thời góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nằm ở hạ nguồn sông Hương và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng, Rú Chá (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang được chính quyền địa phương và cộng đồng tích cực giữ gìn, bảo vệ. Vốn dĩ đã nổi tiếng, Rú Chá như được thu hút hơn khi mới đây, tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” khiến người xem trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên Rú Chá của một nhiếp ảnh gia người Việt Nam đã giành giải Nhất ở hạng mục “Con người” tại cuộc thi ảnh danh giá Drone Photo Awards 2021. |