Không muốn ràng buộc trách nhiệm lâu dài hay mất công chăm sóc, nhiều người Hàn Quốc tìm đến dịch vụ cho thuê thú cưng bất hợp pháp để chơi đùa hoặc chụp ảnh ngắn ngày.
Tại Hàn Quốc, trong số 51 triệu dân, có hơn 10 triệu người đang nuôi thú cưng bầu bạn. Nhiều loại hình kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này cũng nở rộ, từ quần áo cao cấp đến dịch vụ tang lễ cho vật nuôi, theo Korea Herald.
Trong bối cảnh mối quan tâm dành cho thú cưng ngày càng tăng, Hàn Quốc xuất hiện dịch vụ cho thuê chó hoặc mèo bất hợp pháp cho những người muốn trải nghiệm nuôi thú cưng mà không thích phải chịu trách nhiệm hay cam kết gắn bó lâu dài.
Đối với họ, thú cưng không khác gì đồ chơi hay đạo cụ chụp ảnh dùng trong ngày.
“Chúng tôi cho thuê chó hoặc mèo với giá 35.000 won (29 USD) một ngày”, quảng cáo của một cửa hàng thú cưng tại Gwangjin-gu, Seoul, ghi.
Khi được liên hệ, chủ cửa hàng gửi đường liên kết đến một phòng chat trên ứng dụng nhắn tin KakaoTalk, nơi anh ta dùng để trao đổi với khách và tiến hành các giao dịch liên quan.
“Bạn có thể thuê chó, mèo trong hơn một ngày, chi phí sẽ khác nhau tùy thuộc vào giống vật nuôi”, chủ quán cho biết.
Theo Đạo luật Bảo vệ Động vật hiện hành, hoạt động cho thuê thú cưng này là bất hợp pháp. Đạo luật cũng quy định người kiếm lời từ việc cho thuê vật nuôi trong nhà có thể bị phạt tới 3 triệu won.
Tuy nhiên, theo các nhóm bảo vệ quyền động vật, dường như vẫn có một số người như chủ cửa hàng ở Gwangjin-gu cho thuê vật nuôi trong những năm gần đây.
“Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu địa chỉ cho thuê vật nuôi trên toàn quốc, nhưng tôi cho rằng có khá nhiều nơi bắt đầu kinh doanh lĩnh vực này khi nhận thấy mối quan tâm mọi người dành cho thị trường thú cưng”, Chae Il-taek, quan chức của Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc, cho biết.
“Việc nuôi và bỏ rơi thú cưng tạm thời có thể là một hình thức ngược đãi động vật. Chó và mèo cảm thấy căng thẳng tột độ khi được đưa vào một môi trường mới. Ngoài ra, chúng có khả năng bị ngược đãi bởi một số người chủ xấu”.
Thú nuôi cần được bảo vệ
Mặc dù việc cho thuê động vật của các cá nhân là vi phạm pháp luật, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Động vật có thể được thuê với mục đích quay phim, chương trình trải nghiệm hoặc cho các mục đích giáo dục khác.
Vì vậy, phần lớn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê thú nuôi ở Seoul chủ yếu phục vụ cho những người trong ngành truyền thông và giải trí.
Ví dụ, một công ty trực tuyến gần đây đã đăng quảng cáo cho thuê một con chó giống Pomeranian màu trắng với giá 150.000 won trong 2 ngày. Dịch vụ này chỉ áp dụng cho những khách hàng sẽ chụp ảnh với chú chó.
“Chúng tôi giao chó bằng ôtô cho những người sống ở Seoul. Nếu sống ở thành phố khác, khách nên đến văn phòng của chúng tôi để lấy. Khách hàng chính của chúng tôi là các tạp chí cũng như các công ty quảng cáo”, chủ công ty cho biết.
Một cửa hàng khác ở Goyang, tỉnh Gyeonggi cũng cung cấp nhiều lựa chọn cho các cá nhân và công ty cần thú nuôi để chụp ảnh hoặc quay video, từ chuột lang, rắn, chó đến ngựa, dê. Tất cả loài động vật đều có giá thuê 50.000 won cho 3 giờ.
Vừa qua, một con ngựa được thuê đã chết sau khi đột ngột vấp ngã và đập mạnh đầu xuống đất trong quá trình quay bộ phim cổ trang The King Of Tears, Lee Bang Won của đài KBS. Vụ việc đã dấy lên làn sóng phản đối trong công chúng vì sự dã man đằng sau những cảnh quay với động vật trong phim và chương trình truyền hình.
“Nhiều đài truyền hình không có hướng dẫn nội bộ nhằm bảo vệ động vật mà các đoàn làm phim sử dụng. Xét đến tình trạng này, chính phủ rất cần bổ sung các điều khoản mới vào Đạo luật Bảo vệ Động vật hiện hành, nhằm đặt ra trách nhiệm lớn hơn cho cả những người cho thuê động vật và khách hàng, đồng thời tăng cường các hình phạt đối với hành vi ngược đãi động vật”, Suh Cooc-hwa, luật sư vì quyền động vật, nói.
Ngày 1/2, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cũng đã tuyên bố sẽ soạn thảo hướng dẫn về việc bảo vệ động vật được sử dụng trên phim truyền hình hoặc các cảnh quay. Bộ hướng dẫn này sẽ bao gồm các lưu ý chăm sóc động vật theo loài và các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn việc ngược đãi.
Một số ý kiến cho rằng cần phải có một cơ quan nhà nước hoặc tư nhân độc lập tiến hành kiểm tra tại chỗ các địa điểm quay phim sử dụng động vật.
“Cùng với những thay đổi về thể chế, việc có các bước thiết thực để ngăn động vật được sử dụng tại phim trường khỏi bị thương là rất cần thiết”, Kan Hyun-yim, thành viên tổ chức Vì quyền động vật Hàn Quốc, nhận định.