Cách Costa Rica đảo ngược nạn phá rừng và quyên góp hàng triệu USD để bảo tồn

Trong những năm gần đây, quốc gia Trung Mỹ không chỉ đảo ngược nạn phá rừng mà còn bảo đảm hơn 135 triệu USD tài chính cho thiên nhiên, trở thành câu chuyện đầy thu hút về thành công bảo tồn.

Trong hội nghị COP26 vào tháng 11 năm ngoái, tổng thống Costa Rica, Carlos Alvarado đã ký một thỏa thuận giúp bổ sung ​​20 triệu USD vào quỹ bảo tồn rừng của đất nước, vừa tăng cường bảo vệ rừng vừa tránh nạn phá rừng. Nguồn tài chính mới đến từ Liên minh LEAF, một quan hệ đối tác giữa chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Na Uy cùng một số công ty quy mô hàng đầu thế giới gồm Amazon, Nestlé, BlackRock và Walmart. Một nửa số kinh phí sẽ được chuyển đến thông qua Liên minh và 10 triệu USD còn lại là thỏa thuận riêng giữa Na Uy và Costa Rica.

Khi công bố thỏa thuận, Bộ trưởng Môi trường của quốc gia, Andrea Meza cho biết nó biểu thị “sự khởi đầu của những tiến bộ lớn trong tài chính khí hậu”, ngay cả khi LEAF và các nhà tài trợ tên tuổi phải đối mặt với cáo buộc “tẩy xanh” hình ảnh.

Riêng với Costa Rica, dòng tài chính này được xem là thành công mới nhất đối với một quốc gia nhỏ bé đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ những nỗ lực bảo tồn bao gồm cả việc đảo ngược nạn phá rừng trong vài thập kỷ qua – dù rằng đây chỉ là một trong số những thỏa thuận mà Costa Rica đạt được trong những năm gần đây. Cùng với hàng loạt thỏa thuận được ký kết, Costa Rica ngày càng thúc đẩy danh tiếng trong việc thực hiện thành công các sáng kiến ​​bảo tồn, bất chấp những thách thức kinh tế.

Một chiếc thuyền đi qua khu rừng dọc sông Sierpe của Costa Rica. Quốc gia Trung Mỹ đã giành được nhiều lời khen ngợi cho những nỗ lực bảo tồn bao gồm hoạt động tái trồng rừng và tiếp tục thu hút tài chính quốc tế để hỗ trợ các sáng kiến ​​thiết thực. (Ảnh: Christoph Lischetzki / Alamy)

Là một quốc gia có thu nhập trung bình với ngân sách hạn chế cho các khoản đầu tư vào thiên nhiên nhưng mô hình bảo tồn của Costa Rica lại rất thành công, trong đó nguồn lực chủ yếu đến từ việc huy động tài chính trong nước. Tuy nhiên, ở vào những thời điểm áp lực kinh tế cao, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, các quỹ quốc tế về bảo tồn sẽ cứu trợ đất nước. Những quỹ hợp tác này từ lâu đã đóng vai trò rất quan trọng trong tổng ngân sách, Roger Madrigal, nhà nghiên cứu lâm nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới và Giáo dục Đại học (CATIE) cho biết.

Duy trì nguồn tài trợ từ các quỹ là điều rất quan trọng đối với Costa Rica, nơi được coi là mô hình thành công về bảo tồn, chẳng hạn như Costa Rica là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latinh ngăn chặn nạn phá rừng sau khi để xảy ra tỷ lệ mất rừng cao tính đến những năm 1980.

Đầu thế kỷ 20, Costa Rica tập trung phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp, ban hành luật khuyến khích phá rừng để chuyển đất sang nông nghiệp. Kết quả là quốc gia này mất một nửa diện tích rừng trưởng thành từ năm 1940 đến năm 1980, theo một báo cáo năm 2016 từ sáng kiến ​​REDD +.

Tuy nhiên, một số yếu tố đã dẫn đến sự thay đổi tâm lý đối với rừng trong nước bao gồm cả sự tăng trưởng du lịch trong những năm 1980. Kết quả là Costa Rica bắt đầu thực hiện các quy định chặt chẽ hơn về môi trường, các chính sách bảo tồn mới và những thay đổi trong thị trường nông sản. Những yếu tố này đã ngăn chặn nạn phá rừng thực sự và cho phép rừng tái sinh. Hiện 59% lãnh thổ của đất nước này được bao phủ bởi rừng sau khi từng giảm xuống mức thấp nhất (40%) vào năm 1986.

Một yếu tố quan trọng khác của thành tựu này là chương trình chi trả dịch vụ môi trường (PES). Hệ thống PES của Costa Rica đã xây dựng một nguyên tắc đơn giản nhưng được chứng minh: nhà nước trả tiền cho nông dân tư nhân để bảo vệ rừng trên đất của họ với kinh phí chủ yếu đến từ thuế nhiên liệu. Điều này đã hoạt động hiệu quả trong nhiều thập kỷ nhưng gần đây các cuộc khủng hoảng phát sinh từ đại dịch Covid-19 đã gây áp lực kinh tế nghiêm trọng lên hệ thống bảo tồn, cả trong các chương trình PES và các khu bảo tồn. Một mặt, đại dịch khiến nguồn thu từ thuế thấp hơn và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn. Theo số liệu chính thức, điều này khiến hệ thống PES có ít nguồn lực hơn để trả cho nông dân và lỗ ngân sách khoảng 1,5 triệu USD vào năm 2020. Cùng trong năm này, Hội đồng Lập pháp Costa Rica cũng cắt giảm hơn 1/3 ngân sách cho các khu bảo tồn.

Một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi là xác định các nguồn tài trợ, xác định các yêu cầu và cố gắng thu hút các nguồn lực sớm nhất có thể”, Jorge Mario Rodríguez, Giám đốc Quỹ tài trợ rừng quốc gia (Fonafifo), tổ chức quản lý Chương trình PES.

Chỉ trong hai năm gần đây, Costa Rica đã đạt được các thỏa thuận chi trả hơn 135 triệu USD cho thiên nhiên – một thành tựu được thúc đẩy bởi những thành công của nước này trong việc khôi phục rừng. Tiềm năng cho cây cối để hấp thụ khí thải carbon thông qua quang hợp dường như rất quan trọng đối với sự tăng trưởng gần đây, mang lại lợi ích cho toàn hành tinh dù lợi ích kinh tế của nó trong lịch sử từng không được công nhận hoặc dễ dàng được định giá – điều mà Costa Rica đã nỗ lực để thay đổi.

Theo số liệu chính thức, từ năm 1986 đến năm 2013, rừng của Costa Rica đã giảm được 107 triệu tấn CO2. Gần đây, quốc gia này còn cố gắng đo lường tốt hơn việc thu giữ lượng khí thải carbon dioxide bằng cách tính toán chính xác hơn số ha rừng và ước tính lượng carbon mà chúng có thể hấp thụ. Bằng cách này, Costa Rica hy vọng sẽ ngừng “cho đi” những lợi ích này và thay vào đó là bắt đầu định giá chúng. Đây cũng chính là cách giúp Costa Rica thu hút được nguồn tài chính gần đây. Ví dụ, năm 2020, quốc gia này nhận được 54 triệu USD từ Quỹ Khí hậu Xanh cho nguồn tài chính từ 14,7 triệu tấn CO2 thu được từ năm 2014 -2015.

Cùng năm này, Costa Rica đạt được một thỏa thuận khác trị giá 60 triệu USD với Ngân hàng Thế giới khi đơn vị này “mua” lượng giảm phát thải 12 triệu tấn dự kiến đạt được trước năm 2025. Gần đây nhất, COP26 công bố thêm 20 triệu USD thông qua Liên minh LEAF và chính phủ Na Uy dành cho Costa Rica. Các thỏa thuận này kèm theo các điều kiện khá khác nhau, chẳng hạn Quỹ Khí hậu Xanh cấp cho quốc gia các khoản tiền không hoàn lại và số tiền này phải được thực hiện trước năm 2026 nhằm tăng cường các chương trình PES, ngăn chặn cháy rừng cũng như tài trợ cho các vùng lãnh thổ bản địa. Trong khi đó, các điều kiện tài trợ của Liên minh LEAF tương ứng với “ý định thư” do Costa Rica đệ trình, trong đó nêu rõ lượng khí thải mà quốc gia này sẽ thu hồi từ năm 2022 – 2026. Điều này có nghĩa là tiền sẽ không đến trong vài năm tới vì việc thu giữ khí thải chưa diễn ra.

Rodríguez giải thích rằng để đạt được những thành quả này, điều quan trọng là cần tạo ra các hệ thống giám sát mạnh mẽ. Bằng cách này, quốc gia có thể đàm phán dựa trên dữ liệu với số liệu chính xác về việc thu giữ lượng khí thải.

Costa Rica cũng quản lý quỹ linh hoạt để đón nhận các nguồn tài chính tương tự. Năm 2021, quốc gia này là trường hợp đầu tiên giành được Giải thưởng Earthshot – một sáng kiến ​​do Hoàng tử William của Vương quốc Anh thúc đẩy nhằm làm nổi bật các trường hợp bảo tồn thành công – đối với hệ thống PES trong việc phục hồi rừng quốc gia và được trao giải thưởng trị giá 1,3 triệu USD. Nguồn kinh phí này dự kiến sẽ được sử dụng để tạo ra một hệ thống chi trả dịch vụ môi trường biển, như một cách để trả tiền cho các nhóm dân cư ven biển để bảo vệ đại dương.

Hoán đổi nợ lấy thiên nhiên

Costa Rica cũng đã thử nghiệm các cách khác để tài trợ cho việc bảo tồn rừng, chẳng hạn hoán đổi nợ lấy thiên nhiên, cho phép các quốc gia đổi nợ nước ngoài thành nguồn kinh phí bổ sung vào quỹ bảo tồn thiên nhiên – vốn thường được phân phối thông qua một tổ chức thứ ba, chẳng hạn như một tổ chức phi chính phủ.

Những cơ chế này từng phổ biến trong những năm 1980 sau cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latinh, ví dụ vào năm 2007 và 2010, Costa Rica từng thực hiện các giao dịch hoán đổi nợ tự nhiên đầu tiên với Hoa Kỳ. Khoản đầu tiên được phân bổ 26 triệu USD để bảo tồn tại các cộng đồng xung quanh các khu bảo tồn trong khi lần thứ hai đóng góp trực tiếp 27 triệu USD để tài trợ cho các khu bảo tồn. Thời điểm đó, đất nước không có tổ chức phi chính phủ nào có khả năng quản lý các quỹ. Vì vậy, Hiệp hội Costa Rica Forever đã được thành lập và quản lý cả hai bên của sàn giao dịch hoán đổi. Hiệp hội phối hợp với một ủy ban giám sát, trong đó bao gồm cả đại diện của chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Costa Rica và đại diện của các tổ chức phi chính phủ khác. Ủy ban đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán và gây áp lực lên các dự án cuối cùng cũng như làm rõ các điều kiện tài chính.

Các quỹ được tạo ra từ các khoản hoán đổi này đã tạo điều kiện cho việc trồng hơn 60.000 cây xanh, thành lập 10 lữ đoàn chữa cháy rừng và mua đất để bảo tồn trị giá hơn 2 triệu USD.

Giao dịch hoán đổi nợ và thiên nhiên có thể sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hội nghị COP15 về đa dạng sinh học, nơi thành công của Costa Rica trong công tác bảo tồn và khả năng tận dụng những thành công đó để mang lại nguồn tài chính lớn hơn có thể sẽ được nhấn mạnh một lần nữa.

Ý Nhi (Theo dialogochino.net)

Nguồn: