Với diện tích hơn 115.545 ha, chủ yếu là rừng khộp, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn là VQG duy nhất ở nước ta đang bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Song những cánh rừng khộp ở đây vẫn luôn đối mặt với nhiều nguy cơ bị xậm hại, những người làm công tác giữ rừng đang lăn lộn ngày đêm để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của chúng.
Độc đáo rừng khộp
Cuối tháng 12, khi mùa khô bắt đầu rải nắng, gió trên khắp nẻo cao nguyên thì không đâu dễ dàng nhận ra sự thay đổi như ở những cánh rừng khộp của VQG Yok Đôn. Lúc này, các loài cây trong rừng bắt đầu ngả từ màu xanh sang màu vàng.
Vào mùa này, rừng khộp khoác lên mình “tấm áo” với sắc vàng, đỏ rực rỡ. Để rồi sau đó, rừng khộp trút bỏ hết tấm áo choàng đầy màu sắc chỉ còn lại những khu rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt trông như những bãi chông giữa sa mạc khô cằn. Nhưng đây chỉ là khoảng thời gian cây rừng nghỉ ngơi để bước qua mùa khô nắng nóng khốc liệt kéo dài. Bởi khi những cơn mưa đầu mùa lướt qua, rừng khộp như được đánh thức, cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc, cả vùng rừng rộng lớn trở nên xanh ngát.
Nhìn bên ngoài, rừng khộp có vẻ phát triển chậm và không phong phú bằng những loại rừng khác, thực tế mang trong mình một hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, là nơi phân bố của những loài cây gỗ quý hiếm đặc trưng của rừng khộp như: Cẩm lai, hương, căm xe, cà chít… ở khắp nơi. Có những cây cổ thụ phải đến 4 – 5 người ôm mới xuể
.Rừng khộp nơi đây còn là ngôi nhà của nhiều loài động vật: nai, mang, bò rừng, heo rừng… và đặc biệt là “nhà” của những đàn voi rừng hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam với khoảng 80 cá thể lớn nhỏ.
Trong rừng còn có hệ thống sông, suối chằng chịt, đặc biệt là dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ chạy xuyên qua những cánh rừng. Dưới các dòng sông, suối có nhiều loài cá đặc sản nước ngọt, như: cá mõm trâu, cá lăng, cá tắc kè, cá nheo…
Chính nhờ những sự phong phú của hệ động, thực vật nên trong những năm qua VQG Yok Đôn là điểm đến để nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước; các trường đại học đưa sinh viên tham quan, học tập và là nơi các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đưa học sinh đến để giáo dục môi trường giúp các em hiểu được giá trị mà rừng xanh mang lại.
Giữ bình yên cho những cánh rừng
Gắn bó với VQG Yok Đôn đã gần 20 mùa rừng thay lá, với ông Nguyễn Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 những cánh rừng khộp nơi đây đã trở nên thân thuộc. Ở đây, mùa nào cũng có trở ngại riêng đối với lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Những ngày mùa khô, nắng như đổ lửa khô khốc, con sông, con suối cạn kiệt, cán bộ kiểm lâm của Vườn vẫn phải túc trực ngày đêm trên những cánh rừng. Khổ nhất là thiếu nước, trong những lần tuần tra dài ngày, lực lượng kiểm lâm phải chắt từng ca nước nhỏ ở vũng nước đọng khe suối để sinh hoạt. Còn vào mùa mưa, nước đổ về khiến các con sông, con suối lên cao, nhiều khu vực bị chia cắt không ra ngoài được, kiểm lâm bám rừng phải ăn cá khô, rau rừng qua ngày để chờ nước rút.
Bên cạnh đó, vùng đệm của Vườn gồm 7 xã thuộc 3 huyện của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với 12.138 hộ, 50.446 nhân khẩu; đặc biệt trong vùng lõi của Vườn có một buôn đồng bào dân tộc thiểu số (buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) có 135 hộ, 519 nhân khẩu sinh sống. Đời sống những người dân vùng đệm phần nhiều vẫn phụ thuộc vào khai thác lâm sản nên tạo áp lực rất lớn đối với rừng. Chính vì vậy, việc “đưa” người dân vào với rừng, gắn lợi ích của họ với công tác quản lý, bảo vệ rừng là điều mà trong những năm qua Vườn luôn nỗ lực thực hiện.
Theo đó, Vườn đã triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020 cho 2.433 hộ thuộc 19 cộng đồng thôn, buôn vùng đệm thuộc 4 xã của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Tổng diện tích rừng giao khoán là 17.500 ha, với số tiền chi trả gần 7 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai hỗ trợ 40 thôn/buôn vùng đệm của Vườn, với mức kinh phí 40 triệu đồng/thôn, buôn/năm. Việc giao khoán, hỗ trợ đã giúp người dân có thêm thu nhập, gắn được quyền lợi,trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Cùng với đó, Vườn đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và giá trị của rừng mang lại đối với con người, từ đó người dân đã dần dần thay đổi cách hành xử đối với rừng, cùng với Vườn chung tay bảo vệ rừng”, ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc VQG Yok Đôn chia sẻ.