Con người – Thiên nhiên trong tam Giáo

Tam giáo Nho – Đạo – Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tồn tại với người Việt suốt hai mươi thế kỷ qua. Các lý thuyết tôn giáo đó đều chủ trương giáo hóa con người bằng đạo đức để hướng họ đến những giá trị chân thiện mỹ, góp phần hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người và con người với giới tự nhiên.

Đạo giáo chủ trương Vô vi hay còn gọi là Thiên đạo (tự nhiên hành động, không làm trái với những gì trời đã sinh ra). Lý thuyết Vô vi của Lão Tử là một chủ thuyết đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong tâm hồn, trí tuệ người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Chủ thuyết đó khi được áp dụng trong ứng xử với giới tự nhiên đã khuyên răn con người phải tôn trọng quy luật của giới tự nhiên, không chế ngự và can thiệp quá sâu vào thiên nhiên dẫn đến phá hỏng cân bằng sinh thái… Hơn thế, Vô vi của Lão Tử không có nghĩa là không làm gì cả theo nghĩa thông thường, mà chỉ không làm theo tư ý, tư dục và trái với thiên nhiên. Lão Tử khuyên con người hành động thuận Nhiên (hòa hợp với giới tự nhiên), thuận Thiên (hợp với quy luật của trời đất). Do đó, những tư tưởng của Đạo giáo, cho đến hôm nay, không chỉ người phương Đông mà cả người phương Tây vẫn tôn thờ. Người phương Tây đánh giá cao Lão Tử và tôn ông là “đại biểu tinh thần” của phương Đông, rất đáng được học hỏi nghiên cứu.

Nho giáo (thời Khổng Mạnh) quan niệm rằng, giữa Trời và Người có mối quan hệ tương hỗ. Tức là, các hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến đạo đức con người, ngược lại, đạo đức của con người cũng có tác động đến tự nhiên, Trời và Người hợp lại thành một. Kinh Thư, Thiên Hồng phạm, VIII viết: “Đúng đắn thì mưa phải thời, an ổn thì nắng phải thời, mưu trí thì lạnh phải thời, thánh minh thì gió phải thời” hay “ngông cuồng thì mưa tuôn, tiêm loạn thì nắng luôn, nóng nảy thì lạnh luôn, uể oải thì ấm luôn, u mê thì gió luôn” – Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội, năm 1995, tr.402. Chính vì lẽ đó, Khổng Tử chủ trương giáo hóa con người phải tôn trọng tự nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên thì thiên nhiên cảm ứng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được no đủ.

Nho giáo (thời Tuân Tử) lại chủ trương Thiên nhân bất tương quan. Tuân Tử cũng tin có Trời, nhưng cho rằng giữa Trời và Người không có quan hệ gì với nhau. Theo Tuân Tử, cái Đạo của người cần phải chế ngự thiên nhiên mà dùng, mà sống, phải biết dùng tài trí của mình mà làm cho muôn vật trở nên giàu có, chứ chỉ ngồi đấy mong cho vật tự sinh ra thì làm sao bằng làm cho chúng sinh ra. Nhờ chế ngự được trời đất nên người xứ này mới có sản vật của những xứ khác để dùng, người ở biển có cây trên núi, người trên núi có cá dưới biển, con người trở nên mạnh như hổ, nhanh như ngựa – đó vẫn là hòa mình với thiên nhiên. Và cũng vì chế ngự thiên nhiên mà các bậc thánh vương mới có các thứ để nuôi sống trăm dân được an lạc. Song, muốn chế ngự thiên nhiên, con người phải biết hợp quần, vì sức một người thì yếu, không đủ chống với vạn vật, nhưng góp sức của muôn người lại thì rất mạnh. Mà muốn hợp quần thì phải có lễ nghĩa, không có lễ nghĩa thì tất sinh loạn, mà loạn thì yếu… Như vậy, xét cho đến cùng, Đạo và Đức mà Nho giáo muốn nói đến không trừu tượng, cao siêu mà được thâu hóa vào con người – Nho học gọi đó là Nhân luân/Nhân đạo.

Có thể thấy, Vô vi của Đạo giáo được bổ sung với Hữu vi của Nho giáo thời Tuân Tử trong quan hệ giữa con người với giới tự nhiên.

Lý thuyết của Phật giáo cho rằng, con người là một tiểu thiên, vũ trụ là một đại thiên, do đó, con người mang những đặc tính của vũ trụ, những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Con người liên hệ với vũ trụ bao la nên con người cần biết được các thông tin của vũ trụ. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm dương, vừa đối lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hóa lẫn nhau, khi phát triển hết mình, con người không chỉ biết được trời, hiểu được trời mà còn hợp nhất với trời làm “Một”. Cả tiểu thiên và đại thiên vũ trụ đều biến đổi tuần hoàn theo bốn vòng quay đều đặn: Sinh, Trụ, Dị, Diệt (Thành, Trụ, Hoại, Không/Sinh, Lão, Bệnh, Tử). Con người chính là vũ trụ (đại thiên) thu nhỏ, do đó, muốn hiểu được vũ trụ (thiên nhiên) thì phải hiểu được con người. Chính vì vậy, một trong những chủ đề cơ bản của tư duy Phật giáo là phân tích con người (từ cấu trúc vật chất đến cấu trúc tâm lý, tinh thần) nhằm tìm ra con đường giải thoát con người khỏi quy luật của Sinh, Lão, Bệnh, Tử để đạt đến cõi Niết Bàn chân như (trở về với cái bản nhiên ban đầu).

Chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm kinh điển của Phật giáo khá đầy đủ những quan điểm của Phật giáo về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới bên ngoài (giới tự nhiên) mà Phật gọi là Nhân duyên (chư pháp tòng duyên sinh, chư pháp tòng duyên diệt/Mọi vật sinh ra hay mất đi đều bởi nhân duyên). Ý nghĩa quan trọng của nguyên lý Nhân duyên là ở chỗ mọi hành vi đều gây ra các hậu quả tất yếu của nó, các hậu quả này trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi ban đầu. Quy luật Nhân – Quả ấy không chỉ đúng cho thế giới tâm lý con người, mà còn đúng cho cả thế giới vật lý. Do đó, giáo lý Phật giáo đều khuyên con người gieo nhân thiện để gặt quả lành, chứ đừng gieo gió gặt bão. Trong ứng xử với thiên nhiên, mà Phật gọi là tha nhân (xem như là một tồn tại khác cùng con người) cũng cần phải chú trọng đến luật Nhân – Quả: không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng phải nương tựa vào nhau, tồn tại hài hòa với nhau. Vật này có cho nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không, vật này sinh cho nên vật khác sinh, mà cái này diệt thì cái kia cũng diệt…

Giáo lý Phật giáo (từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng tâm,…) luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. Đó là những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống luôn tiềm ẩn trong giáo lý, kinh sách của Phật giáo.

Những triết lý về mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên trong Nho – Đạo – Phật đã ảnh hưởng đến lối sống hài hòa, tôn trọng tự nhiên của người Việt. Khuynh hướng tìm cảm hứng tinh thần trong cảm giác hòa hợp với thế giới tự nhiên đã trang bị cho người Việt một sự nhận thức bước đầu về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để vượt lên trên, làm chủ và tự do trước thiên nhiên, để biết phải xây nhà theo hướng nào có lợi cho sức khỏe, biết tự điều hòa khí âm khí dương, ái, ố, hỉ, nộ trong con người sinh học của mình để giống với tự nhiên, hòa quyện với thiên nhiên thành một thể thống nhất khiến cho sức khỏe được nâng lên. Người Việt biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thiên nhiên khí hậu. Mặt khác, khi người Việt đã biết thích ứng với tự nhiên, can dự, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, người Việt trở nên kiên cường hơn, tính cách linh hoạt hơn, lối sống năng động hơn trước những biến đổi của thiên nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai hơn so với con người ở những nơi khác khi được thụ hưởng điều kiện thiên nhiên thuần hậu.

PGS, TS. Đỗ Lan Hiền – TS. Phạm Thanh Hằng
Viện Tôn giáo và tín ngưỡng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh