Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu sử dụng túi nilon và bao bì nhựa…. Ngay cả với những doanh nghiệp có thiên hướng kinh doanh và chế biến các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường thì vẫn có nhu cầu sử dụng bao bì nhựa. Đây là khẳng định của Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại báo cáo khảo sát “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu dùng bao bì từ nhựa dùng một lần tại Hà Nội và TP.HCM”.
Kết quả khảo sát của WWF năm 2021 cho thấy, hầu hết các đơn vị chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội và TP. HCM đều sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó phổ biến nhất là túi nilon (chiếm 94,4%) kế đến là màng bọc thực phẩm, găng tay nilon (chiếm 83,3%), còn lại là các sản phẩm cốc, ống hút và đĩa thìa nhựa.
Khảo sát về lượng bao bì nhựa sử dụng từ khi có dịch Covid-19, thì 27,8% số người được hỏi cho rằng nhu cầu này không thay đổi; trong khi 44,4% số người được hỏi đã xác nhận việc tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa tăng lên so với trước khi có dịch Covid-19. Nguyên nhận do, bao bì tự phân hủy giá thành cao, chưa sẵn có trên thị trường, chưa tiện dụng, khó cạnh tranh (hộp xốp làm bằng bã mía đựng cơm bị dính và thức ăn kém ngon; cốc giấy không thể mang đi với số lượng lớn, không thể dập nắp, hay bị đổ).
Cơn bão đại dịch dường như không phải chỉ mang đến mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, mà còn dập tắt một xu hướng “sống xanh” nở rộ suốt cả năm trước đó. Con số 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra mỗi năm ở Việt Nam trong khi chỉ có 27% trong đó được tái chế (theo số liệu của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc) khiến Việt Nam trở thành quốc gia bị chỉ mặt gọi tên trong danh sách những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới…
Từ kết quả khảo sát nghiên cứu, WWF đưa ra kiến nghị Chính phủ cần cần tăng cường áp dụng các biện pháp chế tài nhằm giảm tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa, như tính chi phí xử lý môi trường hay cấm lưu hành một số loại sản phẩm nhựa. Nên thiết lập quy định về sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa trong các cơ sở chế biến, kinh doanh phân phối, tiêu dùng thực phẩm.
Trước mắt, cần ban hành các chính sách nhằm kích cầu tăng tiêu dùng đối với các loại bao bì và sản phẩm thân thiện với môi trường. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất bao bì tự phân hủy để đa dạng hóa và hạ giá thành của những sản phẩm này. Vận động, thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu, trường Đại học, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm tự hủy thay thế bao bì và sản phẩm nhựa.
Cần liên kết với các ngân hàng, đưa ra các gói cho vay và vay ưu đãi để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất sản phẩm tự hủy. Thực tế cho thấy, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường (như túi, hộp làm bằng lõi ngô, bã mía) chưa được quan tâm thúc đẩy.