Kết quả đạt được của Dự án áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam do Bộ Công Thương và UNDP phối hợp tổ chức là loại bỏ 1.578 tấn nguyên vật liệu chứa chất ô nhiễm hữu cơ.
Có thể nói, công nghiệp hóa chất phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay là 10% (2010-2020). Ngành công nghiệp hóa chất và các chuỗi cung ứng liên quan đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.
Song song với những đóng góp tích cực của ngành công nghiệp hóa chất đối với nền kinh tế của đất nước, gần đây, mức độ quan tâm của hóa chất được đo trong môi trường ngày càng tăng và nhiều sự cố hóa chất đang xảy ra trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại hội thảo “Tổng kết dự án áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải trong sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” cho biết, đây là dự án góp phần hỗ trợ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.
“Ngành hóa chất đang có kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp hóa chất nhằm hướng đến quản lý môi trường, quản lý an toàn hóa chất một cách tốt hơn trong thời gian tới”.
Dự án Hóa học xanh này được thực hiện từ năm 2017-2021 này đã đạt được các kết quả chính gồm giảm 6,3 kg thủy ngân phát thải ra môi trường, loại bỏ được 1.578 tấn nguyên vật liệu sản phẩm chứa chất ô nhiễm hữu cơ, giảm phát thải 1.072 tấn CO2.
“Ngành hóa chất đang có kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp hóa chất nhằm hướng đến quản lý môi trường, quản lý an toàn hóa chất một cách tốt hơn trong thời gian tới”.
Dự án Hóa học xanh này được thực hiện từ năm 2017-2021 này đã đạt được các kết quả chính gồm giảm 6,3 kg thủy ngân phát thải ra môi trường, loại bỏ được 1.578 tấn nguyên vật liệu sản phẩm chứa chất ô nhiễm hữu cơ, giảm phát thải 1.072 tấn CO2.
Dự án đã hỗ trợ áp dụng Hóa học xanh trong ngành sơn và ngành mạ điện, 4 dây chuyền công nghệ mới gồm 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm trao crom 3+ thụ động, 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm quay crom 3+ thụ động, dây chuyền sơn phủ kẽm, hệ thống thiết bị sản xuất sơn hiệu năng cao. Tổng năng lượng tiết kiệm được là 1.134.000 GJ tương đương 42.000 tấn than. 65 doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án.
Hỗ trợ tài chính cần đi cùng với thi hành luật rõ ràng
Ông Nguyễn Mai Cương, điều phối viên của dự án phân tích những kinh nghiệm rút ra được từ thời gian thực hiện chương trình cho biết, các khảo sát trong quá trình thực hiện dự án cho thấy một khối lượng lớn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đang được nhập khẩu vào Việt Nam và được dùng trong nhiều ngành sản xuất. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 9.985 tấn SCCP, năm 2020 tăng lên 11.640 tấn.
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rà soát và kiểm định các con số trên, cũng như thu thập thêm thông tin về nhập khẩu và sử dụng SCCP ở các ngành khác nhau để sớm đưa ra chiến lược thay thế.
Nhằm đảm bảo sự thay thế các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong các quá trình sản xuất được bền vững, UNDP cho rằng, cần đánh giá đầy đủ chi phí sản xuất, sự đáp ứng tiêu chuẩn và khả năng bán ra thị trường của sản phẩm mới.
Cần phải đo hàm lượng các chất hữu cơ ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất và vùng phụ cận để hiểu tác động của sử dụng các chất này và lợi ích của việc thay thế bằng các hóa chất an toàn. Điều này đòi hỏi việc chấp nhận tiêu chuẩn chất lượng mới trong phòng thí nghiệm về phân tích các hóa chất phức tạp, trong tương lai gần.
Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Cương cũng cho biết quá trình thực hiện dự án đã gặp một vài khó khăn do vừa phải đảm bảo áp dụng các công nghệ mới đồng thời phải vừa tối đa hóa các biện pháp bảo vệ công nhân khỏi Covid-19. Bên cạnh đó, còn có các khó khăn trong việc đảm bảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế và quốc gia do hạn chế đi lại; lực lượng lao động hạn chế vì xảy ra lây nhiễm virus.
Đồng thời, UNDP cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần tích hợp các hành động liên quan tới Covid-19 vào quá trình sản xuất như quy trình “bình thường mới” và nới lỏng các hạn chế đi lại, tạo điều kiện cho các trao đổi kiến thức và kinh nghiệm quốc gia và quốc tế.
Vấn đề yêu cầu cần thiết ban hành luật đối với thực hiện dự án Hóa học Xanh, ông Cương phân tích từ việc ngân sách cho việc thay thế thiết bị ở Công ty Nishu – đơn vị thí nghiệm dự án là khá đáng kể. Tuy nhiên, việc thay thế này chỉ có thể bền vững nếu được Chính phủ ban hành các quy định thực thi nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Mai Cương nhấn mạnh: “Nếu chỉ có hỗ trợ tài chính đến các doanh nghiệp thực hiện Hóa học Xanh nhưng không có luật lệ rõ ràng về nhập khẩu và sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ, các sản phẩm này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường do giá thấp hơn và tính chất kỹ thuật tốt hơn. Do đó, hỗ trợ tài chính cần phải luôn đi song song với thực thi pháp luật chặt chẽ”.
Ông Patrick Harverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hóa chất xanh ở Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần đưa hóa học xanh vào Luật Hóa chất 2007 sắp được sửa đổi trong thời gian tới. Hóa học xanh không chỉ mang lại các lợi ích về môi trường mà cả các cơ hội cho các doanh nghiệp như giảm việc sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng, tạo các cơ hội cạnh tranh để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Patrick Harverman đề xuất: “Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tài chính xanh như các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh cũng rất cần thiết để khuyến khích các khu vực tư nhân huy động nguồn lực, thúc đẩy đầu tư vào hóa học xanh sản xuất sạch hơn. Cuối cùng, giáo dục và đào tạo về hóa học xanh là điều cốt lõi để đảm bảo có thể triển khai hóa học xanh trong thực tế một cách hiệu quả”.