Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy hơn 60% bệnh truyền nhiễm ở người là do mầm bệnh bắt nguồn từ ĐVHD (ĐVHD) hoặc vật nuôi. Các mầm bệnh và bệnh này bao gồm bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da, bệnh sán lợn, bệnh sán dây nhỏ, bệnh nhiễm trùng toxoplasmosis, bệnh than, bệnh nhiễm khuẩn brucellosis, bệnh dại, bệnh sốt rét, bệnh sốt Rift Valley, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), sốt xuất huyết, Ebola, HIV/AIDS (L H Taylor, S M Latham, 2001).
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, chủ yếu từ ĐVHD. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa con người và động vật nói chung, ĐVHD nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm chế các bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm từ động vật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới nổi chưa nhận được sự quan tâm tương xứng trước những rủi ro mà nó mang lại. Chỉ tới khi SARS-CoV-2 xuất hiện và bùng phát thành đại dịch toàn cầu khiến hầu hết các quốc gia chao đảo trong khoảng hai năm gần đây, con người mới lật lại những cảnh báo nghiêm trọng về bệnh truyền nhiễm và bắt đầu chú ý hơn tới việc nghiên cứu, phòng chống các mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật thông qua các biện pháp phòng vệ cá nhân, giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, ĐVHD hoặc cấm buôn bán ĐVHD tạm thời.
Mối nguy từ bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi
Bệnh truyền nhiễm mới nổi là bệnh được gây ra bởi các loài hoặc chủng mới được xác định (ví dụ SARS, HIV/AIDS). Bệnh truyền nhiễm tái nổi là bệnh có thể đã tiến triển từ một bệnh nhiễm trùng đã biết (ví dụ như cúm) hoặc lây lan sang một dân số mới (ví dụ Sốt Tây sông Nile) (Anthony S Fauci, 2005). Điểm chung của các loại bệnh này là đa phần đều có nguồn gốc từ động vật và đều có khả năng gây hậu quả nhanh chóng, sâu rộng đối với con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác trong xã hội.
Năm 2001, các nhà nghiên cứu đã liệt kê 1.415 tác nhân gây bệnh cho người đã biết, trong đó có tới 61% tác nhân có nguồn gốc từ động vật (Kate Burgess, 2020). Động vật nói chung và ĐVHD nói riêng từ lâu đã tham gia vào dịch tễ học của hầu hết các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và đóng vai trò là những ổ chứa chính truyền lây các tác nhân gây bệnh từ động vật sang vật nuôi và con người. Bệnh truyền nhiễm từ ĐVHD thường do nhiều loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác nhau gây ra.
Một số bệnh lây truyền phổ biến qua ĐVHD như: dơi lây truyền virus Ebola, SARS, MERS, bệnh dại; muỗi lây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, sốt Tây sông Nile, sốt vàng da; bọ ve lây truyền bệnh Lyme, sốt đốm Rocky Mountain; động vật gặm nhấm lây bệnh dịch hạch, nhiễm khuẩn salmonella, hội chứng phổi hantavirus (Kate Burgess, 2020). Riêng với COVID-19, bằng chứng cho thấy nguồn gốc di truyền của virus SARS CoV-2 rất có thể là một loại virus corona sống ở dơi móng ngựa, tuy nhiên, tại thời điểm này, khoa học vẫn chưa thể khẳng định chính xác virus này được phát triển ở đâu, khi nào và qua những loài nào trước khi lây nhiễm sang người (Chaolin Huang, Yeming Wang, 2020).
Trong khi một vài dịch bệnh chỉ gây ra các ổ dịch địa phương như Ebola, một số khác gây sự gián đoạn lớn về kinh tế, ví dụ như Zika năm 1952, HIV/AIDS lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1980, cúm A/H5N1 năm 1997, SARS năm 2002 – 2003, MERS năm 2012. Sự bùng phát của COVID-19 tính đến hết tháng 11/2021 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người và con số thương vong vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Yếu tố liên quan đến sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm từ ĐVHD
Trong số các yếu tố thúc đẩy sự bùng phát và lây lan dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, sự tương tác giữa con người với vật nuôi và ĐVHD được nhận định là một trong những nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất. Từ nhiều thế kỷ trước, động vật nuôi trong nhà đã truyền hầu hết các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, chẳng hạn như bệnh hắc lào từ mèo nhà. Càng về sau, khi con người xâm phạm môi trường sống của ĐVHD thông qua các hoạt động phát triển như phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các loài không/chưa được thuần hóa sang con người càng gia tăng do tỷ lệ tiếp xúc cao hơn.
Ngày nay, các hoạt động buôn bán ĐVHD cả dưới hình thức hợp pháp và bất hợp pháp càng thúc đẩy con người tiếp xúc gần với các loài mới, bao gồm các loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có nhiều loài là vật chủ gây bệnh. ĐVHD thường bị buôn bán làm thực phẩm, thuốc đông y hoặc thú cưng, trong đó mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng đều tiềm ẩn rủi ro lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người. Hầu hết các loài ĐVHD, bao gồm các cá thể còn sống và đã chết đều được thu gom, nuôi nhốt, bày bán, giết mổ tại các khu chợ tươi sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh nên dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan rộng.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Guelph, Canada cho biết sự bùng phát dịch bệnh cũng có thể xảy ra với các hoạt động như săn bắn nhưng các khu chợ ĐVHD mới là nơi lây truyền virus sang người nhanh hơn cả. Các khu chợ tươi sống làm tăng đáng kể rủi ro lây lan dịch bệnh khi đưa nhiều ĐVHD đến gần con người hơn (Chaolin Huang, Yeming Wang, 2020).
Với hoạt động buôn bán bất hợp pháp, rủi ro có thể còn cao hơn cả các khu chợ bởi rất nhiều loài hoang dã trong tự nhiên vốn dĩ đã ủ sẵn hoặc chứa mầm bệnh có thể lây truyền sang người và trở thành vật chủ trung gian truyền bệnh. Ở Việt Nam, do thiếu nhận thức về nguy cơ dịch bệnh từ ĐVHD và lầm tưởng về tác dụng bị thổi phồng của các bài thuốc cổ truyền từ động vật nên nhiều người vẫn lùng mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê… mà không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp và không có công dụng thần dược như quảng cáo, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ việc trực tiếp tiêu thụ, sử dụng và mua bán chúng.
Ngoài hoạt động săn bắn, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ĐVHD, việc gây nuôi thương mại các loài ĐVHD tại các trang trại hiện nay cũng ẩn chứa không ít nguy cơ. Nhiều trang trại ít hoặc không chú trọng đảm bảo điều kiện chuồng trại, an toàn vệ sinh và hầu như không có phương án ứng phó, phòng chống dịch bệnh cho động vật, chưa kể một số trang trại còn trở thành nơi “rửa” ĐVHD bất hợp pháp vốn mang trong mình nhiều nguy cơ mầm bệnh.
Bên cạnh sự tương tác giữa con người và động vật, các yếu tố môi trường và khí hậu cũng đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người, chẳng hạn, nhiệt độ tăng cao cho phép muỗi mở rộng phạm vi đến các khu vực đông dân cư mới hoặc khiến ĐVHD di chuyển đến các khu vực mát mẻ hơn.
Mặc dù ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người, song cho đến nay có rất ít nghiên cứu đánh giá và cảnh báo về rủi ro dịch bệnh từ các loài ĐVHD ở Việt Nam. Tuyên bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ngày 8/5/2021 cũng khẳng định các đợt bùng phát đại dịch là kết quả của sự tàn phá thiên nhiên và đã đến lúc thế giới cần xem lại mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và ĐVHD. Sự xuất hiện của COVID-19 chắc chắn đã phần nào thức tỉnh nhân loại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư nghiên cứu sâu về bệnh truyền nhiễm cũng như chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên và ĐVHD.
Khuyến nghị và giải pháp
Bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật có thể sẽ ngày càng trở nên phổ biến và biến đổi khôn lường, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của nếu không được phòng chống kịp thời. Do đó, cần thực hiện tổng hợp các giải pháp nhằm giảm thiểu khả năng xuất hiện và bùng phát các loại dịch bệnh và đại dịch.
Thứ nhất, cần tăng cường thực thi pháp luật nhằm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, bao gồm cả việc quảng cáo trái phép ĐVHD trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử. Riêng với hoạt động buôn bán hợp pháp và quản lý các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD, cần kiểm soát chặt toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm giám sát các mối nguy cơ dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về rủi ro pháp lý và sức khỏe của việc tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp, tuyệt đối không cổ súy các món ăn hay phương thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD.
Thứ hai, chú trọng khảo sát, đánh giá nguy cơ của từng nhóm loài ĐVHD, trong đó cần có biện pháp giám sát đối với các nhóm loài có nguy cơ cao phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Việc giám sát và đánh giá nguy cơ của ĐVHD giúp sàng lọc, phát hiện các loại virus mới, mang lại những cảnh báo sớm đối với sự lây lan bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Thứ ba, tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng hợp tác liên ngành theo cách tiếp cận Một sức khỏe để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD. Cách tiếp cận Một sức khỏe thừa nhận rằng sức khỏe của con người, động vật và môi trường có mối liên hệ không thể tách rời và phải được xem xét cùng nhau để giải quyết các mối đe dọa sức khỏe phức tạp. Hơn nữa, các biện pháp can thiệp bền vững đòi hỏi nỗ lực hợp tác liên ngành như y tế công cộng, thú y, nông nghiệp, môi trường, sinh học, sinh thái…
Thứ tư, thúc đẩy lối sống lành mạnh với việc tiếp cận, sử dụng các nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với việc tiêu thụ các loài ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Song song với đó, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình, dự án phục hồi rừng và bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn loài, hạn chế xâm lấn rừng, góp phần giữ gìn sinh cảnh cho các loài trong tự nhiên và giảm tác nhân gây bệnh từ ĐVHD.
Tài liệu tham khảo
Anthony S Fauci. (2005). Emerging and reemerging infectious diseases: the perpetual challenge. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16306276/
Chaolin Huang, Yeming Wang, … (2020). Clinical features of patients infected with 2019 novel coronavirus in Wuhan, China. In The Lancet (24 January 2020). https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31986264/
Kate Burgess. (2020). Wildlife Diseases and Pandemics. NCEL. https://www.ncelenviro.org/articles/wildlife-diseases-and-pandemics-causes-and-possible-solutions/
L H Taylor, S M Latham, M. E. W. (2001). Risk factors for human disease emergence. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1088493/
TS. Phạm Đức Phúc, Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái, Đại học Y tế Công cộng; Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN)