Một thợ lặn đã mô tả rạn san hô tuyệt đẹp mới được phát hiện là “một tác phẩm nghệ thuật”.
Live Science đưa tin, các thợ lặn biển cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã phát hiện và lập bản đồ một rạn san hô khổng lồ hình hoa hồng ẩn mình ngoài khơi bờ biển Tahiti – hòn đảo lớn nhất ở Polynesia thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Rạn san hô đang trong tình trạng “nguyên sơ” và vẫn khỏe mạnh một cách đáng ngạc nhiên bất chấp các sự kiện tẩy trắng san hô gần đây trong khu vực.
Rạn san hô mới được phát hiện, vẫn chưa được đặt tên, dài khoảng 3km và rộng từ 30-65m. Nó nằm ở độ sâu từ 31-55m – một độ sâu bất thường đối với một rạn san hô nhiệt đới. Nhưng có thể nhờ đó mà rạn san hô không phải chịu các tác động của biến đổi khí hậu. Theo World Register of Marine Species, rạn san hô chủ yếu được tạo thành từ Pachyseris speciosa – một loài san hô trong họ Agariciidae.
Các thợ lặn thuộc dự án thám hiểm đáy biển 1 Ocean phát hiện rạn san hô này lần đầu tiên vào tháng 11.2021. “Thật kỳ diệu khi được chứng kiến những san hô hoa hồng khổng lồ, tuyệt đẹp trải dài đến mức mắt thường có thể nhìn thấy. Nó giống như một tác phẩm nghệ thuật”, Alexis Rosenfeld – một nhiếp ảnh gia dưới nước và là người sáng lập dự án Ocean do UNESCO đồng điều hành – cho hay.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), vị trí của rạn san hô mới rất khó nghiên cứu vì nó quá sâu đối với hoạt động lặn biển truyền thống và quá nông để sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa (ROV). Tuy nhiên, các thợ lặn đã phát triển công nghệ mới, kết hợp cùng với camera dưới nước để khám phá các vùng nước sâu.
Nhóm nghiên cứu từ 1 Ocean đã tận dụng những tiến bộ công nghệ này và lặn tổng cộng khoảng 200 giờ đồng hồ, để lập bản đồ chi tiết và thậm chí chứng kiến sự sinh sản của san hô.
Chuyên gia về san hô Laetitia Hedouin tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng các rạn san hô ở sâu hơn có thể được bảo vệ tốt hơn khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu”.