Tục thả cá chép kèm tro hương gây ô nhiễm nghiêm trọng tại sông hồ Hà Nội

Đông đảo người dân đến các ao hồ lớn để thực hiện nghi thức thả cá chép đưa ông Công ông Táo về trời. Việc này gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cá chép vừa được thả xuống hồ đã ngửa bụng chết, tro hương đọng kín.

Hôm nay 25.1 (23 tháng Chạp âm lịch), dù vào ngày đi làm nhưng rất nhiều người dân vẫn thực hiện đầy đủ nghi thức làm lễ đúng ngày cúng Táo quân, thả cá chép đưa ông Công ông Táo về trời.

Nhiều địa điểm như sông Hồng, hồ Tây, hồ Gươm, hồ Giảng Võ được chọn là nơi thả cá chép phóng sinh.

Càng về trưa người dân ra thả cá càng nhiều hơn. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó tiến đến thành công.
Ba mẹ con cùng nhau ra thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời.
Người dân tuy đã ý thức hơn khi không bỏ túi nilon xuống hồ, nhưng các túi nilon vẫn không được vứt vào thùng rác mà bị vứt thành từng đống quanh gốc cây gây mất mỹ quan.
Thay vì dùng nilon, nhiều người dân đã dùng bát hoặc các đồ nhựa tái sử dụng để mang cá ra thả. Đây là tín hiệu tốt cho phong trào hạn chế sử dụng túi nilon. Nhất là vào thời điểm cuối năm và đầu năm, khi nghi thức phóng sinh diễn ra liên tục.
Không thả túi nilon, tuy nhiên có rất nhiều người dân thả tro, hương xuống hồ, gây ùn ứ và ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều người quan niệm việc thả bát hương, nhang tro xuống nước sẽ đem lại nhiều điều may mắn phước lành. Anh Phúc (56 tuổi) là người dân sống gần hồ chia sẻ: “Lễ xong, tro phải được thả xuống nước, thả ở trên cạn thì bay mất. Thả xuống nước để tro lắng xuống, nếu hồ mà có dòng chảy lưu thông thì càng tốt.”
Ven hồ ngập tro hương, các đồ thờ cúng. Tình trạng ô nhiễm đáng báo động.
ác que hương dày đặc chìm xuống dưới hồ.
Người dân phải thả cá xuống những chỗ nước đen ngòm vì tro hương.
Cá chép vừa thả xuống đã hấp hối ngửa người trên mặt nước.
Cụ Gái (80 tuổi) mang cả quyển kinh và hương ra để thắp trước khi phóng sinh cá chép. Được hỏi về ý kiến khi mọi người vứt hương xuống hồ, cụ cho hay: “Người dân ở đây hay thả bát hương xuống nước xuống hồ, nhưng điều này không đúng đâu, lẽ ra phải bỏ ở gốc những cây cổ thụ mới phải”.

Mỗi người dân, mỗi gia đình đều có quan niệm riêng trong việc lễ bái và phóng sinh vào ngày ông Công ông Táo.

Tuy nhiên, việc xả túi nilon kèm theo việc rải tro, bát hương xuống các hồ đã và đang dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước – vốn đã nghiêm trọng tại Hà Nội.