Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách pháp luật về bảo vệ ĐVHD như Luật Thủy sản năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Cùng với đó, thẩm quyền quản lý, bảo tồn ĐVHD cũng được giao cho hai Bộ NN&PTNT và TN&MT. Tuy nhiên, bên cạnh một số tiến bộ từ việc sửa đổi, bổ sung các khoảng trống chính sách, vẫn tồn tại không ít bất cập từ những quy định chồng chéo và sự phân giao trách nhiệm.
Chồng chéo quy định quản lý ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm
Hiện có nhiều danh mục loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có thể kể đến Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I, Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (được sửa đổi bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP, sau đây lần lượt gọi tắt là Nghị định 160 và Nghị định 64); Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP, sau đây gọi tắt là Nghị định 06); Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 26). Bên cạnh đó, các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cũng được áp dụng trong các văn bản pháp luật của Việt Nam (các Phụ lục này được dịch và công bố theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam).
Việc có nhiều danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cùng tồn tại đã dẫn đến sự chồng chéo, lúng túng trong quá trình áp dụng. Điển hình cho sự chồng chéo này là hai văn bản Nghị định 64 và Nghị định 06. Theo đó, 86/96 loài trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định 64 đồng thời được liệt kê trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Nghị định 06, cụ thể có 80 loài thuộc nhóm IB và 6 loài thuộc nhóm IIB; 10 loài còn lại thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm: chồn bay (cầy bay) (Galeopterus variegatus), hổ (Panthera tigris) trừ phân loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti); bò xám (Bos sauveli); cá heo trắng trung hoa (Sousa chinensis); bò biển (Dugong dugon); rùa biển đầu to (quản đồng) (Caretta caretta); vích (Chelonia mydas); đồi mồi (Eretmochelys imbricata); đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea); rùa da (Dermochelys coriacea). Trong 10 loài này, trừ loài chồn bay (cầy bay), cả 9 loài đều thuộc Phụ lục I CITES. Tuy nhiên, từ ngày 30/11/2021, khi Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 bắt đầu có hiệu lực, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bổ sung thêm loài chồn bay vào nhóm IB – điều này đồng nghĩa với việc số loài trùng nhau giữa Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là 87/96 loài, cũng có nghĩa là chỉ còn 9 loài thủy sản chịu sự điều chỉnh của toàn bộ Nghị định 160.
Với những loài trùng nhau giữa hai danh mục, khoản 3 Điều 40 Nghị định 06 quy định: “Đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng chế độ quản lý theo quy định tại Nghị định này, trừ hoạt động khai thác tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nghiên cứu khoa học”. Điều này có nghĩa là hầu hết các hoạt động thực hiện đối với 87/96 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định 64 sẽ được áp dụng như quy định tại Nghị định 06. Đối với 9 loài còn lại thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, vì 9/9 loài cũng đồng thời thuộc Phụ lục I CITES nên theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 06, các quy chế quản lý 9 loài này này cũng tuân theo Nghị định 06.
Như vậy, mặc dù hai văn bản quy phạm pháp luật cùng được ban hành dựa trên đề xuất của hai Bộ NN&PTNT và TN&MT ở hai thời điểm khác nhau nhưng thực chất thì Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chỉ còn 9 loài chịu sự điều chỉnh của toàn bộ Nghị định 160 (do 9 loài này đồng thời thuộc Phụ lục CITES nên một số quy chế vẫn phải áp dụng thêm quy định tại Nghị định 06), trong khi 87/96 loài khác chỉ còn được điều chỉnh với hoạt động khai thác tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nghiên cứu khoa học. Đây là sự chồng chéo gây ra lãng phí về nguồn lực đồng thời cũng gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật.
Điểm đáng chú ý là sự chồng chéo trong chế độ quản lý loài giữa Nghị định 160 và Nghị định 06 còn tác động đến các loại hình cơ sở nuôi ĐVHD. Theo quy định tại Nghị định 06, có hai loại hình cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm là cơ sở nuôi không vì mục đích thương mại (bao gồm hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; vườn động vật; bảo tàng; triển lãm; biểu diễn xiếc) và cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại (các cơ sở này sẽ được cấp mã số cơ sở nuôi, trồng). Luật Đa dạng sinh học và Nghị định 160 cũng quy định hai loại hình cơ sở đa dạng sinh học liên quan đến nuôi ĐVHD là cơ sở nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và cơ sở cứu hộ ĐVHD (nuôi tất cả các loài ĐVHD, trong đó có loài được ưu tiên bảo vệ). Như vậy, trừ mục tiêu cứu hộ và bảo tồn, loại hình cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học về cơ bản thực hiện các mục tiêu tương tự loại hình cơ sở nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại của Nghị định 06. Khi Nghị định 84/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2021, các mục tiêu hoạt động của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và cơ sở nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại là trùng khớp nhau. Và trong trường hợp này, khoản 3 Điều 40 Nghị định 06 quy định: cơ sở có nhu cầu nuôi ĐVHD phục vụ các mục đích bảo tồn đa dạng sinh học ở Nghị định 06 và cả Nghị định 160 đều phải tiến hành đăng ký dưới dạng cơ sở nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại theo Nghị định 06. Đây cũng là nguyên nhân kể từ thời điểm Nghị định 06 có hiệu lực đến nay, không có cơ sở mới đăng ký dưới hình thức cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo Nghị định 160 dù đã sẵn có quy hoạch quy định tại Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, đến năm 2020 nước ta phải có 38 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thành lập nhưng đến nay mới chỉ có 7 cơ sở thành lập và cả 7 cơ sở không nằm trong quy hoạch này.
Bên cạnh sự chồng chéo danh mục loài với Nghị định 160, một số loài thuộc Nhóm IB Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06 cũng nằm trong Phụ lục IX Danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định 26. Cụ thể: các loài đang trùng lặp bao gồm rùa đầu to (Platysternon megacephalum), rùa hộp ba vạch/rùa vàng (Cuora trifasciata), rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis), giải khổng lồ (Pelochelys cantorii), giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei). Sự trùng lặp trong hai lĩnh vực lâm nghiệp – thủy sản này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và xử lý vi phạm đối với các loài ĐVHD được quy định.
Chồng chéo thẩm quyền quản lý, bảo vệ ĐVHD
Thẩm quyền quản lý, bảo tồn ĐVHD hiện được giao chủ yếu cho hai Bộ NN&PTNT và TN&MT. Trong đó, Bộ NN&PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong khi Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bao gồm việc bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý các loài ngoại lai xâm hại, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, không bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế thẩm quyền của hai Bộ có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quản lý, thực thi các quy định pháp luật liên quan.
Trong khi thẩm quyền quản lý liên quan đến ĐVHD của Bộ NN&PTNT chủ yếu được cụ thể hóa trong quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 06 thì thẩm quyền của Bộ TN&MT trong lĩnh vực này lại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Nghị định 160. Theo đó, cả hai đều có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, đánh giá, quản lý khai thác, nuôi trồng loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể: theo Nghị định 06, Bộ NN&PTNT có thẩm quyền quản lý đối với các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, còn theo Nghị định 160, Bộ TN&MT có thẩm quyền quản lý đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, hầu hết các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nên cùng một nhóm đối tượng nhưng cùng lúc chịu hai cơ chế quản lý bởi hai cơ quan quản lý khác nhau.
Không chỉ chồng lấn về thẩm quyền quản lý ở cấp trung ương, các cấp quản lý ở địa phương cũng thực thi thiếu thống nhất do quy định thiếu rõ ràng. Đơn cử, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản liên quan quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên có địa phương giao sở TN&MT, có nơi lại giao sở NN&PTNT tham mưu quá trình cấp phép và quản lý hoạt động của cùng một loại hình cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, thậm chí có nơi chưa biết giao nhiệm vụ cho cơ quan nào. Điều này gây bối rối cho một số cơ quan quản lý ở địa phương trong quá trình quản lý và triển khai Quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước.
Cần soát lại quy định gây nuôi ĐVHD
Hiện nay, theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hoạt động gây nuôi các loài ĐVHD có thể được phân loại thành 3 hình thức: nuôi vì mục đích thương mại; nuôi không vì mục đích thương mại; và nuôi vì mục đích bảo tồn đa dạng sinh học. Theo quy định, các loài thuộc Phụ lục I, II và III CITES; Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06; động vật rừng thông thường và Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 26 đều có thể được nuôi ở cả ba loại hình trong trường hợp đáp ứng các điều kiện liên quan. Với các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 64, do có sự trùng lặp về danh mục loài với Nghị định 06 nên 95/96 loài này vẫn có thể được nuôi vì cả ba mục đích.
Trên thực tế, việc quy định các loài thuộc cả ba Phụ lục CITES đều có thể được nuôi vì mục đích thương mại không trái với quy định của Công ước, cụ thể khoản 4 Điều VII Công ước nêu rõ: “Mẫu vật của một loài động vật thuộc Phụ lục I được tạo ra trong điều kiện nuôi nhằm mục đích thương mại, hoặc của một loài thực vật được trồng cấy nhân tạo nhằm mục đích thương mại sẽ được coi là mẫu vật của những loài thuộc Phụ lục II”. Tương tự, những loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (trừ loài chồn bay) và các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam cũng đều có thể được nuôi vì mục đích thương mại mà không trái với quy định nào của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, quy định cho phép nuôi hầu hết loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại là chưa phù hợp với thực tế bởi không phải mọi loài đều có khả năng (i) sinh sản và phát triển tốt trong môi trường có kiểm soát và (ii) đem lại lợi ích kinh tế khi nuôi thương mại. Trên thực tế, rất ít loài có thể đảm bảo được một trong hai mục tiêu này. Mặt khác, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 06 quy định điều kiện nuôi các loài ĐVHD nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại phải là “loài được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên”. Đây là một quy định hợp lý vì việc ban hành danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại sẽ tạo thuận lợi cho người nuôi và cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng cũng như định hướng hoạt động nuôi thương mại ĐVHD. Trên thực tế, không phải bất cứ loài ĐVHD nào cũng đều có khả năng sinh sản trong môi trường có kiểm soát, chỉ một số ít loài ĐVHD phù hợp với việc gây nuôi phát triển kinh tế và hoạt động nuôi không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các quần thể ĐVHD trong tự nhiên. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 06 đã sửa đổi, bổ sung thành: “Các loài ĐVHD thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên”. Tuy phạm vi điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 06 đã được điều chỉnh tức Cơ quan khoa học CITES không cần công bố danh sách loài có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát, song theo quy định tại Điều 34 Nghị định 06 (không bị sửa đổi bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), Cơ quan khoa học CITES Việt Nam vẫn đóng vai trò tư vấn cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES trong việc “Công bố danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại”. Danh mục này, dù được ban hành bởi cơ quan nào cũng là cần thiết và nên sớm được thực hiện nhằm hỗ trợ công tác định hướng và quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam.
Ngày 31/12/2020, đường dây nóng 1800 1522 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp nhận thông tin về hai đối tượng bày bán 11 cá thể rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga) thuộc nhóm IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP và một số cá thể rắn tại khu chợ ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi chuyển thông tin cho cơ quan chức năng địa phương, ngày 06/01/2021, ENV được biết toàn bộ số cá thể rùa đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc từ một cơ sở nuôi ĐVHD tại Tràm Chim, do chính người bán làm chủ. Do có nguồn gốc hợp pháp nên việc bày bán các cá thể rùa không vi phạm pháp luật mà chỉ cần tuân thủ quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp. Tuy nhiên, qua tham vấn ý kiến từ một số chuyên gia, hầu hết các ý kiến khẳng định rùa ba gờ là một trong những loài rùa nước khó nuôi nhất trong điều kiện nhân tạo. Chúng dễ mắc bệnh và bị ký sinh trùng trong điều kiện nuôi nhốt. Ngay cả trứng của loài này thu về từ tự nhiên tuy có tỉ lệ nở cao nhưng rất ít cá thể có thể đạt tới độ tuổi trưởng thành trong điều kiện nuôi nhốt. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo không nên cho phép nuôi rùa ba gờ vì đây là loài không phù hợp gây nuôi vì mục đích thương mại và việc cho phép nuôi nhốt sẽ là kẽ hở để các đối tượng núp bóng buôn bán trái phép. |
Một trong những điểm quan ngại nhất trong hoạt động gây nuôi ĐVHD là những điều kiện, yêu cầu liên quan đến việc cho phép nuôi thương mại, không vì mục đích thương mại hay nuôi bảo tồn ĐVHD còn rất sơ sài và chưa đảm bảo được cơ chế giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, từ khâu đưa động vật về nuôi, đảm bảo nguồn giống hợp pháp, giám sát quá trình sinh sản, xuất bán, trao đổi… Khoảng trống này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không ít cơ sở gây nuôi trở thành vỏ bọc để hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp.
Thêm vào đó, các quy định hiện tại cũng chưa đề cập đến trường hợp một cơ sở gây nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại có đồng thời được nuôi các loài này vì mục đích thương mại hay không, chẳng hạn một cơ sở nghiên cứu dược liệu từ rắn thì có được chế biến, bán rượu ngâm rắn, cao rắn và các sản phẩm khác từ rắn? Điều đáng nói là tuy chưa được pháp luật quy định nhưng tình trạng này đã và đang tồn tại tại một số địa phương, nhất là tại các cơ sở do khối tư nhân quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Đặc biệt, do quy định pháp luật chưa rõ ràng nên hoạt động nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm làm cảnh cũng được một bộ phận người dân thực hiện mà không có quy chế quản lý. Theo quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP, hoạt động này đã chính thức được hợp pháp hóa với yêu cầu đăng ký quản lý (với loài nguy cấp, quý, hiếm) và thông báo (với loài động vật rừng thông thường, các loài ĐVHD khác). Tuy nhiên, vẫn cần phải nhìn nhận lại quy định này bởi hoạt động nuôi ĐVHD để làm cảnh không chỉ kích thích nhu cầu tiêu thụ, sử dụng ĐVHD của người dân mà còn đồng thời tiềm ẩn rủi ro lây lan các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD sang con người.
Một số khuyến nghị
Thứ nhất, nhằm hạn chế sự chồng chéo trong quy định bảo vệ các loài ĐVHD dẫn đến sự chồng chéo trong thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc sửa đổi khoản 3 Điều 40 Nghị định 06 theo hướng: đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng chế độ quản lý theo quy định tại Nghị định 160; còn hoạt động nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng, cấy nhân tạo loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, vận chuyển loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cùng các sản phẩm của chúng phục vụ mục đích thương mại và các vấn đề khác chưa được quy đinh tại Nghị định 160 thì áp dụng như quy định tại Nghị định 06. Tuy nhiên, về lâu dài, nên chấm dứt tình trạng cùng một loài ĐVHD nhưng nằm trong nhiều danh mục có cơ chế quản lý khác nhau, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan, cụ thể là Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Có thể cân nhắc trách nhiệm của các bộ theo mục đích thực hiện hoạt động, chẳng hạn Bộ TN&MT quản lý hoạt động bảo tồn trong tự nhiên và các hoạt động nuôi, trao đổi, mua bán, tặng cho… loài nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn và các mục đích phi thương mại khác; Bộ NN&PTNT quản lý hoạt động khai thác, trao đổi, mua bán, tặng cho, nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại.
Thứ hai, đối với hoạt động gây nuôi các loài ĐVHD không vì mục đích thương mại, Nhà nước cần quy định các cơ sở gây nuôi không được đồng thời hoạt động hoặc có mối liên hệ với các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD. Nội dung này có thể được nghiên cứu bổ sung ở các văn bản sửa đổi Nghị định 160 và/hoặc Nghị định 06 hay Nghị định 26.
Thứ ba, đối với hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, Việt Nam chỉ nên cho phép gây nuôi thương mại những loài đã có đánh giá tác động kĩ lưỡng và có căn cứ khoa học chứng minh rõ việc gây nuôi thương mại không ảnh hưởng tới các quần thể loài trong tự nhiên. Danh mục các loài được phép nuôi vì mục đích thương mại cũng cần được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES sớm công bố (sau khi tham vấn với Cơ quan khoa học CITES) kèm theo các hướng dẫn tiêu chuẩn kĩ thuật và kiểm soát để hỗ trợ người dân trong hoạt động nuôi cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát.
Thứ tư, nên phân định rạch ròi các loại hình cơ sở gây nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại và nuôi bảo tồn thành 5 nhóm: (i) cơ sở cứu hộ, (ii) cơ sở nghiên cứu và gây nuôi bảo tồn, (iii) cơ sở giáo dục hoặc du lịch sinh thái, (iv) cơ sở phúc lợi ĐVHD, (v) cơ sở hoạt động xiếc thú và cơ sở thành lập trước thời điểm quy định có hiệu lực. Những cơ sở này cần được quy định chi tiết về mục tiêu, hoạt động được phép và hoạt động không được thực hiện, điều kiện cấp phép… Chỉ khi tất cả các yêu cầu được đáp ứng thì cơ sở mới được cấp phép hoạt động.
Liên quan đến quy định gây nuôi ĐVHD, cũng cần nội luật hóa đầy đủ các quy định của CITES và các điều ước quốc tế liên quan nhằm tạo sự thống nhất giữa các quy định pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những khía cạnh cần chú trọng bao gồm: các điều kiện để thành lập cơ sở nuôi; cơ chế đảm bảo hoạt động hợp pháp và bền vững của cơ sở (nguồn giống bền vững hợp pháp; cách thức nuôi tránh lai tạp, giao phối cận huyết…); chế độ báo cáo của chủ cơ sở; phương án xử lý ĐVHD trong các trường hợp cơ sở vi phạm; giải quyết hậu quả của việc rút giấy chứng nhận hoặc hủy mã số cơ sở…
Đã đến lúc cần đánh giá khách quan, toàn diện về việc ban hành và thực thi tất cả những quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của công tác bảo tồn các loài ĐVHD tại Việt Nam, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)