Rừng Yên Bái đang phục hồi một cách thần kỳ khi hàng trăm tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho người dân, giúp họ gắn bó với rừng hơn…
Một thời rừng luôn rực lửa
Thập niên 70 – 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ XXI, những trận cháy rừng liên miên vào mùa khô kéo dài cả tháng trời khắp các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Người ta đốt rừng để làm nương rẫy và để chăn thả gia súc.
Rừng không của ai, nên ai cũng có quyền đốt, lửa cháy ngút trời, đêm đêm nhìn lên các sườn núi, lửa đốt rừng giống như các con trăn lửa quăng mình trên các thảm rừng. Hàng ngàn ha rừng biến khỏi mặt đất chỉ sau vài mùa cháy rừng. Hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng”. Bởi mỗi năm ở hai huyện này có hàng trăm vụ cháy rừng lớn nhỏ.
Rừng tự nhiên bị đốt, rừng trồng cũng không thoát khỏi thần lửa mỗi khi mùa khô đến. Hẳn mọi người còn nhớ trận cháy rừng thông mùa khô năm 1980 ở Nả Háng Tâu, huyện Mù Cang Chải. Trận cháy rừng ấy, chị Phạm Thị Tiến, người y tá của Lâm trường Púng Luông đã hi sinh khi cùng mọi người đi cứu rừng.
Sau này, rừng được giao khoán bảo vệ, nhưng nguồn vốn quá ít, mỗi ha được chi trả có 50.000 đ/năm, năm cao nhất cũng chỉ 200.000 đ/ha. Thành ra, giao khoán cũng chỉ là giao khoán, tình trạng đốt phá rừng đã giảm, nhưng rừng vẫn bị cháy, bị chặt phá. Vì thế, rừng khó mà giữ được, khi người dân bảo vệ rừng nhưng không thể sống bằng nghề rừng.
Khi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái ra đời, đã thay mặt người bảo vệ rừng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của người sử dụng điện qua các nhà máy thủy điện, nhà máy nước, cơ sở nuôi cá… để chi trả cho người dân bảo vệ rừng, nhờ đó đã làm thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân. Số tiền người dân được chi trả chưa lớn, nhưng đã đáp ứng phần nào công lao người bảo vệ rừng, nên việc giữ rừng ngày một tốt hơn.
Màu xanh trở lại nhờ quỹ dịch vụ môi trường rừng
Năm 2021, diện tích rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho tỉnh Yên Bái là 203.664,9 ha, tăng 4.168,04 ha trên tổng diện tích rừng của tỉnh Yên Bái là 433.712,7 ha, bằng 47% diện tích rừng hiện có.
Đến nay, phần lớn rừng đã có chủ, với 74.653 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ, nên việc xâm hại rừng đã hạn chế thấp nhất. Có hai chủ rừng phòng hộ là Ban quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải có 54.064,97 ha rừng, được chi trả 37,523 tỷ đồng; Ban quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu có 35.397,51 ha rừng, được chi trả 15,941 tỷ đồng. Hai chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng, gồm: Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có 18.744 ha, được chi trả 14,951 tỷ đồng; Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có 3.902,28 ha, được chi trả 349,7 triệu đồng.
Ngoài ra, có 3 công ty lâm nghiệp, 97 UBND các xã…đều nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2021, tổng số tiền thu từ các nhà máy thủy điện và các cơ sở dùng nước của tỉnh Yên Bái là 121,876 tỷ đồng. Trong năm, Yên Bái cũng đã hoàn thiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho năm 2020 là 102,1 tỷ đồng cho người bảo vệ rừng qua hệ thống ngân hàng và kho bạc nhà nước.
Người bảo vệ rừng huyện Mù Cang Chải có năm nhận tiền khoán bảo vệ rừng tới 95 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn cho cuộc sống người dân và xây dựng các cơ sở hạ tầng nông thôn. Hàng trăm cây số đường bê tông được xây dựng tới các thôn bản nằm cheo leo trên các sườn núi cao, hàng ngàn máy phát điện nhỏ được người dân mua sắm để phát điện, nhiều nhà văn hóa thôn bản được xây dựng từ nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Không chỉ thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hàng năm chi một số tiền không nhỏ để trồng thay thế. Cụ thể năm 2021, đã chi 5,532 tỷ đồng để trồng 131,334 ha rừng thay thế. Tổng số tiền chi trồng rừng thay thế từ năm 2015 đến năm 2021 là 24,486 tỷ đồng để trồng 478,7 ha rừng thay thế. Nhờ thế, tỷ lệ che phủ rừng của Yên Bái năm 2021 đã đạt 63%.
Anh Vàng A Rùa, cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải dẫn tôi lên rừng Nậm Khắt. Anh cho biết khu vực rừng xã Nậm Khắt có 4.627,9 ha, được chia cho 9 nhóm hộ cư trú theo thôn bản. Tất cả 4.627,9 ha đều được giao khoán cho 967 hộ, hộ nhận nhiều nhất 10 ha. Thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được nhận 720.000 đồng mỗi ha, nhiều hộ thu cả chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Thào A Của, trưởng bản Nả Khắt dẫn tôi tới khu rừng giáp ranh với tỉnh Sơn La, nơi đây 20 năm trước rừng bị cháy liên miên. Ban quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải đã tiến hành trồng và giao khoán cho 108 hộ dân, chăm sóc 296,5 ha rừng tự nhiên, 389,9 ha rừng trồng. Ông Của cho biết đã hơn 10 năm nay, khu vực bản Nà Khắt không xảy ra một trận cháy rừng nào.
Rừng nơi đây quanh năm mây phủ, lại gió thổi liên miên suốt năm suốt tháng nên cây rừng không thể lớn được với gió. Vào mùa khô, cây rừng xơ xác gặp lửa là cháy. Rừng trên đỉnh núi đã cháy thì không thể nào dập nổi, trước đây rừng bị cháy thì cháy đến khi nào cháy hết mới thôi, còn bây giờ nếu rừng bị cháy, người ta phải huy động lực lượng cả xã, thập chí nhiều xã cùng đến để dập lửa.
Trên đường xuống núi, chúng tôi gặp Lý Là Sử, người dân thôn Nậm Khắt cùng vợ đang dồn quả sơn tra vào hai cái bao tải lớn. Đây là diện tích rừng gia đình ông Sử bảo vệ trên 10 ha. Tôi nhìn lên khu rừng nhà ông Sử có rất nhiều cây sơn tra. Ngoài tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi vụ gia đình ông cũng thu ngót 10 triệu đồng tiền bán sơn tra.
Nguồn thu từ rừng nhiều vô kể, ngoài một số doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh trên đèo Khau Phạ, thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, người dân trồng thảo quả, nuôi ong mật, trồng nấm hương trong các khu rừng nguyên sinh. Con số này không thể nào tính hết.
“Chúng tôi được tỉnh giao nhiệm vụ thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của người sử dụng điện qua các nhà máy thủy điện và các cơ sở dùng nước. Vì thế, chúng tôi luôn đốc thúc các cơ sở dùng nước nộp tiền đúng kỳ hạn. Do vậy không một cơ sở nào nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm, chúng tôi đều cập nhật và xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho người dân bảo vệ rừng là một nguyên tắc để bà con có niềm tin để bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Đó là nguồn lực vô cùng to lớn để bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững”. (Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái). |