Mật độ người tham gia giao thông tăng cao kèm yếu tố thời tiết khiến chất lượng không khí tại Hà Nội suy giảm nghiêm trọng.
Sáng 23/1, Hà Nội tiếp tục chìm trong lớp sương mù kèm bụi bẩn, thời tiết ấm hơn nhưng tình trạng mưa phùn chưa chấm dứt.
Lúc 7h, Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 157 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy sự chênh lệch về mức độ ô nhiễm giữa các quận, huyện.
Khu vực có chỉ số AQI cao là các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và huyện Gia Lâm, trên 150 đơn vị. Điểm quan trắc tại Trung Hòa (Cầu Giấy) được cảnh báo mức độ ô nhiễm cực kỳ nguy hại với 400 đơn vị.
Các quận, huyện khác như Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa, mức độ ô nhiễm ở ngưỡng có hại cho sức khỏe con người, AQI dao động 100-150 đơn vị. Riêng các huyện ngoại thành Hà Nội có chất lượng không khí ở mức bình thường.
Ngoài Hà Nội, chỉ số AQI tại các tỉnh, thành phố lân cận cũng có sự chênh lệch đáng kể ở khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều nơi như Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình… ghi nhận AQI ở ngưỡng 50 đơn vị, chỉ vài điểm quan trắc tại thành phố cho chỉ số AQI vượt ngưỡng 150.
Quan sát bản đồ ô nhiễm có thể thấy chất lượng không khí được cải thiện đồng đều ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận, chỉ số AQI dao động 30-70 đơn vị, không khí ở mức tốt.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực tái diễn do mật độ tham gia giao thông của người dân tăng cao dịp giáp Tết, đồng thời không khí lạnh suy yếu khiến các chất bụi bẩn không thể khuếch tán. Độ ẩm cao gây tình trạng sương mù cũng khiến chỉ số AQI tăng cao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định miền Bắc sẽ hửng nắng trở lại, nền nhiệt tăng kể từ hôm nay (23/1). Mưa vẫn xuất hiện rải rác ở một số nơi nhưng không đáng kể. Trạng thái này kéo dài đến khoảng ngày 26/1.
Ngày 27/1, một đợt gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh tràn về khiến Bắc Bộ mưa rét trở lại. Sau đó, khu vực đón hai đợt không khí lạnh tăng cường liên tục vào ngày 30/1 (28 tháng Chạp) và ngày 2/2 (mùng 2 Tết).
Ảnh hưởng của các hình thái trên có thể khiến chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện dịp Tết, nhưng khu vực sẽ rét đậm, rét hại và mưa phùn kéo dài kể từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết (29/1-3/2).
Dịp Tết Nhâm Dần, nền nhiệt tại đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 13-18 độ C, vùng núi 8-13 độ C, khu vực núi cao có thể xuất hiện băng giá và sương muối.