Từng là mối đe dọa mới nổi trong vài thập kỷ gần đây nhưng ngày nay, tội phạm ĐVHD đã biến thành một trong những hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất thế giới với nguồn thu bất hợp pháp trị giá khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên của nhiều quốc gia, khu vực.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1999 – 2018 đã có gần 6.000 loài động, thực vật bị thu giữ với gần như mọi quốc gia trên thế giới đều đóng vai trò trong việc buôn bán trái phép ĐVHD (UNODC, 2021). Thậm chí, con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ bức tranh buôn lậu ĐVHD trên thực tế. Đây cũng là lý do khiến mục tiêu ngăn chặn tội phạm ĐVHD ngày càng được chú trọng trong các chương trình nghị sự cấp cao của quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các nhóm tội phạm này thường đi kèm hoặc có mối liên hệ chặt chẽ với nạn gian lận, hàng giả, rửa tiền, bạo lực và tham nhũng, vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật tại nhiều quốc gia đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức trong cuộc chiến phòng chống tội phạm ĐVHD. Tại Việt Nam, hoạt động này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số hạn chế về pháp lý, cơ chế phối hợp, năng lực chuyên môn và cơ sở vật chất.
Chính sách đổi mới và mở cửa của Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự hình thành của các nhóm tội phạm ĐVHD quy mô nhỏ. Càng về sau, khi điều kiện sống của người dân tăng lên cùng với niềm tin mù quáng vào công dụng của các loài hoang dã, nhu cầu tìm kiếm, săn bắt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD ngày càng tăng, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Việt Nam dần trở thành điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển ĐVHD bất hợp pháp với tang vật vi phạm và số vụ buôn lậu quy mô lớn gia tăng trong những năm gần đây.
Số liệu từ Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) cho thấy từ năm 2004 đến tháng 4/2019, Việt Nam có hơn 600 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, với tổng số lượng hàng cấm bao gồm ít nhất 105,72 tấn ngà voi, tương đương khoảng 15.779 cá thể voi; 1,69 tấn sừng tê giác ước tính có nguồn gốc từ khoảng 610 cá thể tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê (EIA, 2019). Về tổng số vụ vi phạm, thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng chỉ ra có tới 18.316 tổng số vụ vi phạm về ĐVHD trong giai đoạn 2005 – 2020, trong số này có 2.188 số vụ buôn lậu/vận chuyển/buôn bán ĐVHD quy mô lớn (ENV, 2021a).
Tội phạm ĐVHD không chỉ tàn phá hệ sinh thái và đa dạng sinh học khiến nhiều loài bị đẩy vào nguy cơ tuyệt chủng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sinh kế của mỗi quốc gia, khu vực. Đặc biệt, việc tiếp xúc với các loài ĐVHD thông qua các hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền sang người và bùng phát thành đại dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy có tới hơn 60% bệnh truyền nhiễm ở người là do mầm bệnh bắt nguồn từ ĐVHD hoặc vật nuôi. Các đại dịch nguy hiểm như SARS, MERS, Ebola… đều có nguồn gốc từ ĐVHD và nhiều khả năng Covid-19 cũng không ngoại lệ dù chưa có kết luận chính thức từ các nhà khoa học. Điều này cho thấy tội phạm ĐVHD ít nhiều liên quan đến các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm sang người, thậm chí bùng phát thành đại dịch đe dọa toàn nhân loại.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của tội phạm ĐVHD, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD. Năm 1994, Việt Nam ký kết và trở thành thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (CITES). Nhiều công cụ pháp lý cũng liên tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa cam kết Công ước CITES và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD. Tính đến nay, Việt Nam đã ban hành 37 văn bản liên quan đến chế độ quản lý, bảo vệ, xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD (ENV, 2021b) bao gồm các bộ luật quan trọng như Luật Hình sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, trong đó Luật Hình sự được xem là căn cứ pháp lý và cơ sở vững chắc để xử lý, ngăn ngừa tội phạm ĐVHD.
Năm 2015, Bộ luật Hình sự được ban hành mới và năm 2017 được sửa đổi, bổ sung với nhiều thay đổi quan trọng. Bên cạnh việc tăng thêm điều luật quy định về tội vi phạm về bảo vệ ĐVHD (Điều 234) và tội vi phạm bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244), Luật còn mở rộng nhiều đối tượng ĐVHD được bảo vệ hơn, trong đó các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thuộc Phụ lục IB; loài thuộc Phụ lục I CITES được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Đặc biệt, chế tài xử phạt tội phạm ĐVHD cũng nghiêm khắc hơn với mức phạt tù lên tới 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền tối đa 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, trong đó pháp nhân phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt chính như phạt tiền (tối đa 15 tỷ đồng), đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cùng các mức phạt bổ sung khác.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý tội phạm ĐVHD, trong nhiều năm gần đây, các cơ quan thực thi cũng có nhiều nỗ lực trong phòng, chống nhóm tội phạm nguy hiểm này. Tháng 11/2016, Việt Nam tiêu hủy 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác nhằm thể hiện sự quyết tâm trong việc triệt phá các đường dây, băng nhóm vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn trong việc cứu hộ ĐVHD bị buôn bán, nuôi nhốt bất hợp pháp. Tiêu biểu là vụ phát hiện, tịch thu 17 cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép tại Nghệ An hồi tháng 8/2011. Song song với đó, các hoạt động bắt giữ, truy tố, xét xử tội phạm ĐVHD cũng có nhiều chuyển biến, đặc biệt là sau khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực. Theo thống kê của ENV, trong 5 năm (2015-2020), có 552 vụ án về ĐVHD bị xử lý hình sự; tỉ lệ đối tượng bị phát hiện và bắt giữ trong các vụ án về ĐVHD giai đoạn 2015-2019 là 86,7% và tăng lên 97% vào năm 2020; 84% vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử trong năm 2018… Điều này minh chứng cho tác động tích cực của Bộ luật Hình sự trong công tác phòng, chống tội phạm ĐVHD.
Mặc dù khung pháp lý được xây dựng ngày càng hoàn thiện và công tác thực thi cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, tình hình tội phạm ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp khiến công tác phòng, chống nhóm tội phạm này tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, nhu cầu và thói quen tiêu dùng ĐVHD làm thực phẩm, làm thuốc và đồ trang sức tại Việt Nam vẫn còn phổ biến, nhất là đối với các sản phẩm bất hợp pháp như sừng tê giác, cao hổ, ngà voi, mật gấu, vảy tê tê… Nhiều người vẫn cuồng tín vào các sản phẩm này và cho rằng chúng có công dụng thần dược mà không hề biết đó chỉ là những tác dụng bị thổi phồng bởi các nhóm tội phạm hoang dã và hoàn toàn có thể được thay thế bằng các loại dược liệu lành mạnh, hiệu quả. Chính nhu cầu từ người tiêu dùng trong và ngoài nước đã thôi thúc tình trạng săn bắt, giết mổ, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD diễn ra ở khắp nơi, thậm chí hình thành nhiều tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên biên giới. Chỉ tính riêng nhu cầu ngà voi, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có số sản phẩm mỹ nghệ ngà voi được bày bán công khai cho khách mua lẻ lớn nhất thế giới. Đa số ngà voi buôn lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ châu Phi, chỉ một lượng nhỏ được lấy từ voi nuôi và voi hoang dã ở Lào và Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm đều là mặt dây chuyền và các sản phẩm nhỏ khác, chủ yếu là trang sức (Save The Elephants, 2016). Đặc biệt, ngày nay, phong trào nuôi thú cưng cũng nở rộ trong giới trẻ với nhiều loài động vật quý, hiếm, độc lạ bị săn lùng cả ở trong và ngoài nước, nhất là các loài rùa, chim, thú nhỏ nên càng thúc đẩy tình trạng săn bắn, buôn lậu ĐVHD diễn ra mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, một số quy định về bảo vệ ĐVHD còn tồn tại bất cập cần hoàn thiện để phát huy hiệu quả hơn. Đơn cử, theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi khách quan như săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD thuộc nhóm IB, IIB hoặc Phụ lục I, II Công ước CITES hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm ĐVHD thuộc các nhóm trên. Như vậy, hành vi khách quan của các tội này không có hành vi “chiếm đoạt”. Mặc dù Nghị quyết số 05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điều này không phù hợp trên thực tế vì đối tượng phạm tội ở đây là đối tượng đặc biệt, cần phải được xử lý đúng bản chất với hành vi phạm tội. Ngoài hạn chế nêu trên, việc Điều 234 căn cứ vào giá trị của đối tượng tác động để làm dấu hiệu định khung cơ bản truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chưa thỏa đáng bởi rất ít trường hợp tang vật có giá trị từ 150.000.000 đồng trở lên trừ khi số lượng phải rất lớn. Thực tế này khiến nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt… ĐVHD trái phép bị phát hiện chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự, kéo theo hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm này không cao. Thêm một điểm đáng chú ý là điểm đ khoản 2 Điều 234 và điểm h khoản 2 Điều 244 đều quy định hành vi phạm tội “săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm” và Nghị quyết số 05/2018 nêu hướng dẫn “khu vực bị cấm” là khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc khu bảo vệ khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; “thời gian bị cấm” là mùa sinh sản hoặc mùa di cư của ĐVHD, do cơ quan có thẩm quyền quy định. Tuy nhiên, quy định nêu trên có thể dẫn đến sự hiểu nhầm rằng ngoài các khu vực cấm hoặc thời gian cấm thì được phép săn bắt các loài ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm, chưa kể cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể mùa sinh sản hoặc di cư của các loài ĐVHD nên gây khó khăn trong việc thực thi.
Thứ ba, công tác giám định đối với các loài ĐVHD bị phát hiện, thu giữ trong các vụ vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương hiện đều không có giám định viên trừ một số tỉnh có giám định tư pháp theo vụ việc. Vì vậy, khi vụ án được phát hiện, việc tịch thu tang vật làm mất rất nhiều thời gian cho quá trình giải quyết vụ án vì phải chờ kết quả giám định. Để giám định ADN, mẫu vật phải gửi tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, do đó cơ quan thực thi gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản tang vật, vận chuyển và chi phí chăm sóc (đối với các cá thể còn sống), nhất là hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc tang vật là các loài ĐVHD còn sống sẽ được chăm sóc, cứu hộ bởi cơ quan nào trước khi có kết luận giám định. Theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là ĐVHD thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định. Nghị quyết số 05/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng hướng dẫn vật chứng là ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để thả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc cơ quan, tổ chức khác theo quy định. Với vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý. Vật chứng khác thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, “cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền” là cơ quan nào thì chưa được quy định rõ, gây khó khăn trong việc bàn giao, bảo quản vật chứng. Đây cũng là lý do khiến việc xử lý vật chứng bất nhất tại một số nơi: có tòa tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước; có tòa án lại tuyên chuyển giao cho cơ quản lý chuyên ngành; có tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy đối với ngà voi, sừng tê giác, xác hổ; có nơi cơ quan điều tra giao cho đơn vị kiểm lâm tiếp nhận ĐVHD còn sống, cơ quan này sau đó thực hiện tái thả tự nhiên theo quy định, tuy nhiên, khi cơ quan tố tụng muốn định giá số động vật này để làm căn cứ truy tố thì không thể thực hiện được vì động vật đã tái thả không thể thu hồi, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Đặc biệt, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về “vật chứng khác” trong các vụ án về ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau, chẳng hạn có ý kiến cho rằng đối với vật chứng là ngà voi, sừng tê giác thì phải phải tịch thu tiêu hủy, có ý kiến lại ủng hộ giao cho cơ quan có thẩm quyền bảo quản nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Thứ tư, thủ tục tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội liên quan đến ĐVHD thường phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian. Khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về điều kiện nuôi nhốt ĐVHD, bảo quản tang vật, chuyên chở động vật đi giám định, lo kinh phí cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật về tự nhiên… Đặc biệt, quá trình bảo quản tang vật gặp không ít khó khăn do tang vật chủ yếu là động vật còn sống, thường bị bệnh tật, ốm yếu do bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày, cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, điều kiện lưu giữ của các cơ quan thực thi pháp luật không đảm bảo, chưa kể việc lưu giữ lâu dài có thể khiến các cá thể bị chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Vì thế, để tiết kiệm chi phí, các cơ quan chức năng thường lựa chọn hình thức xử phạt hành chính thay vì xử lý hình sự. Đây cũng là lý do khiến số vụ vi phạm về ĐVHD tại nhiều địa phương được đưa ra xét xử chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, nhất là thời điểm trước khi Luật Hình sự được bổ sung, sửa đổi. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân góp phần vào xu hướng xử nhẹ tội phạm động ĐVHD là các cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của nhóm tội phạm này và thường dành sự quan tâm cho các bản án liên quan đến con người hơn, chưa kể một số vụ có dấu hiệu tham nhũng, chạy án, bỏ lọt tội phạm cầm đầu trong quá trình điều tra, xét xử.
Thứ năm, sự lớn mạnh của các băng nhóm, đường dây tội phạm ĐVHD với nhiều phương thức buôn lậu tinh vi, phức tạp cũng gây áp lực không nhỏ cho các cơ quan thực thi pháp luật. Các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hàng lậu, hợp pháp hóa giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật, sử dụng biển số giả… và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Đặc biệt, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức buôn lậu sử dụng internet như một phương tiện hữu hiệu để rao bán, trao đổi ĐVHD dưới nhiều hình thức, nhất là các mặt hàng bất hợp pháp như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ, vảy tê tê… gây thách thức cho lực lượng chức năng trong việc truy vết, xử lý.
Trước những thách thức nêu trên, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi bất cập về các quy định pháp luật liên quan, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm ĐVHD. Cần có quy chế phối hợp rõ ràng, quy trình điều tra cụ thể giữa cơ quan điều tra, hải quan, biên phòng, kiểm lâm, giám định, viện kiểm sát và tòa án.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung khung pháp lý chặt chẽ nhằm đẩy mạnh các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cá nhân, tổ chức cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Để đạt được điều này, cần chú trọng lấp các lỗ hổng về bảo vệ ĐVHD trong Bộ luật Hình sự. Riêng với công tác giám định, cần nghiên cứu thành lập các trung tâm giám định về ĐVHD tại các địa phương/cụm địa phương nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc gửi mẫu và trả kết quả giám định, đồng thời đầu tư kinh phí và trang thiết bị cho các cơ quan được giao quản lý vật chứng…
Với các hành vi buôn bán trái phép ĐVHD qua mạng, ngoài việc tập huấn chuyên môn cho lực lượng chuyên trách, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực của lực lượng an ninh mạng để kịp thời phát hiện vi phạm và tội phạm cũng cần được chú trọng. Song song với đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác thực thi pháp luật và hỗ trợ pháp lý về xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD xuyên biên giới. Mặt khác, thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐVHD qua nhiều hình thức nhằm thay đổi thói quen và hành vi tiêu thụ ĐVHD trong cộng đồng, khuyến khích cộng đồng bảo tồn các loài ĐVHD, nhất là các cộng đồng sống gần khu bảo tồn, vườn quốc gia vốn có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Tài liệu tham khảo
EIA. (2019). Running out of time: Wildlife Crime Justice Failures in Vietnam. https://eia-international.org/wp-content/uploads/EIA-report-Running-out-of-Time.pdf
ENV. (2021a). Bản tin Bảo vệ ĐVHD số 1. https://thiennhien.org/uploads/ban-tin-bao-ve-dong-vat-hoang-da-so-01-2021-august-26-2021.pdf
ENV. (2021b). Hướng dẫn thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD 2021. https://www.thiennhien.org/uploads/huong-dan-thuc-thi-phap-luat-2021-june-23-20211.pdf
Save The Elephants. (2016). Tình trạng buôn bán ngà voi trái phép ở Việt Nam là mối đe dọa tới loài voi ở châu Phi. https://savetheelephants.org/wp-content/uploads/2016/11/2016VigneVietnamReportFINAL-VIE-web.pdf %0A%0A
UNODC. (2021). World Wildlife Crime Report 2020: Trafficking in Protected Species. https://www.unodc.org/documents/data-and-analysis/wildlife/2020/World_Wildlife_Report_2020_9July.pdf%0A%0A
TS. Phạm Văn Beo, Đại học Cần Thơ