Buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn thường xếp sau ba thị trường bất hợp pháp lớn nhất thế giới gồm buôn người, buôn vũ khí và buôn ma túy dựa trên các chỉ số đánh giá về lợi nhuận, chi phí và mức độ nghiêm trọng (J. Sean Doody, Joan A. Reid, Klejdis Bilali, Jennifer Diaz, 2021). Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 đã khiến các nhà nghiên cứu thay đổi quan điểm cố hữu này. Dưới tác động bao trùm của đại dịch lên toàn bộ lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, buôn lậu ĐVHD đang được nhìn nhận là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất (J. Sean Doody, Joan A. Reid, Klejdis Bilali, Jennifer Diaz, 2021), là mối đe dọa không chỉ đối với môi trường và đa dạng sinh học mà còn đối với sức khỏe con người (UNODC, 2020).
Sau hai năm xuất hiện và bùng phát, tính đến hết tháng 11/2021, Covid-19 đã khiến hơn 262 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người (Worldometer, 2021). Mặc dù nguồn gốc đại dịch vẫn đang chờ các nhà khoa học minh xác, nhưng với hơn 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người bắt nguồn từ động vật mà chủ yếu là động vật hoang dã (WHO, 2021) cùng nhiều nghi vấn về các loài ĐVHD đóng vai trò là vật trung gian lây truyền mầm bệnh SAR-CoV-2, vấn nạn buôn lậu ĐVHD đang nổi lên như một mối nguy nghiêm trọng nhất cần giải quyết, thậm chí trở thành một trong những mục tiêu chính trị của nhiều quốc gia.
Một số ý kiến còn cho rằng sự xuất hiện của một đại dịch tiếp theo Covid-19 sẽ chỉ là vấn đề thời gian (Outlook, 2020) (WUSF Public Media, 2021) một khi tội phạm ĐVHD không được kiểm soát. Phỏng đoán này ngày càng được củng cố khi nhiều bằng chứng cho thấy mạng lưới tội phạm ĐVHD vẫn hoạt động âm thầm, thậm chí thích nghi tương đối nhanh trong bối cảnh đại dịch và nhiều khả năng sẽ bùng phát trở lại thời kỳ hậu Covid-19, bất chấp hạn chế và rào cản dịch bệnh.
Covid-19 gây ra tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới với vô vàn đau thương và thiệt hại khó có thể tính toán, trong đó song hành với các biện pháp giảm thiểu thương vong và bất ổn kinh tế là các thảo luận tập trung vào việc kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD với các phản ứng chính sách khác nhau được đề xuất, chẳng hạn như cấm mọi hoạt động liên quan đến sử dụng và buôn bán ĐVHD hoặc kiểm soát chặt chuỗi cung ứng động vật cùng các loài có khả năng chứa virus lan truyền dịch bệnh. Một số chính phủ ban hành các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát tạm thời Covid-19, đơn cử như cơ quan lập pháp Trung Quốc đầu năm 2020 thông qua quyết định cấm triệt để buôn bán, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp (CNN, 2020); Việt Nam tạm cấm nhập khẩu ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận từ ĐVHD; kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật (Cổng TTĐT Chính phủ, 2020); Bolivia thông qua nghị quyết trong đó nêu lại các lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ ĐVHD vì vấn đề sức khỏe cộng đồng (Booth H, Arias M, Brittain S, Challender DWS, Khanyari M, Kuiper T, Li Y, Olmedo A, Oyanedel R, 2021); Gabon cấm tiêu thụ dơi và tê tê (Booth H, Arias M, Brittain S, Challender DWS, Khanyari M, Kuiper T, Li Y, Olmedo A, Oyanedel R, 2021).
Cùng với các biện pháp cấp bách về kiểm soát buôn bán ĐVHD tại một số quốc gia, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng lệnh phong tỏa hoặc giãn cách nhằm ngăn việc lây lan, bùng phát Covid-19. Điều này cũng có nghĩa là các hoạt động liên quan đến săn bắt, buôn bán ĐVHD sẽ bị cầm chừng hơn. Tuy nhiên, các hạn chế về thương mại, nguồn thu, việc làm… do ảnh hưởng từ đại dịch có thể thúc đẩy tình trạng săn bắt thú rừng gần các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ hoặc phục vụ việc tích trữ ĐVHD chờ khi chúng có thể được buôn bán trở lại (Jacqueline Cochrane, 2020).
Với diễn biến phức tạp của Covid-19, hiện chưa rõ đại dịch sẽ định hình và thúc đẩy tội phạm ĐVHD như thế nào trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, dựa trên số liệu và phân tích được nhiều nghiên cứu đưa ra, bài viết xin tóm lược một số xu hướng cơ bản liên quan đến nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này, qua đó góp phần xây dựng, cải thiện các kế hoạch, chiến lược phòng chống tội phạm ĐVHD theo hướng hiệu quả hơn.
Buôn bán bất hợp pháp không thuyên giảm
Xuất bản vào tháng 7/2020, Báo cáo tội phạm ĐVHD năm 2020 của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã phác thảo xu hướng tội phạm ĐVHD chính trên toàn cầu, trong đó tập trung vào các thị trường bất hợp pháp về ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, bò sát, mèo lớn, cá chình châu Âu và gỗ trắc. Trong đó, nhu cầu về ngà voi và sừng tê giác từ châu Phi đang giảm và quy mô hai thị trường này cũng khiêm tốn hơn so với trước. Sự suy giảm cả về mức độ săn trộm và giá cả cho thấy nhiều khả năng những kho dự trữ ngà voi, sừng tê giác đang được khai thác và cung đang vượt cầu. Trái với sự ảm đảm của hai mặt hàng này, số vụ thu giữ vảy tê tê tăng gấp 10 lần từ năm 2014 – 2018, chủ yếu bắt nguồn từ châu Phi với đích đến là châu Á và Trung Quốc.
Ngoài ra, nhu cầu về các sản phẩm từ hổ cũng đặc biệt tăng trong những năm gần đây, thúc đẩy giới buôn lậu chuyển sang các nguồn cung ứng thay thế từ các loài mèo lớn khác… Mặc dù các dữ liệu và phân tích trong báo cáo được hoàn thành từ trước thời điểm Covid-19, song UNODC cũng nêu ra một số cảnh báo quan trọng về tác động khôn lường của đại dịch đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái thông qua hoạt động buôn bán ĐVHD cả dưới hình thức hợp pháp và bất hợp pháp (UNODC, 2020). Lệnh hạn chế đi lại trên phạm vi toàn cầu và các yếu tố khác chắc chắn sẽ tác động đến quy mô, phương thức vận chuyển và phương thức hoạt động tổng thể của các nhóm tội phạm có tổ chức nhưng rất có thể nạn buôn lậu ĐVHD sẽ không giảm đáng kể. Tuy có thể có một số gián đoạn ngắn hạn nhưng người mua và người bán sẽ định hình lại và tăng cường tập trung vào các kênh thương mại trực tuyến cùng các cách thức khác. Vẫn còn quá sớm để quan sát các xu hướng cũng như sự thay đổi rõ ràng liên quan đến nạn buôn lậu ĐVHD nhưng các biện pháp ngăn chặn được áp dụng tại các quốc gia có thể buộc các nhóm tội phạm rút về hoạt động ngầm sâu hơn, nguy cơ tham nhũng tăng cao hơn và có những thay đổi về thị trường cũng như phương pháp vận chuyển trong dài hạn (UNODC, 2020).
Đồng tình với UNODC, Ủy ban Công lý ĐVHD (WJC) (The Wildlife Justice Commission, 2020a), Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA, 2021) và United for Wildlife (United for Wildlife, 2020) đều cho rằng bất chấp những hạn chế về di chuyển và vận chuyển quốc tế do đại dịch, các nhóm tội phạm ĐVHD vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí lợi dụng sự gián đoạn do Covid-19 và nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trên toàn cầu. Điều tra của EIA cho thấy hoạt động buôn bán ngà voi và tê tê vẫn tiếp diễn, bất chấp đại dịch, thể hiện qua việc hải quan Nigeria bắt giữ gần 17 tấn ngà voi và vảy tê tê từ tháng 1 – 8/2021 (WCO news, 2021).
Theo United for Wildlife (United for Wildlife, 2020), tuy có một số gián đoạn cục bộ nhưng sẽ không có việc tạm dừng hoạt động trên diện rộng đối với tội phạm buôn lậu ĐVHD và đại dịch sẽ không làm giảm đáng kể nguồn cung ĐVHD bất hợp pháp cùng các phương thức buôn lậu hoặc mô hình nhu cầu trong ngắn đến trung hạn, thậm chí Covid-19 có thể mở ra cơ hội mới cho những kẻ buôn lậu và săn trộm trong khu vực nhất định. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, tội phạm ĐVHD sẽ phải đối mặt với những tổn thất chưa từng có do những bất ổn về kinh tế vĩ mô và chính trị vĩ mô, trong đó mức độ thích nghi và phát triển của các nhóm tội phạm ĐVHD trong điều kiện mới sẽ phụ thuộc nhiều vào sự quyết liệt của cộng đồng toàn cầu trong phòng, chống buôn lậu ĐVHD.
Trái ngược với nhận định trên, một số đánh giá cho rằng xu hướng buôn lậu ĐVHD đang có chiều hướng giảm, bằng chứng là số vụ và khối lượng thu giữ tang vật giảm đáng kể so với thời điểm trước đại dịch. Chẳng hạn, dữ liệu từ Tổ chức C4ADS (Dina Fine Maron, 2020) cho thấy trung bình số vụ thu giữ ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê trên toàn cầu giai đoạn 2015 – 2019 khoảng 530 vụ/năm nhưng năm 2020 chỉ có 466 vụ, giảm từ mức cao nhất là 964 vụ vào năm 2019. Số vụ vận chuyển tê tê, sừng tê giác và ngà voi qua đường biển cũng giảm từ gần 4% tổng số vụ bị thu giữ giai đoạn 2015 – 2019 xuống dưới 2% vào năm 2020; lượng vảy tê tê bị tịch thu vào năm 2020 khoảng 20 tấn, thấp hơn nhiều con số khoảng 100 tấn vào năm 2019; lượng sừng tê giác bị thu giữ năm 2020 cũng chưa bằng 1/10 năm 2019; khối lượng trung bình các lô hàng ngà voi bị thu giữ giảm 72% vào năm 2020. Bên cạnh đó, dữ liệu từ Chương trình USAID Wildlife Asia công bố tháng 5/2021 cũng cho thấy số vụ thu giữ ĐVHD được báo cáo năm 2020 ít hơn nhiều so với 2019 (tịch thu hổ giảm 50% với 17 vụ; ngà voi giảm 68% với 121 vụ; sừng tê giác giảm 56% với 14 vụ…) (USAID Wildlife Asia, 2019).
Tuy nhiên, theo EIA, việc giảm đáng kể số vụ thu giữ ĐVHD trong năm 2020 so với thời điểm tiền đại dịch không có nghĩa là tội phạm ĐVHD không còn đáng ngại, ngược lại thông tin tình báo từ EIA cho thấy hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp vẫn tiếp diễn, trong đó, nguyên nhân giảm số vụ thu giữ có thể đến từ nhiều yếu tố, chẳng hạn: lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại giữa các quốc gia khiến việc vận chuyển hàng lậu tạm chững lại, năng lực và nguồn lực thực thi pháp luật tại các quốc gia cũng giảm thiểu để tập trung ứng phó Covid-19 hoặc phương tiện truyền thông chú trọng đưa tin về đại dịch hơn là báo cáo các vụ thu giữ, hoặc cũng có thể giới buôn lậu ưu tiên tích trữ hàng lậu để phòng bị cho hoạt động kinh doanh mới sau đại dịch. EIA cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn tác động của Covid-19 đối với nạn buôn lậu ĐVHD toàn cầu và lý do thực sự của việc giảm số vụ thu giữ cũng như các vụ truy tố được đưa tin (EIA, 2021).
Thêm một điểm khiến EIA quan ngại là bối cảnh đại dịch có thể sẽ thúc đẩy gia tăng tham nhũng trong lĩnh vực buôn lậu ĐVHD bởi có bằng chứng cho thấy một số đối tượng lợi dụng các nhân viên tại cảng và khu vực biên giới để tuồn hàng ra nước ngoài, trong đó các nhân viên cảng biển có nhiều khả năng nhận hối lộ hơn do tình trạng khó khăn chung bởi đại dịch (EIA, 2020).
Tích trữ hàng lậu chờ nới lỏng giãn cách
Không ít chuyên gia và đơn vị bảo tồn lo ngại việc tích trữ ĐVHD bất hợp pháp sẽ tăng lên trong thời kỳ đại dịch do hạn chế về đi lại và vận chuyển.
Steve Galster, người sáng lập Tổ chức Freeland khẳng định hoạt động tích trữ đã bắt đầu từ rất lâu trước khi virus xuất hiện, một số người nghĩ rằng ĐVHD sau khi bị săn trộm sẽ được bán thẳng ra thị trường nhưng kỳ thực thì tê giác, voi, hổ, tê tê… đều được dự trữ. Giới buôn lậu coi đây là hàng hóa tương lai và có nguy cơ tuyệt chủng, vì vậy các bộ phận như sừng, ngà, xương và vảy đều được dự trữ chờ tăng giá, đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, việc đầu cơ sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi, xương hổ càng tăng lên vì những kẻ buôn lậu nhìn xa hơn đại dịch để biết khi nào nên bán (Abbianca Makoni, 2021).
Thông qua các cuộc phỏng vấn những người buôn bán và buôn lậu ĐVHD ở các vùng khó khăn dọc sông Mê Kông thuộc Myanmar, Thái Lan, Lào và Trung Quốc, UNODC cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy các sản phẩm ĐVHD đang được tích trữ cho đến khi giá cả và nhu cầu phục hồi hậu đại dịch (Reuters  , 2021).
Từ nguồn thông tin riêng, EIA khẳng định các đầu nậu ở châu Phi đang tích trữ số lượng lớn các sản phẩm từ ĐVHD với hy vọng người mua, chủ yếu ở châu Á có thể nối lại hoạt động kinh doanh sau đại dịch, bằng chứng là một số đối tượng đã bắt đầu chuyển ngà voi, vảy tê tê qua các tuyến đường biển và gửi một số lượng nhỏ ngà voi qua đường chuyển phát nhanh tới châu Á (EIA, 2020). Thông tin tình báo của EIA cho thấy hoạt động buôn bán hổ ở khu vực Mê Kông cũng vẫn tiếp diễn trong suốt đại dịch và nhu cầu sừng tê giác của châu Á không hề thuyên giảm với nguồn hàng chủ yếu từ Trung và Nam Phi. Thậm chí, giới buôn lậu còn tung tin cao hổ và các phương pháp điều trị chứa sừng tê giác có thể chữa Covid-19 và nâng cao sức khỏe nhằm đẩy mạnh nhu cầu người dùng.
Dựa trên những phát hiện và quan sát từ tháng 1 – 4/2020, Ủy ban Công lý ĐVHD (WJC) thông tin cụ thể về lượng ĐVHD được giới buôn lậu tích trữ chờ xuất sang Trung Quốc. Khó khăn trong việc vận chuyển ngà voi (hầu hết là ngà thô) vào Trung Quốc đã dẫn đến việc tích trữ một lượng lớn ngà thô ở Việt Nam, Lào và Campuchia, trong đó xu hướng tích trữ được WJC ghi nhận từ 2019 và tăng lên đáng kể từ tháng 1/2020 (The Wildlife Justice Commission, 2020a). Thông tin riêng từ WJC cho biết có ít nhất khoảng 10 tấn ngà voi được dự trữ tại Hà Nội từ tháng 6/2019 và rải rác theo từng đợt giữa Việt Nam và Campuchia. Ngoài ra, các lô ngà thô cũng được cất giữ ở Campuchia dù thị trường đầu năm 2020 ở đây khá ảm đạm, nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa vì đại dịch. Riêng tại Lào, việc buôn bán ngà voi chuyển sang hình thức bí mật hơn và chuyển dần ra các khu vực bên ngoài thủ đô. Với mặt hàng vảy tê tê, trong ba tháng đầu năm 2020, các đầu nậu ở Việt Nam đã chào bán hơn 22 tấn vảy tê tê cho các nhà điều tra của WJC và nguồn hàng này sẵn sàng chuyển đi khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng. Đáng chú ý là dữ liệu các vụ thu giữ tang vật từ 2015 – 2019 cho thấy tỉ lệ ngày càng tăng các lô hàng vận chuyển hỗn hợp ngà voi và vảy tê tê từ châu Phi sang châu Á (The Wildlife Justice Commission, 2020b), thậm chí trước những khó khăn trong buôn bán ngà voi, rất có thể vảy tê tê sẽ thay thế ngà voi trên thị trường bất hợp pháp ở Trung Quốc, và thực tế là nhiều đầu nậu đã thu gom, cung cấp số lượng lớn vảy tê tê để bán kể từ năm 2019 và đầu năm 2020.
Điểm đáng ngại là một khi các chuyến bay quốc tế bắt đầu nối lại và các đường biên giới trên bộ bắt đầu mở cửa, nhiều khả năng việc vận chuyển ĐVHD bất hợp pháp sẽ gia tăng để giải quyết lượng hàng tồn kho. Trong trường hợp Covid-19 tiếp tục kéo dài, nguồn hàng lậu này có thể bị đẩy lên rao bán chủ yếu trên các nền tảng trực tuyến.
Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến
Như nhiều nhóm đối tượng khác, dưới tác động của lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, giới buôn lậu ĐVHD cũng đặc biệt phụ thuộc vào các nền tảng trực tuyến cùng chuỗi cung ứng vận chuyển để tiếp thị, xử lý và phân phối động vật, sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp (Coalition to End Wildlife Trafficking Online, 2020). Nhiều người cho rằng sự thay đổi trong phương thức hoạt động từ trực tiếp sang các nền tảng online là cách mà tội phạm ĐVHD thích ứng với tình hình Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức giao dịch này đã được áp dụng từ lâu, chỉ là trong bối cảnh đại dịch, thị trường trực tuyến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Sự gia tăng trong giao dịch trực tuyến sẽ cho phép những người có nhu cầu và các đối tượng cung ứng trao đổi dễ dàng hơn, đồng thời cắt bớt khâu trung gian và các chi phí vận hành khác. Đặc biệt, phương thức này giúp người bán ít tiếp xúc với cơ quan thực thi pháp luật và dịch vụ vận chuyển chuyên biệt nên ít gặp rủi ro trong quá trình liên hệ, vận chuyển, buôn bán. Khi các điểm bán hàng trực tuyến bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, các đối tượng buôn lậu sẽ chuyển sang sử dụng các nền tảng khác, chẳng hạn như tháng 5/2019 khi Facebook bổ sung chức năng cho phép công chúng báo cáo hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD, giới buôn lậu đã chuyển sang ứng dụng vk.com hoặc mewe.com, thậm chí giữ nguyên tên nhóm đã lập trên Facebook. Ngoài ra, các nhóm WhatsApp cũng được sử dụng thay thế để rao bán các loài bò sát kể từ khi Facebook bị chú ý, một số chuyển sang Telegram hoặc các ứng dụng Instagram, Weibo, Taobao, We Chat. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường sử dụng các ứng dụng nhắn tin riêng được mã hóa (UNODC, 2020), do đó khó xử lý triệt để buôn lậu trực tuyến.
Hầu hết các chuyên gia và tổ chức bảo tồn đều cảnh báo sự gia tăng xu hướng bán hàng trên các nền tảng xã hội, trong đó Gretchen Peters, đồng sáng lập Liên minh chống tội phạm trực tuyến (ACCO) khẳng định “trong năm 2020, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự gián đoạn nào về quy mô của thị trường trực tuyến, nơi mà rất nhiều giao dịch ĐVHD bất hợp pháp được môi giới”, thậm chí các quảng cáo trực tuyến về vật nuôi độc, lạ như báo gêpa còn bùng nổ trong năm 2020 với ước tính số lượng cung cấp trực tuyến và thu giữ những cá thể này tăng khoảng 40% trong năm 2019 (Dina Fine Maron, 2020).
Liên minh chấm dứt buôn lậu ĐVHD trực tuyến (Coalition to End Wildlife Trafficking Online) thì lo ngại việc tích trữ động vật cùng các sản phẩm, bộ phận ĐVHD, đặc biệt là động vật có vú, chim và thịt rừng sẽ được đẩy lên các phương tiện truyền thông và nền tảng thương mại, bằng chứng là không ít quảng cáo các phương pháp chữa bệnh “thần kỳ” hoặc khả năng điều trị Covid-19 từ các sản phẩm có nguy cơ tuyệt chủng như mật gấu, sừng tê giác, cao hổ. Riêng với dơi và tê tê, cả hai loài đang có khả năng trở thành mục tiêu của các hành động trả đũa khi các phỏng đoán khoa học cho rằng chúng là nguồn gốc gây nên đại dịch (Coalition to End Wildlife Trafficking Online, 2020).
Đại diện TRAFFIC khẳng định hoạt động buôn lậu ĐVHD trực tuyến tồn tại phổ biến ở nhiều quốc gia bao gồm khu vực Đông Nam Á, trong đó Facebook là nền tảng sở hữu số lượng người dùng đông nhất và là nơi buôn bán ĐVHD bất hợp pháp hàng đầu. Để giải quyết nạn buôn bán trái phép ĐVHD trực tuyến, cần liên tục nâng cao nhận thức công chúng bao gồm việc điều tra sâu các đối tượng người dùng, tăng cường thu giữ tang vật và xét xử các đối tượng cầm đầu, đẩy mạnh hợp tác giữa các nền tảng truyền thông xã hội (Imelda Abano; Leilani Chavez, 2021).
Vẫn lấy vận tải biển làm chủ đạo
Trước khi Covid-19 xuất hiện, vận tải biển đã là kênh vận chuyển hàng chính của tội phạm ĐVHD. Đối với sinh vật sống, các nhóm tội phạm thường sử dụng phương tiện hàng không, dịch vụ chuyển phát nhanh và đôi khi cả những tàu đánh cá nhỏ để vận chuyển, tuy nhiên, container vẫn là lựa chọn hàng đầu để buôn lậu số lượng lớn các sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, vảy tê tê và gỗ, do hiệu quả về chi phí, khả năng vận chuyển khối lượng lớn, trọng lượng nặng cùng rủi ro bị phát hiện thấp (TRAFFIC, 2021). Thống kê của TRAFFIC cho thấy có khoảng 72 – 90% sản phẩm ĐVHD bị buôn bán qua đường biển và khoảng 90% lượng hàng hóa quốc tế được vận chuyển theo phương thức này, do đó việc tìm ra các lô hàng bất hợp pháp trong số lượng lớn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm tựa như mò kim đáy bể vậy (TRAFFIC, 2021).
Theo WJC, trong bối cảnh đại dịch, vận tải đường biển có khả năng trở thành một lựa chọn thay thế khi vận chuyển bằng đường hàng không trở nên bất khả thi (The Wildlife Justice Commission, 2020b). United for Wildlife thì đánh giá tội phạm ĐVHD sẽ thích nghi với điều kiện di chuyển bằng đường hàng không hiện tại và giảm đáng kể việc vận chuyển bằng đường hàng không để buôn lậu, do các tuyến đường và chuyến bay ít hơn trước nhiều, sự giám sát đối với hành khách cũng cẩn trọng hơn cùng những hạn chế về xuất nhập cảnh ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, giới buôn lậu vẫn tiếp tục sử dụng các tuyến đường và phương thức buôn lậu đã được kiểm chứng bao gồm cả hàng hải, hàng không và chuyển phát nhanh bằng đường hàng không, tùy từng loại hàng mà không phát triển các tuyến mới hoặc các mối liên hệ tội phạm trong thời gian từ ngắn đến trung hạn (United for Wildlife, 2020).
Trong một báo cáo xuất bản tháng 12/2020, EIA cũng cho thấy “sự linh hoạt” của các nhóm tội phạm ĐVHD trong việc vận chuyển hàng lậu, cụ thể là hoạt động buôn bán ngà voi và tê tê từ Đông và Nam Phi sang Tây và Trung Phi với đích đến cuối cùng là Đông và Đông Nam Á. Trong số các quốc gia châu Phi, Nigeria được coi là trung tâm xuất khẩu vảy tê tê với nguồn hàng vô cùng lớn được xuất lậu mỗi năm. Chỉ trong năm 2020, Hải quan Nigeria tịch thu gần 17 tấn ngà voi và vảy tê tê trong hai vụ bắt giữ vào tháng Giêng và tháng Bảy. Về cách thức vận chuyển, các đầu mối chuyển hàng ở Nigeria thường hợp tác chặt với các đại lý vận chuyển tại các trung tâm lớn, bao gồm cảng biển Apapa và sân bay Lagos để xuất khẩu hàng hóa bất hợp pháp. Mặc dù có các lựa chọn đường bay thẳng từ Nigeria đến các cảng biển ở Việt Nam như Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hầu hết các tổ chức tội phạm đều lựa chọn các địa điểm trung chuyển và/hoặc quá cảnh như Malaysia và Singapore để tránh bị phát hiện. Việc đóng gói hàng hóa và chuyển đổi hóa đơn có thể được thực hiện thông qua các đại lý thanh toán bù trừ trong quá trình vận chuyển trước khi chuyển tiếp đến Việt Nam và Trung Quốc qua đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ. Khi đến nơi, các đại lý thanh toán bù trừ tại điểm đến có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí liên quan đến lô hàng ngà voi và vảy tê tê bất hợp pháp trước khi chuyển cho các đầu mối nhập hàng để các đầu mối này bán cho các nhóm tiêu dùng cuối cùng (WCO news, 2021).
Điểm đáng ngại nhất trong hoạt động vận chuyển ĐVHD bất hợp pháp cả trước và sau Covid-19 là vấn nạn tham nhũng, đặc biệt là trong các khâu tìm nguồn cung ứng, quá cảnh và xuất khẩu. Các mạng lưới buôn bán ĐVHD thường cố gắng khai thác các mối quan hệ với nhân viên tại các đơn vị vận tải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn lậu các sản phẩm từ ĐVHD với nhiều thủ đoạn tinh vi, chẳng hạn như giấu ngà voi, vảy tê tê trong các chuyến hàng độn gỗ, nhựa, than củi, dầu cọ, gừng, lạc, đậu (WCO news, 2021)… Nghiên cứu của EIA cho thấy các đối tượng buôn lậu ở Nigeria thường xây dựng mạng lưới các cá nhân tham nhũng, bao gồm nhân viên hãng tàu, quan chức hải quan và nhân viên an ninh cảng liên quan đến việc kiểm tra hàng hóa, đồng thời sử dụng nhiều công ty bình phong để che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (WCO news, 2021).
Vấn đề ở Việt Nam và khuyến nghị đề xuất
Mặc dù có nhiều nỗ lực và bước tiến trong công tác xử lý tội phạm ĐVHD những năm gần đây, nhất là khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, song Việt Nam vẫn là một trong những tâm điểm của nạn buôn lậu ĐVHD, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức bảo tồn và giới nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh đại dịch với nhiều nghi vấn Covid-19 bắt nguồn từ ĐVHD. Hầu hết các nghiên cứu, phân tích đều dẫn chứng các vụ thu giữ liên quan tới Việt Nam hoặc nhấn mạnh sự tham gia của các tổ chức, đối tượng buôn lậu là người Việt Nam.
Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố vào tháng 11/2021 do EIA thực hiện chỉ ra rằng từ năm 2010, Việt Nam liên quan đến hơn 700 vụ bắt giữ ĐVHD với tổng cộng ít nhất 123 tấn ngà voi, 111 tấn vảy tê tê và 2,7 tấn sừng tê giác, trong đó 75% khối lượng có nguồn gốc từ châu Phi. Cũng từ năm 2010, chỉ căn cứ vào các vụ bắt giữ ĐVHD được xác nhận trên toàn cầu, Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu bộ phận và sản phẩm của ít nhất 18.000 cá thể voi, 111.000 cá thể tê tê và 976 cá thể tê giác. Tuy nhiên, những con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ bức tranh buôn lậu ĐVHD mà Việt Nam liên quan vì phần lớn hoạt động buôn lậu diễn ra mà không bị phát hiện.
Trong năm 2020 – 2021, bất chấp đại dịch, các nhóm tội phạm vẫn âm thầm buôn lậu ĐVHD, đơn cử 6 tháng đầu năm 2021, ít nhất 249 cá thể tê giác bị săn trộm tại Nam Phi, tăng 50% so với cùng kỳ 2020. Từ tháng 01/2021, Nigeria thực hiện ba vụ bắt giữ lớn xấp xỉ 19 tấn ngà voi và vảy tê tê với 1/3 vụ được xác nhận vận chuyển đến Việt Nam. Theo UNODC, Việt Nam là điểm đến chính của các giao dịch bất hợp pháp về ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác và gỗ trắc, đồng thời là điểm trung chuyển ĐVHD bất hợp pháp đến Trung Quốc (EIA, 2021).
Báo cáo của USAID Wildlife Asia (USAID Wildlife Asia, 2019) cũng chỉ ra số vụ thu giữ ĐVHD bất hợp pháp năm 2020 được báo cáo ở Việt Nam là 22 vụ, là quốc gia nguồn của 14,58 kg vảy tê tê bị thu giữ tại Trung Quốc đại lục và là quốc gia đến trong vụ buôn bán 6.160 kg vảy tê tê từ Nigeria bị tịch thu ở Malaysia. Đặc biệt, theo thông tin riêng từ WJC, trong ba tháng đầu năm 2020, Việt Nam chào bán hơn 22 tấn vảy tê tê đang được dự trữ chờ xuất sang Trung Quốc.
Dựa trên nguồn thông tin báo chí, Tổ chức bảo tồn ĐVHD (WCS) đã khảo sát tình hình buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam trong nhiều năm. Theo đó, trong đó 3 quý đầu năm 2021 có tổng cộng 86 vụ vi phạm về ĐVHD được phản ánh với 677 cá thể và 3.675 số lượng/khối lượng bộ phận cơ thể và sản phẩm ĐVHD bị tịch thu, phát hiện; năm 2020 có tổng cộng 129 vụ vi phạm với 2.112 cá thể và 332 bộ phận, sản phẩm động vật bị phát hiện và tịch thu, ít hơn năm 2019 với 153 vụ vi phạm và hơn 107.000 cá thể và khoảng 80.000 số lượng/khối lượng bộ phận cơ thể và sản phẩm ĐVHD bị phát hiện, tịch thu. Mặc dù số vụ vi phạm và số cá thể, bộ phận/sản phẩm cá thể bị thu giữ có xu hướng giảm nhưng số vụ vận chuyển và tàng trữ trái phép ĐVHD có dấu hiệu tăng, cho thấy các nhóm buôn lậu vẫn tiếp tục giao dịch (WCS, 2021). Đặc biệt, theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) qua thông tin người dân phản ánh đến đường dây nóng 1800-1522, năm 2020 ghi nhận 2.907 vụ vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam với tổng vi phạm đơn lẻ lên tới 7.651, tăng gần gấp đôi số vụ được ghi nhận năm 2019. Điều này minh chứng tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp (ENV, 2020).
Với các vi phạm về ĐVHD trên nền tảng xã hội, năm 2019, ENV cũng ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok cùng các trang trực tuyến khác và con số này trong năm 2020 là 1.759 vụ vi phạm với 5.642 vi phạm cụ thể liên quan đến động vật sống, các bộ phận hoặc sản phẩm của ĐVHD (ENV, 2021c).
Tín hiệu đáng mừng duy nhất là nhu cầu người tiêu dùng tại một số quốc gia bao gồm Việt Nam có xu hướng giảm sau tác động của Covid-19. Khảo sát của WWF công bố ngày 24/5/2021 cho thấy gần 30% số người được hỏi ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ nói rằng họ tiêu thụ ít hơn hoặc ngừng tiêu thụ hoàn toàn ĐVHD sau đại dịch; gần 90% người Việt Nam ủng hộ đóng cửa các chợ bán ĐVHD và cấm phá rừng để ngăn đại dịch xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, 9% số người được hỏi ở cả 5 quốc gia cho biết họ có ý định mua các sản phẩm từ ĐVHD trong tương lai (GlobeScan, 2021).
Trước diễn biến của tội phạm ĐVHD và yêu cầu cấp bách trong phòng chống đại dịch, năm 2020 – 2021, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2019/NĐ-CP cùng một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, để phòng chống buôn lậu ĐVHD mạnh mẽ hơn, góp phần ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm tương tự xảy ra trong tương lai, Việt Nam cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau:
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm xử lý tội phạm ĐVHD và các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ… ĐVHD bất hợp pháp; tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, vụ án quy mô, đối tượng cầm đầu nhằm tăng tính răn đe pháp luật.
- Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc ngăn chặn nạn săn bắt, buôn lậu ĐVHD; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm ĐVHD xuyên quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia nguồn (châu Phi), quốc gia trung chuyển (như Campuchia, Malaysia, Singapore…) và các thị trường đích (Trung Quốc); tuân thủ các cam kết quốc tế về ngăn chặn buôn bán ĐVHD tại Việt Nam.
- Thúc đẩy điều tra tài chính và phòng chống tham nhũng trong hoạt động buôn lậu ĐVHD, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các điểm biên giới và vận chuyển hàng quy mô từ các quốc gia về Việt Nam, nhất là từ châu Phi.
- Quản lý chặt các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD thông qua việc hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số trang trại, hệ thống đăng ký/quản lý các trang trại điện tử và truy xuất nguồn gốc ĐVHD nhằm tăng cường tính minh bạch của hoạt động gây nuôi ĐVHD, tránh tình trạng các trang trại biến thành vỏ bọc để “rửa” ĐVHD bất hợp pháp.
- Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ ĐVHD, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trong lĩnh vực này nhằm giảm cầu ĐVHD, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các lựa chọn thay thế từ cây thuốc thay vì săn tìm các sản phẩm, bộ phận ĐVHD bất hợp pháp.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các tổ chức chính trị – xã hội, khối tư nhân và cộng đồng trong phòng chống tội phạm ĐVHD và bảo tồn ĐVHD, đa dạng sinh học Việt Nam.
12 dự đoán về tác động của Covid-19 đối với nạn buôn lậu ĐVHD toàn cầu
Dựa trên việc đánh giá các nguồn tài liệu mở và bí mật cùng những phân tích về xu hướng ở cấp vĩ mô với các kịch bản hợp lý trong tương lai, ngày 1/4/2020, United for Wildlife xuất bản báo cáo ngắn dự đoán các xu hướng và thay đổi đối với nạn buôn lậu ĐVHD toàn cầu dưới tác động của đại dịch:
Nguồn: Báo cáo “Phân tích đặc biệt: Covid-19 tác động như thế nào đến nạn buôn lậu ĐVHD toàn cầu?” (United for Wildlife, 2020) |
Đỗ Thanh Hào, Trung tâm Bảo tồn Rùa, Vườn quốc gia Cúc Phương