Điện mặt trời đang được xem là nguồn năng lượng sạch và được khuyến khích đầu tư, khai thác, nhằm thay thế cho nguồn tài nguyên hóa thạch đang cạn kiệt dần.
Những lợi ích về mặt kinh tế của điện mặt trời thì đã thấy rõ, nhưng nguồn năng lượng này liệu có thực sự “sạch” khi rác thải của nó – những tấm pin quang điện – đang là nguồn thải ô nhiễm cho môi trường và con người?
Điện mặt trời càng nhiều, rác thải càng lớn
Trong những năm gần đây, điện mặt trời đã được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà kinh doanh… quan tâm đầu tư, khai thác nhằm phục vụ sinh hoạt, sản xuất cũng như kinh doanh trên thị trường điện tại Việt Nam.
Đi cùng với lợi ích kinh tế mang lại từ hàng ngàn dự án, công trình điện mặt trời là nỗi lo về rác thải khi có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động hiện nay. Xử lý loại rác thải này như thế nào sau khi chúng hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng phải thải bỏ… là vấn đề chưa được quan tâm hiện nay.
Pin năng lượng mặt trời là một trong những biện pháp, công cụ hữu ích giúp biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Nhưng được biết, cấu tạo của những tấm pin năng lượng mặt trời có đến 76% là pin, 10% polyme, 8% nhôm, 5% nguyên tố silic, 1% đồng và các loại kim loại như chì, thiếc…
Tại một cuộc họp mới đây liên quan đến phát triển điện mặt trời, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, nếu sau khi những tấm pin quang điện thải loại ra, mang đi chôn lấp không đúng quy định, các thành phần hóa học có trong những tấm pin này sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trong khi đó, việc thu hồi và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn, hư hỏng lại chưa được quan tâm.
Trước thực tế điện mặt trời phát triển như vũ bão khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng. GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho hay, trong tế bào quang điện ở pin mặt trời có các thành phần nguy hại như: Antimomny, arsenic, barium, cadmium, chì, coban, kẽm, molybdennum, thuỷ ngân và các loại hóa chất độc hại như: axit clohydric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua và axeton… dùng làm sạch tấm pin, khi làm việc với những tấm pin mặt trời này, công nhân có thể hít phải bụi silicon, gây tổn hại đến sức khỏe. Trong khi đó, các quy định và trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án kết thúc, hầu như chưa dự án nào đưa ra được giải pháp xử lý.
Hiện nay, tại các nước phát triển và đang phát triển, quy định về chất thải từ các nhà máy điện mặt trời rất chặt chẽ. Việc thu hồi pin mặt trời trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nhà máy sử dụng pin mặt trời cho phát điện. Theo quy định, các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời hạn sử dụng và các bao bì đóng gói sau khi người tiêu dùng thải bỏ sẽ được thu hồi để tái chế bởi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Nhưng tại các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, còn nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt việc thu hồi. Do đó, nếu 83 ngàn công trình điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay sau thời gian hoạt động, các tấm pin thải loại ra không được xử lý tốt, môi trường sẽ phải tiếp nhận một khối lượng khổng lồ chất thải nguy hại. Và điều đó sẽ hủy hoại môi trường, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân.
Cần có ĐTM cho mỗi dự án điện mặt trời
Hiện nay, vấn đề quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đã được (Bộ TN&MT ban hành nhiều quy định về quản lý, lưu trữ, thu gom, xử lý… Tuy nhiên, chất thải là những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn, hư hỏng hiện vẫn chưa được cập nhật, bổ sung vào danh sách chất thải thông thường hay chất thải nguy hại.
Chính vì chưa có quy định cụ thể nên việc quản lý, xử lý loại chất thải này còn lúng túng, bị động, trong khi các công trình, nhà máy điện mặt trời đang ngày càng phát triển bùng nổ, tiềm ẩn nguy cơ sẽ có hàng ngàn tấn chất thải pin điện mặt trời được thải ra môi trường, phát sinh những hệ lụy xấu cho môi trường và sức khỏe con người.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, để bảo vệ môi trường song hành với phát triển bền vững nguồn năng lượng từ điện mặt trời, mỗi những dự án, nhà máy phát triển điện mặt trời phải nhất thiết làm đánh giá động môi trường (ĐTM) một nghiêm túc và đầy đủ.
Do đó, cần có quy định buộc các dự án, nhà đầu tư sẽ phải làm ĐTM và có sự giám sát của các cơ quan chức năng, sẽ giúp phân tích môi trường, liệt kê đầy đủ những hậu quả liên quan đến môi trường từ dự án, đề án, chính sách và chương trình mục tiêu cụ thể của từng dự án. Đồng thời thể hiện đầy đủ các phương án hành động khắc phục kịp thời các tác động xấu. Tránh tình trạng xây dựng, đầu tư tràn lan, bất chấp môi trường sinh thái.
Ngoài quy định bắt buộc dự án phải làm ĐTM, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam cần có hành lang pháp lý quy định về quản lý, xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời, nhằm thể chế hóa việc xử lý chất thải từ các dự án điện mặt trời sau khi hết hạn hoặc hư hỏng phải thải bỏ.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện Tổng cục Môi trường đang xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất giải pháp quản lý, xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ”, dự kiến đề tài sẽ hoàn tất vào tháng 6-2023. Sau khi triển khai đề tài trên, Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.
Theo ông Hiền, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có đề xuất đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), quy định về vấn đề rác thải tấm pin điện mặt trời cần hết sức cụ thể và chi tiết việc quản lý các tấm pin như thế nào, chính sách thu hồi ra sao… Ngoài ra, cũng cần thêm chính sách khuyến khích tái chế loại pin này, cũng như các biện pháp giảm thiểu khối lượng rác thải ra môi trường, giảm diện tích chôn lấp những thành phần không thể tái chế được từ những tấm pin điện mặt trời. Có như thế, việc điện mặt trời mới thực sự là nguồn năng lượng “sạch”.
Sau khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 6-4-2020) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Việt Nam “bùng nổ” các dự án điện mặt trời. Thông tin từ Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên đến gần 4.700 MWp. Đi cùng với nó là hàng triệu tấm pin điện mặt trời sẽ được thải ra môi trường trong tương lai. |