Câu chuyện về “cấm đào rừng” hay cấm chặt đào ở trong rừng, thế nào là “đào rừng”, thế nào là “đào nhà”… lại đang được bàn tán sôi nổi trong những ngày giáp Tết.
Những câu chuyện, những cuộc tranh luận về cấm đào rừng từ đầu năm 2021 đã lắng xuống khi mùa hoa đào qua đi. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào được đưa ra để làm rõ những nội dung mà nhiều người quan tâm. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì “lúng túng” không biết làm thế nào cho đúng.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lời phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: “Cấm tuyệt đối việc chặt cây đào và các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc để chơi Tết”.
Ngay sau đó, mạng xã hội và dư luận đã chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận gay gắt trong một thời gian dài và chỉ lắng xuống khi mùa đào qua đi.
Mới đây, Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên đã cấp 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cây đào cho nhiều địa phương trong tỉnh. Trong khi đó, cách đây tròn 1 năm, huyện Vân Hồ (Sơn La) đã tiên phong trong việc in tem dán cho cây đào nhưng năm nay lại không tiếp tục thực hiện.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hợp Cường – Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi được coi là “thủ phủ đào rừng” – cho biết: Năm nay, huyện không in tem truy xuất nguồn gốc cây đào mà huyện chỉ in tem để dán vào cành đào nhằm quảng bá sản phẩm của địa phương…”.
Chiều 19.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Tiến Sĩ – Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên) – cho hay, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong việc bán cây, cành đào phục vụ Tết Nguyên Đán, căn cứ đề nghị của các địa phương, Chi cục đã cấp gần 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cây đào được trồng tại 22 xã trên địa bàn 5 huyện.
“Toàn bộ 60 nghìn tem được cấp đều là “tem trắng”. Sau khi được dán cho từng cây đào, cành đào cụ thể, cán bộ thực hiện nhiệm vụ sẽ báo về cho Chi cục, sau đó Chi cục sẽ báo về Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia để kích hoạt. Lúc đó, tem được dán mới có giá trị và có thông số khi quét trên phần mềm ứng dụng” – ông Bùi Tiến Sĩ cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Điện Biên nói rằng: “Việc chặt cây đào hay bất kể loại cây nào từ rừng mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng đều được coi là hành vi khai thác lâm sản trái phép. Đối với những cây đào do người dân tự trồng, chăm sóc thì vẫn được khai thác, mua bán và vận chuyển theo quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản. Người dân có cây đào được trồng trên đất ở, đất nông nghiệp… thì khi muốn mua bán, vận chuyển cần báo cho chính quyền địa phương hoặc lực lượng kiểm lâm xác minh và cấp giấy chứng nhận cho việc mua bán, vận chuyển” – vị này nói.
Như vậy, có thể thấy, việc mua bán cây đào, cành đào từ Tây Bắc đem về các tỉnh miền xuôi vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Người bán thì mỗi nơi một kiểu, người mua thì cũng bất an không biết mua rồi đem về có gặp cản trở nào không. Cuối cùng thì dân trồng đào vẫn là những người chịu thiệt!