Bất chấp tác động to lớn của buôn lậu động vật hoang dã, các so sánh về lợi nhuận, chi phí và mức độ nghiêm trọng luôn xếp loại tội phạm này thấp hơn so với tội phạm buôn người, buôn ma túy và buôn vũ khí. Tuy nhiên, dựa trên các tài liệu đã xuất bản và các sự kiện hiện tại, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Sinh học tích hợp và Khoa Tội phạm học, Đại học Nam Florida, St Petersburg, Mỹ cho rằng khi được nhìn nhận đúng đắn trong bối cảnh Covid-19 và các bệnh lây truyền từ động vật sang người, buôn bán động vật hoang dã là tội phạm gây thiệt hại nhiều nhất và có lẽ là nghiêm trọng nhất trong các hình thức buôn lậu.
Mất đa dạng sinh học là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất do con người gây ra. Sự tuyệt chủng luôn là một đặc điểm của sự sống trên trái đất nhưng sự thống trị của con người đối với các hệ sinh thái toàn cầu đã đẩy mức độ tuyệt chủng gia vượt xa mức trước khi con người xuất hiện (Barnosky và n.n.k., 2011; Johnson và n.n.k., 2017). Hàng trăm loài sẽ tuyệt chủng mỗi năm và theo sau chúng là những quần thể bị thu hẹp không thể đo đếm khi thế giới bước vào cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu (Barnosky và n.n.k., 2011; Ceballos và n.n.k., 2017; Dirzo và n.n.k., 2014; Sanchez-Bayo và Wyckhuys 2019; Wagner, 2020; Young và n.n.k., 2016).
Các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học là mất môi trường sống và khai thác quá mức, sự xuất hiện của các loài xâm lấn cùng tác động khôn lường của biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Khai thác quá mức là khai thác không bền vững các loài động, thực vật cùng các sinh vật khác. Việc người dân mua bán hoặc trao đổi các nguồn tài nguyên này, đặc biệt là nguồn động vật hoang dã có thể xuất phát từ nhu cầu thực phẩm và sinh kế ở quy mô nhỏ trước khi các hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận của mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia xuất hiện. Động vật hoang dã thường bị buôn bán với các mục đích làm thuốc, thực phẩm, quần áo, đồ đạc, vật nuôi…, đặc biệt nhu cầu động vật hoang dã phục vụ ngành y học cổ truyền châu Á đang đe dọa nghiêm trọng đến nhiều quần thể hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Buôn lậu động vật hoang dã có thể được thúc đẩy bởi các yếu tố lợi nhuận, trao đổi hàng hóa, sinh tồn, sở hữu cá nhân, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo hoặc do hậu quả xung đột giữa người và động vật, trong đó yếu tố lợi nhuận sẽ quyết định việc hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm động vật hoang dã quy mô, phức tạp.
Khi xem xét thứ hạng của các nhóm tội phạm buôn lậu, bất kể việc xếp hạng dựa trên mức lợi nhuận bất hợp pháp, chi phí kinh tế – xã hội hay mức độ nghiêm trọng thì buôn lậu động vật hoang dã luôn bị đánh giá thấp hơn buôn ma túy, buôn người và ít nghiêm trọng hơn buôn bán vũ khí.
Cụ thể, về mức lợi nhuận bất hợp pháp hàng năm, buôn bán động vật hoang dã ước tính có tổng giá trị từ 5 – 23 tỷ đô la, xếp sau buôn ma túy (426 – 652 tỷ đô la) và buôn người (150,2 tỷ đô la) (tháng 5/2017, Haken, 2011; Lautensach và Lautensach, 2020; Warchol, 2004). Riêng buôn vũ khí (1,7 – 3,5 tỷ đô la) xếp thấp hơn buôn bán động vật hoang dã về lợi nhuận (tháng 5/2017; Clark 2020; Lautensach và Lautensach, 2020).
Về thiệt hại kinh tế – xã hội, tác động của các nhóm tội phạm đối với nền kinh tế sẽ khác nhau ở từng quốc gia (Pūraitė, 2020). Tác động này được đo lường bằng các chi phí gây thiệt hại cho nhà nước và an ninh công cộng, bao gồm chi phí phòng vệ, chi phí liên quan đến hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật, chi phí bảo vệ hợp pháp do nhà nước tài trợ, chi phí cho nhà tù và dịch vụ quản chế. Ngoài ra, chi phí tổn thất cũng bao gồm tổng thiệt hại về sinh thái, tài sản bị đánh cắp, tác động về tinh thần và thể chất cũng như sự suy giảm chất lượng cuộc sống của nạn nhân, giảm hiệu quả lao động đối với những người bị tội phạm tác động, chi phí sức khỏe và phúc lợi con người, kinh tế, trật tự kinh doanh và tài chính nhà nước (Pūraitė, 2020). Ví dụ, hoạt động buôn lậu tác động đến cộng đồng bằng cách tạo điều kiện cho sự lây lan virus HIV và các bệnh truyền nhiễm khác (Kloer, 2010), đồng thời đe dọa an ninh công cộng bằng cách tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ khủng bố, các nhóm vũ trang và các tổ chức tội phạm (Okubo và Shelley 2011). Trong trường hợp buôn bán ma túy, các nhóm tội phạm có thể tạo ra nguồn lợi nhuận bất hợp pháp khổng lồ tới mức nó có thể ngăn cản đầu tư và làm suy yếu năng lực của các chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững (Van Dijk, 2007).
Buôn bán trái phép động vật hoang dã, bằng cách loại bỏ động vật hoang dã, lâm sản và tài nguyên biển dẫn đến sự mất mát nghiêm trọng các dịch vụ hệ sinh thái như lưu trữ carbon, cung cấp nguồn nước và ngăn lũ lụt với chi phí hàng năm ước tính lên tới 2 – 3 nghìn tỷ đô la (WB, 2020). Đáng tiếc là hầu hết các nghiên cứu về so sánh chi phí tội phạm mới chủ yếu tập trung vào nhóm tội phạm đường phố như giết người, hành hung, tấn công tình dục, trộm cướp… mà không xét đến các chi phí từ loại tội phạm buôn lậu hoặc tội phạm có tổ chức.
Một trong số ít các báo cáo so sánh về chi phí kinh tế – xã hội hàng năm của các nhóm tội phạm có tổ chức ở Anh ước tính buôn ma túy gây thiệt hại hơn 173 triệu USD, buôn người gây thiệt hại xấp xỉ 20 triệu USD và buôn vũ khí gây thiệt hại gần 1,7 triệu USD (Fell và n.n.k., 2019). Buôn bán động vật hoang dã tuy được đề cập nhưng không có dữ liệu cần thiết để tính toán chi phí thiệt hại về kinh tế – xã hội.
Về mức độ nghiêm trọng của các nhóm tội phạm, việc xếp hạng thường dựa trên nhận thức của công chúng về mức độ nguy hại của tội phạm đối với con người và xã hội cũng như tính sai trái của tội phạm (Wagner và n.n.k., 2019). Trong một nghiên cứu liên quan, các nhà nghiên cứu nhận thấy tội phạm động vật hoang dã được xếp hạng ít nghiêm trọng hơn, ít sai phạm hơn và ít gây hại hơn tội phạm cá nhân và tội phạm tài sản (Wagner và n.n.k., 2019). Mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng sẽ quyết định việc phân bổ nguồn lực và thiết lập các ưu tiên chính sách liên quan đến phòng ngừa tội phạm và kiểm soát tội phạm (Adriaenssen và n.n.k., 2018). Ví dụ, một nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) năm 2017 phân loại buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí trực tuyến là “mối đe dọa tội phạm ưu tiên” và “mối đe dọa cao” đối với nền kinh tế EU trong khi buôn lậu động vật hoang dã chỉ được phân loại là “mối đe dọa”.
Với tác động nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh đại dịch với giả định nguồn gốc Covid-19 có thể xuất phát từ động vật hoang dã, việc hiểu rõ hơn về chi phí và mức độ nghiêm trọng của buôn bán động vật hoang dã là vô cùng cần thiết nhằm cung cấp thông tin sâu hơn cho việc xây dựng chính sách. Nếu không có dữ liệu đáng tin cậy về chi phí buôn lậu động vật hoang dã, các nhà hoạch định chính sách không thể đề xuất các chính sách có ý nghĩa và điều này có thể dẫn đến kết luận sai lầm về hiệu quả của các chính sách được đề xuất.
Covid và mối liên hệ với buôn lậu động vật hoang dã
Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. SARS-CoV-2 thuộc nhóm virus beta corona và được tìm thấy nhiều nhất ở dơi (Banerjee và n.n.k., 2019; Hampton, 2005; Li và n.n.k., 2005; Zhou và n.n.k., 2020). Tuy nhiên, rất có thể SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào vật chủ người thông qua một loài trung gian (Cui et al., 2019).
Tháng 10/2019, khoảng thời gian Covid-19 lần đầu tiên được báo cáo, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một loại virus corona “giống SARS-CoV-2 mới” được đặt tên là Pangolin-CoV tồn tại trong hai cá thể tê tê Java (Manis javanica) đã chết và bị thu giữ tại Trung Quốc (Liu et al., 2019). Nghiên cứu sau đó cho thấy ở cấp độ toàn bộ bộ gen, Pangolin-CoV giống đến 91% với cả SARS-CoV-2 và Bat-CoV RaTG13 (Zhang và n.n.k., 2020). Hơn nữa, protein S1 của Pangolin-CoV liên quan chặt chẽ đến SARS-CoV-2 so với Bat-CoV RaTG13, và 5 gốc axit amin quan trọng phù hợp 100% với SARS-CoV-2 so với 4 đột biến axit amin trong Bat-CoV RaTG13 (Zhang và n.n.k., 2020 ). Do đó, mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn nguồn gốc Covid-19 (Choo và n.n.k., 2020 ; Huang và n.n.k., 2020 ; Wong và n.n.k., 2020) nhưng nghi vấn đáng ngờ nhất là SARS-CoV-2 đi từ dơi đến tê tê rồi lây sang người.
SARS-CoV-2 là một trong vô số bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Các virus corona gây ra bệnh SARS (SARS-CoV) và MERS (MERS CoV) lần lượt giết chết khoảng 700 người và gần 800 người, đồng thời lây nhiễm cho xấp xỉ 8.000 người và 2.500 người (Stadler và n.n.k., 2003; Zumla và n.n.k., 2015; Shehata et al., 2016; de Wit et al., 2016), có nguồn gốc từ dơi nhưng lần lượt truyền qua vật chủ trung gian là cầy và lạc đà (Guan et al., 2003; Zaki et al., 2012; Ge và n.n.k., 2013; Azhar và n.n.k., 2014; Kupferschmidt, 2014).
Taylor và n.n.k. (2011) cũng liệt kê 1.415 mầm bệnh đã biết ở người, trong đó, 62% có nguồn gốc từ động vật. Mặc dù động vật nuôi trong nhà có thể là ổ chứa nhưng hầu hết các bệnh truyền nhiễm từ động vật bắt nguồn từ động vật hoang dã (Allen và n.n.k., 2017; Greger, 2007; Karesh và n.n.k., 2012; Kruse và n.n.k., 2004; Wolfe và n.n.k., 2007).
Các bệnh truyền nhiễm phổ biến bao gồm HIV, Ebola, bệnh dại, bệnh sốt Tây sông Nile, sốt rét, dịch hạch, cúm lợn, cúm gia cầm, vi khuẩn salmonella, bệnh than và sốt phát ban. Ngay cả khi tê tê không phải là vật chủ trung gian của SARS-CoV-2 thì chúng cũng có thể truyền chủng virus (Pangolin CoV) sang người cũng như các động vật hoang dã khác. Vì vậy, việc con người tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật hoang dã bị buôn bán rất có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Trong số 6 yếu tố nguy cơ chính được xác định là nguyên nhân dẫn đến các bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật (WHO/FAO/OIE 2004), buôn bán động vật hoang dã đã bao gồm 4 yếu tố: nhu cầu ngày càng tăng đối với protein động vật, vận chuyển động vật sống đường dài, các thị trường động vật sống và sự tiêu thụ thịt rừng.
Tính đến hết năm 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ra gần 300 triệu ca mắc và hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu (Worldometer, 2022). Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe tâm thần và tự tử được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong đại dịch (Gunnell và n.n.k., 2020 ; Lee, 2020).
Về chi phí kinh tế vĩ mô, Covid-19 đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la trên toàn cầu (Jones và n.n.k., 2020). Chỉ riêng chi phí y tế trực tiếp ở Hoa Kỳ có thể lên đến hàng trăm tỷ đô la trong quá trình diễn ra đại dịch (Bartsch và n.n.k., 2020 ; Hackett 2020). Đó là chưa kể hàng loạt các gánh nặng tài chính khác do Covid-19.
So với đại dịch Covid-19, các tính toán về chi phí thiệt hại do buôn người, ma túy và vũ khí tương đối thấp. Riêng thiệt hại về nhân mạng, tổng số ca tử vong tính đến hết năm 2021 đã là hơn 5 triệu ca, con số vô cùng lớn so với ước tính khoảng 750.000 trường hợp tử vong liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc sử dụng ma túy bất hợp pháp (Global, 2017) và ước tính 245.000 người thiệt mạng do sử dụng súng bất hợp pháp hàng năm (INTERPOL 2017); thiệt hại về người trong hoạt động buôn người lại càng nhỏ dù con số này phản ánh khá thấp so với thực tế do phần lớn các trường hợp tử vong do di cư trên toàn thế giới không được thống kê.
Nếu chi phí thiệt hại được đo bằng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm thì hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp tại Mỹ dẫn đến sự thất thoát 11 tỷ đô la tổng chi phí y tế trực tiếp (Trung tâm tình báo ma túy quốc gia, 2011) và từ 3 – 6 tỷ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm liên quan đến sử dụng súng bạo lực (Fransdottir & Butts, 2020 ). Chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm cho các nạn nhân của nạn buôn người ở Mỹ không có sẵn trong khi chi phí y tế và dự báo xã hội đối với nạn nhân của nạn buôn người ở 27 nước EU ước tính khoảng 245 triệu EUR mỗi năm (Walby et al., 2020). Tuy nhiên, các con số này đều quá nhỏ so với dự toán chi phí chăm sóc sức khỏe trực tiếp liên quan đến Covid-19 tại Mỹ với mức chi từ 163,4 tỷ USD đến 546,6 tỷ USD (Bartsch et al,. 2020 ; Hackett năm 2020), và so với ước tính 13,9 tỷ EUR mà EU chi cho chăm sóc sức khỏe trực tiếp bệnh nhân Covid-19 từ tháng 1 – 6/2020 (Czernichow et al., 2021).
Với tổng chi phí khổng lồ dưới tác động bao trùm của Covid-19, nhóm tác giả cho rằng buôn lậu động vật hoang dã là hình thức tội phạm gây thiệt hại nặng nề nhất và nghiêm trọng nhất trong bốn nhóm tội phạm buôn lậu nguy hiểm nhất hiện nay.
Để hạn chế nạn buôn lậu động vật hoang dã, các quốc gia cần xây dựng chiến lược và mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như: thực thi nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; cấm buôn lậu động vật, nhất là các loài tiềm ẩn rủi ro lây lan, phát tán bệnh truyền nhiễm; khuyến khích các nguồn thực phẩm thay thế bền vững; đầu tư vào các dự án bảo tồn nhằm bảo tồn loài và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần giảm thiểu tình trạng mất môi trường sống của các loài động vật có tiềm năng lây lan dịch bệnh.
Điều đáng nói là việc nhìn nhận buôn lậu động vật hoang dã là hình thức tội phạm buôn lậu nghiêm trọng nhất sẽ góp phần nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng mà vấn nạn buôn bán động vật hoang dã gây ra đối với con người và đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy các quyết sách chiến lược và hỗ trợ các sáng kiến tư pháp hình sự cùng các nguồn lực để chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn thế giới.
PanNature lược dịch (Nguồn: Tạp chí Crime Science)