Bốn giải pháp ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã

Buôn lậu động vật hoang dã là hoạt động mang lại lợi nhuận phi pháp lớn thứ tư trên thế giới sau ma túy, vũ khí và buôn người. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tội phạm động vật hoang dã không hoạt động riêng lẻ mà thường có mối liên hệ chặt chẽ với các loại hình tội phạm nguy hiểm khác như rửa tiền, tham nhũng, hàng giả, hàng lậu… Tính chất, quy mô và phương thức hoạt động của nhiều băng nhóm, đường dây tội phạm động vật hoang dã có tổ chức cho thấy sự nguy hiểm của loại hình tội phạm này và cần hành động rốt ráo để ngăn chặn, xử lý triệt để bằng các biện pháp hình sự nghiêm khắc.

Tại Việt Nam, tội phạm động vật hoang dã ngày càng trở thành mối nguy lớn cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy đấu tranh phòng chống tội phạm động vật hoang dã dần trở thành một trong những ưu tiên số một của các cơ quan thực thi pháp luật.

Theo thống kê của WCS, trong 5 năm (2013 – 2017), các cơ quan chức năng phát hiện 1.504 vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 1.461 đối tượng, trong đó các vi phạm tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hoặc địa bàn sát biên giới như Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh… Riêng với các loài động vật hoang dã thường bị buôn lậu, vận chuyển từ Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan như hổ, tê tê, rắn, cầy vòi hương…, các đối tượng thường đưa về Việt Nam bằng xe khách hoặc xe cá nhân được gia cố thêm các ngăn chứa động vật hoang dã và thường xuyên thay đổi biển số trong quá trình vận chuyển. Ngoài nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã làm thuốc, thực phẩm, nhiều đối tượng còn săn lùng động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm làm thú cưng khiến phong trào này ngày càng nở rộ trong giới trẻ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tội phạm động vật hoang dã thường lợi dụng internet để tiếp cận người mua, đồng thời che giấu danh tính để quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm bất hợp pháp như ngà voi, sừng tê giác, cao hổ, mật gấu… cùng nhiều động vật còn sống, chủ yếu phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh.

Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy chỉ tính riêng năm 2019, ENV ghi nhận hơn 2.400 quảng cáo vi phạm về động vật hoang dã trên Facebook, Youtube, Zalo và các nền tảng điện tử khác, thậm chí con số này chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong năm 2020.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm động vật hoang dã ở Việt Nam, trong đó nhu cầu và thói quen tiêu thụ động vật hoang dã là là yếu tố rất quan trọng. Nhiều người tin dùng động vật hoang dã làm thuốc, thực phẩm hoặc đồ trang sức. Đặc biệt, gần đây, giới trẻ rộ lên phong trào nuôi thú cưng là các loài động vật hoang dã độc, lạ, nhất là những loài có nguồn gốc từ nước ngoài, càng làm thúc đẩy thị trường buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã trong nước.

Bên cạnh thói quen, nhu cầu, việc ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cũng còn một số vướng mắc. Hành vi sử dụng động vật hoang dã, bộ phận cơ thể hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm chưa được quy định trong các văn bản pháp luật, vì vậy nhu cầu khai thác, trao đổi, mua bán động vật hoang dã chưa có dấu hiện thuyên giảm, chưa kể các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, bảo quản tang vật; giám định loài; cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã là tang vật vụ án… cũng cản trở khá nhiều nỗ lực xử lý vi phạm về động vật hoang dã.

Song song với đó, vấn đề phối hợp liên ngành trong xử lý vi phạm động vật hoang dã cũng chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được đẩy mạnh; chưa chú trọng tạo việc làm cho người dân sống dựa vào rừng nên tình trạng săn bắt động vật hoang dã vấn không ngừng tăng.

Cá thể hổ đông lạnh ở Quảng Bình được người bán quảng cáo mang về từ Malaysia (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

4 giải pháp phòng, chống tội phạm động vật hoang dã

Thứ nhất, nên bổ sung “hành vi sử dụng động vật hoang dã” vào nhóm đối tượng các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhằm hạn chế nhu cầu, thói quen sử dụng, tiêu dùng động vật hoang dã bất hợp pháp của một bộ phận người dân. Về vấn đề bảo quản, xử lý tang vật là động vật hoang dã, cần quy định chi tiết cách thức xử lý tang vật là động vật hoang dã bao gồm các loại động vật thủy sinh, đồng thời cần có hướng dẫn tài chính cụ thể cho hoạt động liên quan đến cứu hộ, tái thả động vật hoang dã. Thêm một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) đang được xếp vào Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tuy nhiên, điều này là không phù hợp vì đối tượng phạm tội ở đây cần phải bị xử lý đúng với bản chất hành vi phạm tội thuộc nhóm Các tội phạm về môi trường để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ hai, về lâu dài, cần xây dựng luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã. Hiện trên thế giới đã có 56 quốc gia ban hành luật riêng về động vật hoang dã, trong đó có Trung Quốc, giúp thực thi hiệu quả công tác phòng, ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm động vật hoang dã một cách thống nhất.

Thứ ba, cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm động vật hoang dã giữa các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, an ninh hàng không, Interpol… Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cẩm nang nhận diện các loài động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ, giúp các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả hơn.

Thứ tư, thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, đồng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm động vật hoang dã.

TS. Lưu Hoài Bảo, Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: