Để lấy đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị chuyển đổi một diện tích rừng phòng hộ do UBND xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) quản lý. Tuy nhiên, theo người dân, rừng được trồng năm 1996, nhưng ở hồ sơ chuyển đổi lại ghi rừng được trồng năm 2001. Ngoài ra, cây được trồng hơn 20 năm, nhưng “điều tra nhanh” và đánh giá thì cây có đường kính trung bình lớn nhất chỉ có 8,6 cm trong khi thực tế lại khác xa.
Đầu tháng 1.2022, Công ty Đầu tư và phát triển Tâm Xanh khai thác diện tích hơn 9ha rừng tràm tại xã Triệu Trạch, thì người dân phản ứng, vì cho rằng rừng này được họ trồng vào năm 1996 theo dự án vườn hộ, vườn đồi. Sau đó, UBND xã Triệu Trạch yêu cầu doanh nghiệp ngừng khai thác cây, đưa một số cây gỗ đã khai thác về trụ sở UBND xã để đợi kết quả giải quyết.
Diện tích rừng tràm bị khai thác nằm ngay trên con đường nhựa dẫn vào khu dân cư. Vào tháng 6.2020, Công ty Đầu tư và phát triển Tâm Xanh lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân tại tiểu khu 791T, 792 thuộc rừng phòng hộ xã Triệu Trạch với diện tích 19,8ha. Trong diện tích 19,8ha, có 9,6ha có rừng và toàn bộ nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, diện tích rừng nói trên được thanh lý. UBND xã Triệu Trạch giao cho Công ty Đầu tư và phát triển Tâm Xanh làm hồ sơ đấu giá, được hơn 50 triệu đồng. Sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp đến khai thác. Trong ảnh là cây tràm hoa vàng trên diện tích đất thu hồi, chuẩn bị khai thác thì người dân ngăn cản.
Quá trình đánh giá phục vụ cho việc chuyển đổi loại rừng, trong hơn 9ha diện tích đất có cây rừng, cây có đường kính trung bình lớn nhất chỉ 8,6cm. Người dân ở xã Triệu Trạch cho rằng, cây trồng hơn 20 năm, nhưng đánh giá như vậy là không đúng thực tế. Trong ảnh, cây có đường kính gốc lớn hơn rất nhiều.
Một gốc cây tràm hoa vàng đã bị doanh nghiệp khai thác, lấy đi phần gốc, chỉ còn vài cành nhánh. Cây này có đường kính chưa phải lớn nhất, nhưng cũng rất lớn nếu so với đánh giá “đường kính trung bình lớn nhất”.
Riêng phần cành nhánh còn sót lại của cây tràm hoa vàng này, đã có đường kính vài chục cm.
Ông Nguyễn Đình Hoàng (trú tại thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch) – nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã Lệ Xuyên cho biết, vào năm 1996, có 40 hộ dân ở hợp tác xã tham gia dự án trên diện tích 10ha đất. Hợp tác xã chia 10ha ra nhiều lô, trong mỗi lô quy hoạch đất để làm nhà ở, còn bao quanh thì trồng cây tràm hoa vàng. “Trên diện tích 9ha rừng mà doanh nghiệp dự định khai thác, là cây trồng từ năm 1996 do người dân trồng” – ông Hoàng, khẳng định.
Tuy nhiên, trong tờ trình của UBND xã Triệu Trạch gửi Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, lại khẳng định diện tích rừng này được trồng năm 2001 từ nguồn vốn ngân sách. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói rằng, UBND xã Triệu Trạch cho rằng hồ sơ bị thất lạc, nên nhiều lần cam kết rừng này do xã quản lý, trồng từ năm 2001. Từ cam kết này và căn cứ các tờ trình, Sở NN&PTNT tỉnh mới ra các văn bản khác. Trong ảnh, là dãy cột bê tông bao quanh diện tích đất sẽ thu hồi, bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Xác định thời điểm trồng rừng chưa thống nhất, người dân có ý kiến về việc đánh giá trữ lượng gỗ để đấu giá có điểm mập mờ, nên việc khai thác rừng, triển khai dự án tạm dừng. Tuy nhiên, nhiều cây gỗ lớn đã bị khai thác, đưa ra khỏi rừng để tiêu thụ.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói rằng, địa phương sẽ rà soát lại. Nếu rừng không phải trồng năm 2001 mà do người dân trồng, chăm sóc từ 1996, thì sẽ phải thực hiện lại một số bước để đảm bảo quyền lợi cho người dân.