Một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở Israel đã giết chết hàng nghìn cá thể sếu hoang dã và có thể khiến các loài chim bị đe dọa gặp nguy hiểm. Đây được xem là “đòn giáng” nặng nề nhất đối với động vật hoang dã trong lịch sử đất nước và là sự kiện cúm gia cầm lớn nhất ở sếu trên toàn cầu, chưa từng xảy ra trước đó.
Israel đã hủy bỏ tháng cuối cùng của mùa săn kéo dài 5 tháng trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng đã giết chết 8.000 cá thể sếu hoang dã và làm dấy lên lo ngại về sự lây nhiễm của các loài chim bị đe dọa.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Tamar Zandberg hy vọng lệnh cấm săn bắn vào tháng Giêng sẽ giúp hạn chế các tương tác giữa con người và động vật hoang dã. Dù chưa có bằng chứng xác thực nhưng Bộ ngờ rằng những người thợ săn có thể vô tình lây bệnh cho động vật bằng cách mang virus trên giày, lốp xe hoặc qua những con chó mà họ sử dụng khi săn vịt và chim bồ câu. Ngoài ra, những cá thể chim khác khi bị thợ săn quấy rầy có thể bay đến các địa điểm mới và làm phát tán virus.
H5N1 lần đầu tiên được phát hiện tại các trang trại gia cầm của Israel khoảng hai tháng trước và kể từ đó nó đã được xác nhận là nguyên nhân gây tử vong cho các loài sếu thông thường với 1/5 dân số loài chim cổ dài, oai vệ đã bị nhiễm bệnh.
Mỗi mùa thu đến, sếu di cư từ Nga, Ukraine và Scandinavia đến các khu trú đông ở Ethiopia và các nơi khác bao gồm Israel – nơi hàng chục nghìn cá thể đang chờ đón mùa xuân, nhiều con đậu xung quanh hồ ở Thung lũng Hula nằm ở phía Bắc đất nước. Nhưng nay thì chỉ có những công nhân mặc đồ bảo hộ vớt xác những cá thể sếu lên khỏi mặt nước và các khu vực xung quanh.
Cũng như virus cúm ở người, có nhiều chủng cúm gia cầm và một số chủng gây chết người nhiều hơn các chủng khác. H5N1 đặc biệt độc hại trong mùa thu. Nó đã lây lan khắp châu Âu, nơi hàng nghìn cá thể ngỗng barnacle đã chết ở Scotland vào tháng 9/2021 và gần đây lan sang cả Bắc Mỹ.
Ngoài ra, cúm gia cầm cũng có thể làm các động vật khác bị ốm bao gồm cả những loài ăn thịt gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc xác của chúng. Để kiểm soát sự lây lan của H5N1 ở Israel, khoảng một triệu con gà tây, vịt và gà mái đã bị giết, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Con người hiếm khi bị nhiễm H5N1 và thường chỉ nhiễm sau khi tiếp xúc lâu với gia cầm đã bị bệnh. Ca nhiễm H5N1 ở người được báo cáo gần đây nhất xảy ra ở Ấn Độ vào tháng 7/2021. Cho đến nay, không có trường hợp nào ở Israel được phát hiện, nhưng tuần trước, một trường hợp ở Tây Nam nước Anh đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù vẫn phải xác định chủng cụ thể. Hướng dẫn của chính phủ Israel khuyến cáo thịt gia cầm và trứng vẫn an toàn để ăn nếu chúng được nấu chín đúng cách.
Yoav Perlman, giám đốc BirdLife Israel cho biết lệnh cấm săn bắn là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ cả động vật hoang dã và con người. BirdLife Israel đã giúp đếm hàng nghìn cá thể sếu bị chết và một số loài chim hoang dã khác, chủ yếu là bồ nông, diệc và một số loài chim ăn thịt đã được xác nhận nhiễm virus.
“Cái chết của sếu đang giảm dần, nhưng chúng tôi lo ngại rằng dịch cúm gia cầm có thể tấn công các loài chim ăn thịt, đặc biệt là đại bàng ở thung lũng Hula và các thung lũng khác, nơi sếu tập trung. Thung lũng Hula là một địa điểm trú đông quan trọng cho đại bàng đen bị đe dọa trên toàn cầu và đại bàng đầu nâu và đại bàng đuôi trắng, những loài đang bị đe dọa ở Israel. Đại bàng là loài ăn xác thối và từng được nhìn thấy đang ăn những cá thể sếu đã chết ở thung lũng Hula”, Perlman cho biết.
Theo Perlman, các loài chim đang bị đe dọa khác có nguy cơ tuyệt chủng ở Israel bao gồm vịt đầu trắng với khoảng 10% dân số toàn cầu đã vượt qua mùa đông ở Israel tại các hồ chứa cũng thường được sử dụng bởi sếu và các loài chim nước khác. Ngoài ra, loài chim ô tác Macqueen bị đe dọa toàn cầu cũng chia sẻ các địa điểm kiếm ăn và cư ngụ với sếu ở phía bắc Negev.
Nguồn gốc của virus chết người
Virus H5N1 lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1996 ở loài ngỗng ở Trung Quốc và ở người vào năm 1997 trong một đợt bùng phát dịch gia cầm ở Hồng Kông. Trong những năm tiếp theo, nó đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, xuất hiện ở Israel vào tháng 3/2006 và xảy ra hầu như hàng năm kể từ thời điểm đó. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện tại nặng nề hơn nhiều vì gây ra tỷ lệ tử vong hàng loạt ở những con gia cầm bị nhiễm bệnh.
“Không ai biết tại sao lần này dịch bệnh lần này lại nghiêm trọng như vậy”, nhà điểu học Yossi Leshem, giáo sư danh dự tại Đại học Tel Aviv cho biết. Ông nói rằng có thể con người đã góp phần thúc đẩy quá trình lây lan dịch cúm thông qua chương trình cho chim ăn vốn được thiết kế để ngăn sếu ăn hoa màu của người dân. Hoạt động này khiến các loài chim tập trung dày đặc về một khu vực nhỏ mỗi khi được cho ăn, do đó làm tăng tỷ lệ lây nhiễm H5N1.
Theo Perlman, trong tương lai, các cơ quan bảo tồn và các bên liên quan nên suy xét lại chương trình cho chim ăn và vai trò của việc cho ăn. Hiện Israel đang theo dõi các dấu hiệu khác của H5N1 bởi đây là sự kiện cúm gia cầm lớn nhất ở sếu trên toàn cầu và họ cần tìm hiểu những gì đã xảy ra.
Ý Nhi (Theo Nationalgeographic)