Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng túi nilon được các nhà bán lẻ sử dụng để phục vụ nhu cầu mua bán online có xu hướng gia tăng. Khảo sát mới đây cho thấy, lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày. Đây là con số đáng báo động về nguy cơ ô nhiễm “trắng”.
Những con số đáng báo động
Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không ngoại lệ khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 – 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 – 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilong được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Số liệu khảo sát công bố tháng 3/2021 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí.
Trước thực trạng trên, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
“Nói không với túi linon”
Mới đây, nhằm mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà bán lẻ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Sở Công thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon. Theo thống kê tính đến tháng 12/2021, có 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia liên minh, các nhà bán lẻ cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm giảm túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm thay thế túi nilon khó phân huỷ cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nilon dùng một lần…
Việc thành lập liên minh kêu gọi các nhà bán lẻ hạn chế dùng túi nilon là việc làm cần thiết, tuy nhiên bên cạnh đó cần có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, dịch Covid-19 càng làm gia tăng nhu cầu túi sử dụng một lần. Vì vậy cần có sự phối kết hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà bán lẻ, các đối tác đồng hành giảm nhựa để giải quyết vấn đề ô nhiễm phát sinh từ các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức để người dân bỏ thói quen dùng túi nilon.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2022, giảm được 3-4% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. |