Các Hiệp định thương mại tự do được coi là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có 3 hiệp định đóng vai trò quan trọng nhất là CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Các FTA, ngoài hội nhập kinh tế quốc tế, mục tiêu chính trong các hiệp định là giảm bớt các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp Việt trong sự cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước và nâng cao pháp quyền ở nước đối tác FTA hoặc các nước khác.
Thông qua tận dụng các cam kết tạo thuận lợi thương mại, ưu đãi thuế quan của các quốc gia tham gia trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên tăng cao.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU – EVFTA
Việc Hiệp định thương mại EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, trao đổi thương mại song phương được đẩy mạnh khi phía EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên tới 100% biểu thuế. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 51,3 tỷ USD năm 2021, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,96 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng từng quốc gia EU, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất sang Hà Lan đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Đức đạt 7,2 tỷ USD, tăng 9,6%; Thứ 3 là Italia với giá trị đạt 3.8 tỷ USD, tăng 24.4%; Thứ 4 là Bỉ, đạt 3.6 tỷ USD, tăng 55.6%.
Nhờ EVFTA, EU trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng vốn lũy kế 11 tháng năm 2021 đạt 22,4 tỷ USD.
Mặt khác, EVFTA cũng sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới, dự kiến tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA được ước tính góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Nếu nhìn từ ngành hàng, EVFTA đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản… đã tận dụng ngay được ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam là 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường EU. So với 2 nước còn lại, Việt Nam có nhiều lợi thế từ thuế xuất khẩu hơn khi thuế suất đối với tôm sú xuất khẩu sang EU là 0%; Đến năm 2025 tôm thẻ chân trắng cũng sẽ được giảm thuế đến 0%.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt, với khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
UKVFTA – Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh
Sau gần một năm kể từ khi Hiệp định thương mại UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực ngày 1/5/2021, thương mại song phương Việt – Anh đã có bước tiến đáng kể. Dù bị ảnh hưởng giao thương bởi đại dịch, theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch Việt Nam và Anh năm 2021 vẫn đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu đạt 849 triệu USD, tăng 23%.
Với kết quả đạt được, UKVFTA sẽ là đòn bẩy vững chắc để đưa hàng hóa của Việt Nam lấn sâu vào thị trường Vương quốc Anh. Những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy sản, gạo, dệt may, rau quả.
Trong đó, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) từ Việt Nam giảm xuống còn 0% khi hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA đã bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa.
UKVFTA cũng sẽ hỗ trợ gạo Việt Nam, nâng lợi thế cạnh tranh so với gạo từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Đây vốn là những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh. Ngoài ra, Anh cam kết sẽ rà soát, nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh.
Với ngành gỗ, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (hiện tại gỗ nguyên liệu có thuế suất 2-10%). Hiện xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,77%. Nhưng với UKVFTA, trong tương lai xuất khẩu dệt may được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh.
CPTPP – Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Năm 2018, CPTPP được ký kết và có hiệu lực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.
Hiện nay, CPTPP gồm 11 nước thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zeeland, Peru, Singapore và Việt Nam. Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới.
Việc gia nhập và trở thành thành viên của CPTPP là cơ hội lớn để Việt Nam xâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia. Trong đó, thị trường Nhật Bản và Canada sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam.
Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3/2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối CPTPP của Việt Nam, với giá trị kim ngạch năm 2021 đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Canada đạt 5,2 tỷ USD, tăng 20,8%. Thứ 3 là thị trường Mexico, đạt 4,5 tỷ USD, tăng 44,4%…
Trong năm 2021, thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là Brunei, tăng 109,8% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là Peru với 84,3%; thứ 3 là Chile với 62,6%.
Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất là ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác.
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân từ 4-5% và có thể đạt từ 8,7-9,6% mức tăng xuất khẩu.