4 biện pháp thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện tại

PGS.TS Trần Đình Bình – chuyên gia về chống nhiễm khuẩn và vi sinh y học tại Đại học Y – Dược (Đại học Huế) đề xuất 4 biện pháp thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện tại.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: PĐ).

Dịch bệnh COVID-19 có thể chưa dừng lại, các đợt bùng phát dịch mới có nguy cơ tiếp tục xuất hiện, biến chủng mới Omicron đang lây lan mạnh trên thế giới và trong nước; các biện pháp truyền thông, giáo dục, hướng dẫn và kiểm soát dịch COVID-19 để thích ứng an toàn với dịch bệnh, cụ thể là:

Cộng đồng không hoang mang khi số ca mắc vẫn còn cao: Theo báo cáo số liệu của những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên toàn quốc trung bình từ 14.000 đến 16.000 người, như vậy so với những thời điểm cao điểm thì con số mắc không giảm mà còn có nguy cơ sẽ tăng cao khi chúng ta vẫn đang cố gắng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tuy nhiên, con số bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã giảm nhiều, có thời điểm xuống còn 2 con số, và hiện nay số mắc cao như vậy nhưng con số tử vong báo cáo hàng ngày với tỉ lệ tử vong khoảng 1,2 – 1,4% là ở mức thấp so với báo cáo trên thế giới.

Số ca nhiễm duy trì mức độ cao như vậy do việc phát hiện do sàng lọc diện rộng, tự xét nghiệm và báo cáo, tầm soát hàng ngày cho bệnh nhân và nhân viên các cơ sở y tế. Kể từ khi cho phép chỉ cần test nhanh kháng nguyên dương tính là xác định ca nhiễm thì số ca mắc tăng lên nhanh trong cộng đồng. Số ca mắc nhiều có nghĩa là dịch bệnh vẫn đang ở mức cao, lây lan rộng dù chúng ta đang kiểm soát khá tốt.

Tuy nhiên, số ca mắc chưa chắc đã thể hiện đúng nguy cơ và thực trạng của dịch bởi vì vẫn còn nhiều ca xét nghiệm dương tính không báo cáo, nhiều ca chưa được xét nghiệm, nhiều ca đang ở giai đoạn âm tính khi xét nghiệm. Nói như vậy để đừng nhìn vào con số mà đánh giá ngay tình hình dịch, chỉ cần giảm xét nghiệm là lập tức con số giảm đi.

Tuy nhiên, con số bệnh nhân tử vong do COVID-19 được báo cáo là thấy rõ nhất về tình hình dịch, cho thấy chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã thu dung quản lý điều trị hiệu quả nên số tử vong giảm nhiều dù dịch bệnh đang ở mức cao.

Nhanh chóng bao phủ vaccine trong cộng đồng: Tiêm chủng vaccine đầy đủ cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Tiêm chủng tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và các đối tượng nguy cơ diễn tiến bệnh nặng. Theo số liệu của Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, đến ngày 11.1.2022, cả nước đã tiêm được hơn 162,375 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế cho biết còn khoảng 21,5 triệu liều mới tiếp nhận đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng để tiếp tục tiêm chủng. Khi tỉ lệ tiêm chủng cao, đặc biệt đủ liều nhắc lại và bổ sung thì nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ được ngăn chặn, nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong sẽ giảm nhiều trên các nhóm có bệnh nền nặng, tuổi quá lớn.

Hướng dẫn xét nghiệm sàng lọc và xác định bệnh: Hiện tại, việc xét nghiệm sàng lọc rộng rãi không còn nhiều ý nghĩa, vì nói như dân gian là “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Khi các ca nhiễm đã xuất hiện nhiều trong cộng đồng, với tính chất dễ lây như COVID-19 mà hiện nay là biến thể mới Omicron còn lây mạnh hơn thì việc xét nghiệm rộng rãi, tầm soát hàng loạt trong cộng đồng sẽ làm tăng số ca nhiễm mà không hề thay đổi tính chất và nguy cơ của dịch.

Thực sự hiện nay, hơn 90% ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên chưa cần phải chăm sóc y tế, không nên xét nghiệm rộng rãi nhằm bóc tách F0 để cách ly tại nhà hoặc đưa vào các khu cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho y tế, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong khu vực này.

Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế có giường nội trú cần tầm soát dịch bằng xét nghiệm định kỳ, xác định nhanh người mắc, đưa vào khoa cách ly của bệnh viện, chăm sóc và điều trị, tránh lây lan rộng trong bệnh viện.

Lựa chọn test nhanh kháng nguyên để sớm phát hiện ca nhiễm ngay tại nhà hay tại cơ sở y tế. Hạn chế hoặc không thiết lập khu phong toả, địa bàn phong toả và tránh xét nghiệm toàn bộ dân cư trong khu phong toả vì hiện tại ít ý nghĩa trong phòng chống dịch.

Tập trung thu dung và quản lý điều trị người mắc COVID-19: Thực tế hiện nay, không nên quá chú trọng vào số ca mắc trong cộng đồng nữa. Phân tầng thu dung quản lý điều trị người mắc COVID-19 hợp lý, tập trung tầm soát số ca mắc tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị COVID-19 để giám sát tốt nguy cơ diễn biến nặng trên những bệnh nhân đang điều trị các bệnh nền, các bệnh nhân nhiều yếu tố nguy cơ, các bệnh nhân có nguy cơ sẽ diễn biến nặng để giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Trạm y tế địa phương, tổ y tế lưu động là đơn vị quản lý người dân tại địa bàn về y tế, chịu trách nhiệm khám sàng lọc cho người dân khi có triệu chứng, xét nghiệm nhanh những đối tượng này.

Không để người dân trực tiếp đến các phòng khám hoặc bệnh viện làm tăng nguy cơ lây lan. Theo nhiều quốc gia trên thế giới, có thể là cuối năm 2022, COVID-19 được xem như một bệnh đặc hữu, như cảm lạnh, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng, vậy, sự phát sinh dịch bệnh có thể dự báo và dự phòng. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường, song hành với dịch bệnh.

Cá nhân được tiêm chủng đầy đủ, phòng hộ an toàn cho cộng đồng theo thông điệp 5K là các biện pháp hiệu quả để sống chung với dịch COVID-19.

PGS.TS Trần Đình Bình

Nguồn: