Nhiều công trình sai phạm xảy ra trong thời gian dài làm biến dạng núi Hòn Rồng nhưng không được xử lý là do có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, người dân có quyền nghi ngờ vấn đề bao che từ phía chính quyền và các ngành chuyên môn có liên quan.
Ngày 14/1/2021, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng công trình sai phép làm viến dạng núi Hòn Rồng (TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), ĐBQH Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ, điều này đã kéo dài 2-3 năm nay, nhưng do không xử lý dứt điểm hoàn toàn khiến cho người dân bức xúc.
Ông Hòa nhận định, nguyên nhân chính gây nên tình trạng không giải quyết triệt để được vi phạm là do có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, chưa có sự phân định đơn vị rõ ràng trong việc xử lý, kiểm tra.
“Nếu vẫn tiếp tục kéo dài, sẽ gây khó khăn cho việc quản lý địa phương. Đồng thời, dấy nên nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc từ phía người dân, khiến dư luận có suy nghĩ không thật về vấn đề bao che từ phía chính quyền và các ngành chuyên môn có liên quan”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Để xử lý sai phạm trên núi Hòn Rồng, theo ông Hòa, trước mắt, nên xử lý bắt đầu từ cấp lãnh đạo địa phương, khi địa phương không thể xử lý triệt để thì cần có sự vào cuộc từ những đơn vị liên quan cấp cao hơn như: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng. Nếu vẫn chưa thể giải quyết thì cần có sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.
Cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra Tổng cục Môi trường với Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Bộ Xây dựng với Sở Xây dựng địa phương. Nhằm kiểm tra và xem xét các khu vực có cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hoạt động, dựa trên các văn bản về quy hoạch, bản vẽ thiết kế, quy định về xây dựng trên đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, sản xuất,… để xác định mức độ vi phạm. Nếu không thực hiện đúng thì tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật.
Khi đã có những định hướng và phân công xử lý rõ ràng thì sự việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Điều này, vừa tránh gây thiệt thòi cho các cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động đúng quy định trong khu vực này, vừa giúp người dân yên tâm, tin tưởng chính quyền hơn trong việc xử lý những vi phạm về đất đai.
Được biết, tình trạng phá rừng, san ủi và xây dựng trái phép tại núi Hòn Rồng diễn ra từ năm 2019 và kéo dài cho đến nay khiến khu vực núi Hòn Rồng biến dạng. Cơ quan chức năng địa phương đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp, đồng thời yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, có một số đối tượng chỉ chấp hành nộp phạt mà không khắc phục hậu quả, thường xuyên tái phạm hành vi phá rừng, san ủi và xây dựng trái phép tại đây.
Theo kết luận thanh tra ngày 12/7/2019 của UBND TP.Cam Ranh, trên diện tích thanh tra khoảng 281.000m2 ở núi Hòn Rồng (chủ yếu là đất rừng sản xuất, còn lại là đất trồng cây lâu năm) có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất.
Qua đó, phát hiện có 5 trường hợp được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được cấp. Các hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên đã hợp thức hóa chuyển nhượng đất năm, giấy chuyển nhượng đất trong 5 hồ sơ trên đều là giả mạo.
Ngoài ra, công tác quản lý bị buông lỏng nhiều năm, nhất là từ năm 2000 đến nay, nhiều trường hợp tự ý khai thác khoáng sản, san ủi đất, xây dựng nhà và các công trình trái phép…
Đầu tháng 1/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo về việc xử lý vi phạm đất đai, xây dựng tại khu vực núi Hàm Rồng, TP.Cam Ranh.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Cam Ranh khẩn trương hoàn thành việc cưỡng chế, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp sai phạm trong tháng 1/2022.
Đồng thời chỉ đạo thực hiện kiểm tra, xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm nêu trên để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa trước ngày 20/1/2022.