Chiều 13/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng thế giới và Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tham dự buổi Lễ.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thập niên 2010-2020 được Liên hợp quốc xác định là thập niên đa dạng sinh học vừa khép lại với nỗ lực chung của toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu giảm đáng kể tỉ lệ mất đa dạng sinh học ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để góp phần giảm bớt đói nghèo và có lợi cho sự sống trên trái đất.
Mặc dù vậy, quá trình mất đa dạng sinh học diễn biến với một tốc độ đáng lo ngại. Hiện có khoảng 40.000 loài trên thế giới bị tuyệt chủng mỗi năm. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu con người không ngừng làm cho các loài sinh vật tuyệt chủng thì sự kết nối phức tạp của thế giới tự nhiên sẽ bị hủy hoại với những hậu quả tàn khốc. Do đó, Liên hợp quốc đã công bố thập niên 2021-2030 là Thập niên phục hồi hệ sinh thái, đồng thời đề nghị các quốc gia cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa và có những hành động mạnh mẽ để có thể giảm tốc độ suy thoái đa dạng sinh học.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam được biết đến là một quốc gia giàu đa dạng sinh học, đặc biệt là tính đa dạng về loài sinh vật. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công bố trên 1.000 loài mới cho khoa học. Chỉ trong giai đoạn 2010-2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam. Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện.
“Việt Nam, với trách nhiệm nước thành viên của Công ước Đa dạng sinh học, đã có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học, đặc biệt là mục tiêu thứ 12 của Chiến lược về cải thiện tình trạng bảo tồn loài và ngăn ngừa sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Công tác bảo tồn loài hoang dã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, hành lang pháp lý và chính sách đối với bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài nói riêng ngày càng hoàn thiện. Số lượng các khu bảo tồn loài được thành lập mới ngày càng gia tăng. Hệ thống các khu bảo tồn đã góp phần gìn giữ sinh cảnh sống và bảo vệ quần thể của nhiều loài hoang dã, đặc biệt là các loài bị đe dọa và các loài đặc hữu. Quần thể của một số loài đã và đang được bảo tồn, phát triển tốt ở nhiều khu bảo tồn như Voọc cát bà ở Vườn quốc gia Cát Bà, cá sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên, các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Pù Mát, rùa biển tại các khu bảo tồn biển…
Đồng thời, nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai như hổ, voi, linh trưởng, rùa… Công tác điều tra, đánh giá loài tiếp tục đạt được nhiều kết quả, bổ sung thông tin về sự phong phú về đa dạng sinh học của Việt Nam. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài đã được áp dụng, góp phần cải thiện tình trạng các loài hoang dã và giảm mối đe dọa tới đa dạng sinh học.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan, những thành tựu trong công tác bảo tồn loài là kết quả của những nỗ lực và sự cống hiến đến từ chính những người dân, các nhà nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn. Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp ý nghĩa này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 – 2020” với mục đích tri ân những sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ và phục hồi các giá trị đa dạng sinh học, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Từ các hồ sơ gửi về tham dự chương trình vinh danh, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận rất nhiều công trình nghiên cứu phát hiện loài động, thực vật mới được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI – danh mục các tạp chí khoa học chất lượng hàng đầu thế giới; ghi nhận các sáng kiến bảo tồn như gây nuôi sinh sản các loài nguy cấp, quý hiếm; ghi nhận những tấm gương tình nguyện trở thành người bảo vệ các loài hoang dã tại địa phương cũng như sẵn sàng cảm hóa, thuyết phục những người từng là thợ săn cùng sát cánh bên mình bảo vệ thiên nhiên quê hương và ghi nhận những cá nhân xuất sắc với những đóng góp và thành tựu thiết thực trong công tác bảo tồn loài.
“Không chỉ các cá nhân, tổ chức đã gửi hồ sơ về tham dự chương trình vinh danh, mà còn rất nhiều các cá nhân, tổ chức cũng đang thầm lặng cống hiến cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và loài hoang dã. Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tri ân tất cả những nhà khoa học, các cá nhân, tổ chức bảo tồn và cộng đồng đã và đang làm việc và đóng góp công sức cho nỗ lực bảo tồn và giữ gìn đa dạng sinh học”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đồng thời mong muốn các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cống hiến, tiếp tục có đóng góp to lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và ngày càng có nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn được kiến tạo, áp dụng nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của nước nhà.
Tại Lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo Tổng cục trưởng Môi trường, Ngân hàng thế giới và Tổ chức WWF Việt Nam đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 8 tổ chức, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học giai đoạn 2010-2020; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 5 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học năm 2021; đồng thời, trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam vì có thành tích đột xuất trong năm 2021.
Tiếp đó, các đại biểu đã cùng tham dự Tọa đàm Bảo tồn loài hoang dã với sự tham dự của các diễn giả: GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam; TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học; GS.TS Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; ThS. Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam; TS. Hà Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh; Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng nhóm tự nguyện bảo tồn Vooc gáy trắng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.