Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội được thực hiện theo hướng kết hợp đa mục tiêu để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài.
Xây dựng các công trình thủy điện cần đảm bảo phòng chống thiên tai, lũ lụt (Ảnh minh họa)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội (quy hoạch, kế hoạch).
Thông tư nêu rõ, quy hoạch, kế hoạch có nội dung phòng, chống thiên tai và được lồng ghép, xây dựng phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững; góp phần phát triển ngành, phát triển kinh tế-xã hội và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các biện pháp phòng, chống thiên tai được lựa chọn để lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch gồm: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ thiên tai; biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng, chống thiên tai.
Lồng ghép hài hòa cả 2 nhóm biện pháp công trình và phi công trình cho cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.
Theo Thông tư, việc đánh giá phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân của biện pháp phòng, chống thiên tai dạng công trình được thực hiện như sau: Ước tính số lượng người không bị chết và mất tích, không bị thương tật do được bảo vệ bởi các biện pháp phòng, chống thiên tai khi được lồng ghép.
Khi xét phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân cần đặc biệt ưu tiên đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo và phụ nữ đơn thân làm chủ hộ và cân nhắc những nhu cầu khác biệt về giới.
Các biện pháp phi công trình gồm: Các biện pháp mềm, dựa vào tự nhiên như trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lồng ghép vào nhiệm vụ phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các hạ tầng xanh để phòng chống thiên tai.
Biện pháp bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm tránh những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ phát triển không gian kinh tế-xã hội; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn.
Biện pháp điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai để lồng ghép vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2022.