Chiều 13/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ ở 4 địa phương: Hòa Bình, Bình Định, Cao Bằng và Thái Nguyên.
Báo cáo kết quả nghiên cứu bổ sung chất lượng nước khoáng tại lỗ khoan SB1, xã Sào Bảy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ông Hồ Văn Thủy – Trung tâm Khoa học công nghệ Mỏ và Môi trường (Đại học Mỏ – Địa chất) cho biết: Báo cáo này được thực hiện trên cơ sở kết quả nghiên cứu của “Báo cáo thăm dò nước khoáng tại các lỗ khoan (SB1, SB2) xã Sào Bảy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt năm 2015. Nội dung của giai đoạn này chỉ nhằm bổ sung kết quả nghiên cứu chất lượng nước khoáng và đối sánh với các quy định về chất lượng nước nước khoáng cho mục đích đóng chai nên các dạng công tác thực hiện tập trung vào lấy và phân tích mẫu.
Về trữ lượng, Hội đồng đã thông qua trữ lượng cấp B là 300 m3/ngày và tài nguyên dự tính cấp C1 là 178 m3/ngày.
Về chất lượng, kết quả lấy và phân tích mẫu cho thấy, nước có chất lượng tốt, đáp ứng được quy định về nước khoáng thiên nhiên đóng chai QCVN6-1:2010/BYT. Tuy nhiên, khi sử dụng với mục đích đóng chai phải tuân thủ việc ghi nhãn theo quy định, trên nhãn sản phẩm phải ghi dòng chữ “Có chứa fluorid” và không dùng cho trẻ em dưới 7 tuổi. Trong quá trình khai thác, Công ty CP Thương mai du lịch Lạc Hồng (chủ đầu tư) sẽ theo dõi thường xuyên chỉ tiêu này để có những phương án khai thác hợp lý và khuyến nghị cho người tiêu dùng.
Báo cáo kết quả thăm dò mỏ đá granit làm ốp lát khu vực Bắc Núi Dung, xã Nhơn Tân và xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Toàn – Công ty TNHH Xây dựng – Địa chất – Khoáng sản Vĩnh An cho biết: Trữ lượng đá granit cỡ khối lớn hơn hoặc bằng 0,4m3 làm ốp lát cấp 121+122 là 2.502 nghìn m3. Trữ lượng đá granit, ryolit làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường đi kèm là 16.445 nghìn m3. Tổng khối lượng đất đá (bán phong hóa) phủ là 3.804 nghìn m3.
Kết quả tính trữ lượng kiểm tra bằng phương pháp khối địa chất cho thấy kết quả tính trữ lượng theo phương pháp mặt cắt song song thẳng đứng là đảm bảo độ tin cậy.
Theo ông Phạm Văn Hưng – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, trữ lượng đá granit cỡ khối nhỏ hơn hoặc bằng 0,4 m3 và đá ryolit làm VLXD thông thường kèm theo là rất lớn. Quá trình lập dự án đầu tư về khai thác và trong khai thác, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vật liệu xây dựng FICO (chủ đầu tư) cần có phương án chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm làm VLXD thông thường: đá hộc, đá chẻ, đá bó – lát vỉa hè, đá lát – rải đường, đá cấp phối bê tông… qua đó nâng cao giá trị kinh tế của mỏ.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng chì – kẽm khu Nam bản Bó xã Thái Học, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hữu Đồng – Liên đoàn Địa chất Đông Bắc cho biết: Mục tiêu của đề án là thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng chì kẽm cấp 122 dự kiến đạt được 35.000 tấn kim loại chì – kẽm là đủ cơ sở khoa học và hoàn toàn có tính khả thi.
Kết quả của công tác thăm dò sẽ làm rõ cấu trúc địa chất khu thăm dò, yếu tố khống chế quặng, chính xác hóa cấu trúc thân quặng về hình dạng, kích thước, chiều dày, hàm lượng để đánh giá chất lượng và trữ lượng chì – kẽm, nghiên cứu tính chất công nghệ, khả năng thu hồi và làm giàu quặng làm cơ sở thiết kế khai thác mỏ.
Ông Đỗ Văn Định – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, công tác trắc địa đã thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong đề án, kết quả thực hiện đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác thăm dò theo quy định. Công tác nghiên cứu địa chất thủy văn, công trình đã tiến hành khối lượng cần thiết và tổng hợp đầy đủ tài liệu để đánh giá được đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình và cơ bản xác định các điều kiện khai thác mỏ.
Báo cáo tổng hợp tài liệu, tính trữ lượng quặng ilmenit gốc còn lại trong phạm vi giấy phép khai thác số 1179/GP-BTNMT ngày 20/6/2011 của Bộ TN&MT mỏ ilmenit tại phía Tây mỏ Cây Châm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Cúc – Công ty CP tư vấn triển khai công nghệ Mỏ – Địa chất cho biết, Công ty đã xác định trữ lượng quặng ilmenit đã khai thác và trữ lượng tài nguyên quặng ilmenit còn lại tính đến tháng 6/2019.
Theo đó, tổng trữ lượng quặng đã khai thác là 393.315 tấn; tổng trữ lượng quặng ilmenit còn lại trong phạm vi được cấp phép khai thác 7,57 ha đến cốt +70m cấp 122 là 1.973.374 tấn tương đương 220.821 tấn TiO2.
Ông Đỗ Văn Định cho biết, do đây là báo cáo dạng tổng hợp tài liệu, tính trữ lượng còn lại theo tài liệu thăm dò đã được tiến hành từ năm 1963 nên cần lưu ý một số vấn đề sau: Báo cáo thăm dò năm 1963 đã xếp mỏ vào nhóm mỏ thăm dò 2 loại giữa II và IV theo quy phạm trước đây chưa thực sự phù hợp với nhóm mỏ II hoặc nhóm mỏ III theo quy định hiện nay.
Quy trình tuyển làm giàu quặng ilmenit phía Tây Cây Châm của Công ty CP Khoáng sản An Khánh đang áp dụng có nhiều thay đổi so với quy trình trình bày trong báo cáo thăm dò năm 1963. Do đó, trong quá trình khai thác mỏ, chủ đầu tư cần bổ sung các công trình thăm dò khai thác và tiếp tục nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi tối đa khoáng sản ở mỏ, tránh thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường. Nếu có sự biến động lớn về chất lượng, trữ lượng quặng ilmenit trong quá trình khai thác ở mỏ, Công ty cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, quản lý.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng của 3 báo cáo đầu tiên. Riêng với báo cáo 4, Hội đồng đã xác định độ chính xác của các con số về tài nguyên và trữ lượng trong báo cáo dựa trên công trình thăm dò cũ, các kết quả nghiên cứu bổ sung, các bản đồ như bản đồ hiện trạng, bản đồ địa chất mỏ được hiệu chỉnh mới trong phạm vi giấy phép khai thác. Còn những vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ rà soát để làm rõ hơn.