Xã Mai Sơn, huyện Tương Dương nói riêng và các huyện miền núi phía tây tỉnh Nghệ An nói chung là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trước đây, họ chủ yếu sinh sống bằng cách chặt phá rừng để canh tác nương rẫy, tuy nhiên, hiện nay, phần lớn diện tích rừng đã được quy hoạch thành rừng phòng hộ, vì vậy sinh kế người dân gặp nhiều khó khăn. Chính quyền và người dân nơi đây vẫn đang tìm phương thức hiệu quả nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, người Thái chiếm tỷ lệ lớn và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Do tập tục canh tác, người Thái khai phá các vùng đất rừng ở khu vực thấp, bằng phẳng, thuận lợi để làm nương rẫy. Họ không chỉ trồng lúa nương mà còn trồng nhiều loại cây khác như ngô, đỗ, rau, củ quả… Đến khi quy hoạch rừng phòng hộ thì phần lớn nương rẫy của người Thái cũng thuộc vào diện tích rừng sản xuất, được bàn giao để tiếp tục canh tác và quản lý. Vì vậy, một mặt họ vẫn tiếp tục làm nghề rừng, canh tác nương rẫy trên diện tích rừng sản xuất được bàn giao. Mặt khác họ tăng cường canh tác ruộng nước. Cả xã có 64ha ruộng nước thì người Thái chiếm gần 54ha (hơn 84%). Họ cũng là những người có nhiều diện tích rừng sản xuất nhất trong xã Mai Sơn.
Không được thuận lợi như người Thái, người Khơ Mú sống chỉ dựa vào sản xuất nương rẫy. Có 105 hộ gia đình người Khơ Mú với 495 nhân khẩu, sống tập trung ở hai bản Chà Lò 1 và Chà Lò 2 xã Mai Sơn. Người Khơ Mú có thói quen phát các khu rừng già làm nương rẫy. Hiện nay, phần lớn rừng người Khơ Mú canh tác đã quy hoạch vào rừng phòng hộ nên người dân không được canh tác tiếp. Cuộc sống của người Khơ Mú ngày càng rơi vào khó khăn khi không được khai phá rừng cũng như không có ruộng nước để canh tác. Hiện nay, người dân ở bản Chà Lò 1, Chà Lò 2 đang trình đơn xin chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ cho phép khai khẩn một số diện tích rừng thuộc khu vực ít cây lớn và gần suối, khe để làm ruộng nước. Tuy nhiên, để có được điều đó, vẫn còn nhiều điều phải làm. Và họ vẫn vào rừng phát rẫy trộm, dù bị lập biên bản và chính quyền phạt nhiều lần.
Theo chúng tôi tìm hiểu, hiện nay nhóm khó khăn nhất là đồng bào người Mông, họ sống ở các đỉnh núi cao, giáp biên với Lào. Ở xã Mai Sơn hiện có 103 hộ gia đình người Mông với 489 nhân khẩu sống chủ yếu ở hai bản vùng cao là Piêng Coọc và Phả Kháo. Họ là cộng đồng sống du canh du cư bằng canh tác nương rẫy. Già làng Và Xia Lự ở bản Piêng Coọc cho biết: “Người Mông sống trên đỉnh núi nên phải chặt rừng để có đất canh tác, chặt gỗ mới có cái làm nhà. Không cho chặt rừng thì người Mông phải bỏ đi chỗ khác, hoặc sẽ chết vì đói. Với họ, phát rừng già thì rẫy mới tốt, còn rừng thấp, rừng ít cây thì canh tác chỉ được một vụ là rẫy sẽ nghèo đi và năng suất thấp”.
Từ thực tế cho thấy, việc bảo vệ rừng phòng hộ đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó quan trọng nhất là làm sao để vừa bảo vệ rừng, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân vì họ chính là những người sống trực tiếp với rừng. Theo bà Lô Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao để có đất canh tác mà không phải chặt phá rừng. Ngày trước người dân tự do khai phá rừng làm rẫy nhưng hiện nay hơn một nửa diện tích rừng đã được đưa vào rừng phòng hộ và bắt buộc người dân phải chuyển sang canh tác ruộng nước. Nhưng diện tích ruộng nước lại quá thiếu nên cuộc sống người dân không được bảo đảm. Khi cuộc sống khó khăn thì người dân sẽ đi khai phá trộm, đi chặt gỗ hoặc lấy lâm đặc sản để bán, dù biết rằng sẽ bị phạt nhưng vì không có cách khác để bảo đảm cuộc sống.
Đây không chỉ là khó khăn của chính quyền địa phương mà cũng là thách thức đối với những cán bộ làm việc ở Trạm bảo vệ rừng phòng hộ Mai Sơn thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương. Vì người dân sống bằng cách phá rừng làm rẫy đã hàng trăm năm nay, không phải ngày một ngày hai người dân có thể thay đổi được. Công tác bảo vệ rừng cũng luôn gắn với việc giúp đỡ người dân trong việc bảo đảm mưu sinh. Các quy định về bảo vệ rừng được chính quyền đưa ra, nhưng đi vào thực tế lại là chuyện khác. Không thể cấm người dân vào rừng ngay khi chưa có những phương pháp mưu sinh mới để bảo đảm cuộc sống của họ. Một cán bộ của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương cho biết: “Khi lên bản Mông ở Piêng Coọc họp dân để tuyên truyền về bảo vệ rừng cũng như xử lý một số trường hợp vi phạm việc phát rừng làm rẫy, nhiều người dân, có cả già làng, trưởng bản lẫn thanh niên đứng lên hỏi thẳng rằng: Nếu không được phá rừng làm rẫy thì chúng tôi sống bằng gì? Nếu không được chặt gỗ để làm nhà thì chúng tôi sẽ ở đâu? Nếu cán bộ giải quyết được thì chúng tôi cũng sẽ không chặt phá rừng nữa”.
Để góp phần giải quyết những khó khăn về sinh kế của người dân và bảo vệ rừng, chính quyền địa phương kết hợp với Ban quản lý rừng đã thành lập các tổ gồm cán bộ xã, cán bộ bảo vệ rừng và cán bộ ở bản đi khảo sát từng khu vực để xem có thể khai phá làm ruộng nước mà vẫn giữ được rừng. Kết quả bước đầu là một diện tích ruộng nước, dù còn ít ỏi nhưng đã được đưa vào sản xuất ở các bản. Cụ thể như việc cho phép người dân trong bản thuê máy múc về san bằng khu vực rừng ven đường Quốc lộ 16 ở bản Chà Lò 2 để làm ruộng nước. Hay việc xây dựng hồ sơ để trình lên Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương xin phép khai khẩn một phần rừng ven bản Chà Lò 1 để tạo thành ruộng có thể canh tác… Công việc này cũng đang tiếp tục được thực hiện và người dân hy vọng năm nay hai bản người Khơ Mú này sẽ có ruộng nước để canh tác. Việc chi trả các chi phí môi trường và công tác bảo vệ rừng cho người dân với mức chi phí 286 nghìn đồng/ha/năm theo quy định hiện nay vẫn còn thấp, chưa giúp được nhiều người dân trong việc sinh sống bằng lâm nghiệp. Chính quyền xã cũng cố gắng đa dạng hóa các hoạt động sinh kế khác, từ việc đưa các giống cây ăn quả mới cho tới phát triển các cây ăn quả truyền thống, trồng rau, phát triển chăn nuôi để giải quyết vấn đề cuộc sống của người dân.
Để công việc hiệu quả hơn, những người làm công tác quản lý rừng cũng phải gắn bó với cuộc sống người dân, giải quyết những tình huống cụ thể để xây dựng lòng tin với người dân và tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng. Như ông Ngô Hải Nam, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng huyện Tương Dương, chia sẻ: “Người dân sai phạm thì phải lập biên bản, nhắc nhở. Nhưng xử lý xong rồi thì phải tìm cách để giúp đỡ họ. Nếu không phạt xong họ lại vi phạm tiếp… Chúng ta phải làm đúng quy định của pháp luật, làm đúng chính sách của nhà nước và càng phải giúp đỡ người dân có cuộc sống khá hơn, không đẩy họ vào đường cùng. Dù thế nào cũng phải để họ sống được mà không phá rừng thì mới giữ được rừng”.