Ô tô điện có thực sự xanh hơn?

Ô tô có hại cho môi trường không? Câu trả lời chắc chắn là có bởi phương tiện phổ biến này thải ra khoảng 4,6 tấn carbon dioxide mỗi năm. Vì vậy, giả sử mỗi hộ gia đình ở Anh sở hữu ít nhất một ô tô thì có tới 127.880.000 tấn CO2 được thải vào khí quyển mỗi năm, tương đương mức phát thải của 78.453.987 chuyến bay khứ hồi từ London đến New York.

Vậy với ô tô điện thì sao? Chúng có thân thiện với môi trường như chúng ta vẫn nghĩ? Còn vấn đề gì cần phải cải thiện? Dưới đây là một số thông tin xin được cập nhật tới bạn đọc.

Ô tô điện có tốt hơn cho môi trường? 

Thẳng thắn mà nói thì ô tô điện chắc chắn tốt hơn cho môi trường so với ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu nhưng điều này không có nghĩa ô tô điện hoàn toàn tốt cho môi trường. Mặc dù chúng là một trong những lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại nhưng xe điện vẫn tạo ra khí thải ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời xe và còn một chặng đường dài trước khi chúng trở nên xanh 100%.

Nhưng chính xác thì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường như thế nào?

Tác động môi trường của xe điện?

Tin tốt là ô tô điện không có ống xả, chủ xe điện không thải bất kỳ khí thải CO2 nào trong khi lái xe. Điều này có nghĩa là càng có nhiều xe điện trên đường, không khí sẽ có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, xe điện cũng chạy êm hơn nhiều các phương tiện thông thường, giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ở thành phố. Nhưng đó là trên đường. Còn đằng sau thì sao?

Sản xuất

Tác động môi trường chính của ô tô điện xảy ra trước khi chúng rời khỏi nhà máy. Trong quá trình sản xuất, lượng khí thải CO2 tạo ra từ sản xuất ô tô điện cao hơn 59% so với mức phát thải trong sản xuất xe động cơ đốt trong truyền thống, chủ yếu nằm ở quá trình sản xuất pin. Mức độ khí thải cũng phụ thuộc vào nơi sản xuất ô tô điện. Hầu hết pin ô tô được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà việc sử dụng carbon trong sản xuất điện tương đối cao.

Một báo cáo của Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cho thấy ở Trung Quốc, 35-50% tổng lượng khí thải sản xuất xe điện phát sinh từ việc tiêu thụ điện để sản xuất pin, cao gấp 3 lần so với ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu điện được tạo ra từ năng lượng gió, Trung Quốc sẽ giảm 50% lượng khí thải từ giai đoạn sản xuất.

Các nhà sản xuất ô tô điện đang tìm cách xanh hóa sản phẩm của họ (Ảnh: Shutterstock)

Vật liệu sản xuất pin

Về vật liệu làm pin, ô tô điện chạy bằng pin lithium, được tạo thành từ các kim loại cơ bản như đồng, nhôm và sắt mà tất cả các kim loại này đều yêu cầu nhiều năng lượng trong quá trình khai thác. Quá trình chứa nhiều carbon này là lý do khiến một số người cho rằng ô tô điện không xanh như vẫn tưởng.

Tại Đức, Viện Nghiên cứu Kinh tế thậm chí còn cho rằng xe điện sẽ hầu như không giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 ở nước này trong những năm tới, thậm chí lượng khí thải CO2 của các loại xe chạy bằng pin có thể cao hơn một chút so với lượng khí thải của động cơ diesel trong một số trường hợp. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác gần đây về ô tô điện ở Đức đã đưa ra kết luận ngược lại. Một nghiên cứu khẳng định lượng khí thải ở xe điện thấp hơn 43% so với xe chạy bằng động cơ diesel.

Thêm điểm đáng lo ngại là hiện chưa có quy trình tiêu chuẩn hóa để tái chế pin, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều chất thải điện tử tích tụ trong các bãi chôn lấp. Một số doanh nghiệp mới đang được hình thành nhằm tận dụng thị trường tái chế pin khổng lồ nhưng chỉ 5% lithium đang được tận dụng. Một nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy pin xe điện cũ có thể được sử dụng trong hơn một thập kỷ làm thiết bị dự phòng trong các trang trại năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, việc khai thác lithium dự kiến tăng gấp 10 lần vào năm 2030. Kim loại này hiện chủ yếu được khai thác từ Australia và Chile nhưng có một cuộc tranh giành toàn cầu để tìm các nguồn mới đáp ứng. Từ 5 – 15 tấn carbon dioxide được thải ra trên mỗi tấn lithium được chiết xuất, tương đương với lượng sản xuất của khoảng ba chiếc ô tô thông thường trong một năm. Chưa hết, các hóa chất quan trọng khác trong quá trình sản xuất xe điện như coban, chủ yếu được tìm thấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo và niken, được khai thác ở Indonesia và Philippines cũng liên quan đến các vấn đề môi trường và nhân quyền.

Loại năng lượng mà ô tô tiêu thụ

Các quốc gia đang thúc đẩy năng lượng sạch hơn để đáp ứng mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris đề ra. Đây là một tin tuyệt vời cho các chủ xe điện và điều này có thể giúp xe điện xanh hóa 100% sau khi chúng rời khỏi nhà máy. Nhưng mục tiêu này chỉ trở thành sự thật khi ô tô điện được chạy bằng 100% năng lượng sạch, thậm chí có thể cung cấp năng lượng ngược trở lại với bộ sạc từ xe vào hệ thống lưới điện.

Dấu chân carbon xe điện 

Rất khó để đưa ra con số chính xác về lượng khí thải carbon của một chiếc xe điện vì nó phụ thuộc vào loại xe, cũng như quốc gia sản xuất nó.

Biểu đồ dưới đây cho thấy ước tính về lượng khí thải trong vòng đời của một chiếc ô tô thông thường điển hình của châu Âu (tức là xe động cơ đốt trong) và mức khí thải của một chiếc xe điện Nissan Leaf cho các quốc gia khác nhau cũng như mức trung bình của EU. Trong đó, chú thích lượng khí thải ống xả (màu xanh lam đậm); lượng khí thải từ chu trình nhiên liệu bao gồm sản xuất, vận chuyển, lọc dầu và phát điện (màu đỏ); lượng khí thải từ quá trình sản xuất pin (màu xanh dương); lượng khí thải từ việc sản xuất các thành phần không phải pin của xe (màu cam).

So sánh mức phát thải trong vòng đời giữa xe thông thường và Nissan Leaf.

Ưu nhược điểm về môi trường của ô tô điện

Ưu điểm Nhược điểm
  • Không có khí thải ống xả
  • Tốt hơn cho sức khỏe con người (không khí sạch hơn dẫn đến phổi sạch hơn)
  • Ít ô nhiễm tiếng ồn
  • Có thể được sản xuất bằng vật liệu có thể tái chế
  • Quá trình sản xuất vẫn thải ra khí thải
  • Nếu được sạc bằng điện carbon cao, xe vẫn có thể tạo ra nhiều khí thả

 

Ô tô điện có phải là tương lai?

Ô tô điện ngày càng phổ biến và dần khẳng định được ưu thế của mình. Hoa Kỳ muốn một nửa số ô tô mới sử dụng điện vào năm 2030. Liên minh châu Âu đang hướng tới một lệnh cấm trên thực tế đối với các lựa chọn không chạy bằng điện vào năm 2035. Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, đã đặt ra yêu cầu với các nhà sản xuất là cứ 3 chiếc chạy bằng dầu vào năm 2030 thì có hai chiếc ô tô “năng lượng mới” – chạy bằng điện, hydro hoặc nhiên liệu hybrid. Những nước khác như Thái Lan, Indonesia và Singapore cũng công bố mục tiêu xe điện trong vài thập kỷ tới. Tại Anh, công ty điện và khí đốt đa quốc gia National Grid cũng dự đoán sẽ có 36 triệu xe điện trên các con đường của Anh vào năm 2040. Mọi thứ đều chỉ ra rằng ô tô chạy bằng pin-điện sẽ là tương lai của phương tiện giao thông đại chúng.

Vấn đề không phải là liệu xe điện có vượt qua xe ga hay không mà là khi nào. Các nhà phân tích đang đặt con số này giữa năm 2030 và 2050.

Cũng có ý kiến cho rằng mặc dù ô tô điện phổ biến hơn ở hầu hết các quốc gia nhưng hydro có thể có một tương lai mạnh mẽ hơn ở Nhật Bản, tuy nhiên, điều này cần sự đầu tư quy mô lớn từ chính phủ.

Hiện việc sản xuất xe điện là mối quan tâm chính về môi trường. Tuy nhiên, xe điện có trách nhiệm tạo ra lượng khí thải thấp hơn đáng kể trong suốt thời gian tồn tại của chúng so với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bất kể nguồn điện là gì.

Khi thế giới thúc đẩy nhiều năng lượng tái tạo hơn, ô tô điện sẽ trở nên thân thiện hơn với môi trường. Trên thực tế, giảm 30% cường độ carbon trên toàn thế giới sẽ giúp giảm 17% lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất pin vào năm 2030.

Rõ ràng, có một số điều cần được cải thiện trong quá trình sản xuất ô tô điện. Nhưng vì giao thông chiếm hơn 24% lượng khí thải CO2 toàn cầu nên sử dụng xe điện chắc chắn là một bước đi đúng hướng.

Hiện người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn giữa một chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch liên tục thải khí thải ra ngoài hoặc một chiếc ô tô điện, và nếu được chạy bằng năng lượng tái tạo, xe điện sẽ ngừng thải CO2 sau khi rời khỏi nhà máy. Câu hỏi duy nhất còn lại là liệu chúng ta có đủ thời gian để khắc phục những thiệt hại mà ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra hay không.

Ý Nhi tổng hợp

Nguồn: