Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật tiếp nhận 115 cá thể rùa, 1 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể rồng đất và 4 cá thể tê tê Java.
Sau khi nhận được thông báo cứu hộ, những nhân viên của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đã lên đường thực hiện tiếp nhận cứu hộ động vật tại Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị.
Trong vòng 3 ngày, từ 6-8/1/2022, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật tiếp nhận 115 cá thể rùa thuộc 6 loài, 1 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể rồng đất và 4 cá thể tê tê Java. Tất cả các cá thể trên đều thuộc nhóm IB và nhóm IIB, là các loài nguy cấp quý hiếm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP.
Theo ông Trịnh Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ cứu hộ, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật chia sẻ:”Đây là một trong những lần có số cá thể rùa lớn nhất mà chúng tôi từng cứu hộ tính đến nay”.
May mắn là toàn bộ những động vật được cứu hộ trong đợt này đều có sức khoẻ ổn định, không bị thương tích, không bị nhồi nhét những thức ăn không phù hợp. Chúng được đưa về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) để chăm sóc, phục hồi tập tính và sẽ đưa về môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất.
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật gửi lời cảm ơn đến Chi cục Kiểm lâm Thành phố Đà Nẵng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Quận Liên Chiểu, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị và cộng đồng đã hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ được kịp thời.