Truyền thông thế giới đang xôn xao trước thông tin xuất hiện biến thể “lai giữa Delta và Omicron” ở Cyprus. Tờ Cyprus Mail dẫn lời GS Leondios Kostrikis, thuộc Trường ĐH Cyprus, gọi “biến thể mới” là Deltacron và cho biết đã có 25 trường hợp nhiễm biến thể này được ghi nhận.
Theo ông Kostrikis, biến thể này có “bộ khung gien” của Delta và thêm khoảng 10 đột biến lấy từ Omicron. Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Cyprus Michalis Hadjipandelas khẳng định “biến thể mới” chưa đáng lo vào thời điểm hiện tại, còn GS Kostrikis cho rằng Deltacron sẽ bị Omicron triệt tiêu.
Trước những thông tin từ phía Cyprus, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng đây chỉ là “báo động giả” và nhiều khả năng Deltacron xuất hiện chẳng qua do “mẫu xét nghiệm bị nhiễm bẩn”.
Trong lúc Deltacron còn gây tranh cãi, thế giới đã ghi nhận kỷ lục bình quân hơn 2,1 triệu ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong tuần lễ từ ngày 1 đến 7-1-2022. Đáng nói là cột mốc 1 triệu ca/ngày chỉ mới được ghi nhận trong tuần lễ từ ngày 23 đến 29-12-2021.
Châu Á không nằm ngoài xu hướng trên, với số ca mắc mỗi ngày liên tiếp lập kỷ lục ở Úc (hơn 116.000 ca), Philippines (hơn 26.400 ca) hôm 8-1 và đang tăng mạnh ở Nhật Bản, Ấn Độ…
Trong khi đó, Trung Quốc ngày 9-1 xác nhận các ca mắc Omicron lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên. Theo đài CCTV, đó là 2 người sống tại Thiên Tân và thành phố này lập tức xét nghiệm hàng loạt từ 7 giờ ngày 9-1, đồng thời cấm hệ thống xe buýt liên tỉnh hoạt động.
Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội mùa đông ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng sau và vẫn kiên trì chính sách “Không Covid”.
Ông Michael Ryan, Giám đốc Bộ phận khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tin tưởng rằng với những biện pháp nghiêm ngặt hiện nay, Thế vận hội mùa đông sẽ không gây bùng phát Covid-19.
Với “hệ thống quản lý khép kín”, tất cả người tham gia phải xét nghiệm hằng ngày và không được rời các khu vực xác định hoặc tự do di chuyển trong thời gian diễn ra thế vận hội từ ngày 4 đến 20-2.