Trên diện tích rừng rộng 1.400ha với hàng trăm cây gỗ dổi nhung trị giá tiền tỉ, nhiều nhân viên bảo vệ rừng ngày đêm túc trực bảo vệ cây trước sự nhòm ngó của lâm tặc. Thậm chí bảo vệ rừng phải đổ máu, bị đe dọa giết khi chạm trán với cánh lâm tặc hung hãn ở huyện Kbang.
Huyện Kbang hiện nay còn trữ lượng lớn gỗ có giá trị kinh tế cao nhất ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài gỗ huỳnh đàn, quần thể gỗ hương hơn 400 cây, còn có khu rừng gỗ dổi nhung quý.
Ông Trần Kế Lâm – Phó Trạm trưởng Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng (thuộc Trung tâm Lâm Nghiệp Nhiệt đới, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên) cho biết: “Do có giá trị cao trên thị trường nên lâm tặc thường tìm cách đột nhập, tiếp cận với bảo vệ rừng để thương lượng, thỏa hiệp khai thác rừng cây trái phép. Tuy nhiên chúng tôi đã kiên quyết từ chối để bảo vệ rừng cây quý”.
Cuối tháng 10.2021, các đối tượng gồm Lê Văn Duẩn, Lê Trung Hiếu, Lê Văn Phong (cùng trú tại xã Đông, huyện Kbang) đã tấn công 3 nhân viên Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng khi bị phát hiện vận chuyển gỗ trong tiểu khu 151. Nhóm lâm tặc đã rất manh động khi dùng bình xịt hơi cay, gậy gộc tấn công khiến 3 nhân viên bảo vệ rừng bị đa chấn thương, phải nhập viện điều trị. Hiện Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố nhóm đối tượng này.
Theo ông Trần Kế Lâm, cây gỗ dổi nhung ở rừng Kbang có đường kính lớn, 5-7 người ôm không xuể. Đặc biệt lá cây gỗ dổi nhung có lông tơ mềm mại, gỗ có đường vân đẹp, chắc chắn đã tạo nên giá trị đặc hữu của cây mà chỉ có duy nhất ở rừng Kbang.
“Cây dổi nhung ở rừng Kbang dùng để nhân giống và cung cấp giống phục vụ trồng rừng cho các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi năm, việc nhân giống khoảng 3.000-4.000 cây để cung cấp cho thị trường, cho các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu trong và ngoài nước. Mức giá dao động 15.000-20.000 đồng/cây dổi gieo hạt và 35.000-50.000 đồng/cây dổi ghép”, ông Lâm nói.
Những năm gần đây, thực trạng xâm hại rừng ở huyện Kbang đáng báo động khi liên tục phát hiện nhiều vụ phá rừng gỗ dổi, gỗ hương với các thủ đoạn khác nhau. Lâm tặc vào rừng bơm thuốc độc vào cho cây chết khô để thuận tiện cưa hạ trái phép, sau khi đốn hạ cây rừng thì đốt gốc phi tang. Nhiều nhân viên bảo vệ rừng ở Đăkrong, Kon Ka Kinh, Krong, Sơn Pai, huyện Kbang… dính vào lao lý khi buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bảo vệ và tiếp sức cho lâm tặc.
Việc bảo vệ được hàng trăm cây gỗ dổi nhung quý ở diện tích rộng lớn cao nguyên Kon Hà Nừng là thành tích, sự can đảm, quyết liệt của nhóm bảo vệ rừng nơi đây. Ông Trần Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới cho biết: “Thời gian tới, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích lâu dài từ rừng dổi nhung, từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Bảo vệ rừng để trồng dược liệu dưới tán cây, tận thu lâm sản phụ và được trả chi phí sản xuất carbon từ rừng, bán cây giống cung cấp cho thị trường sẽ là lợi ích kinh tế mang tính bền vững, lâu dài dựa vào rừng. Cũng qua đó hạn chế từng bước tình trạng xâm hại rừng”.