Trung Quốc đạt được bước đột phá mới trong việc tìm kiếm năng lượng nhiệt hạch sạch, “mặt trời nhân tạo” lập kỷ lục mới về nhiệt độ cao liên tục.
Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã đạt được bước đột phá mới trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng nhiệt hạch sạch, khi một trong những “mặt trời nhân tạo” của họ lập kỷ lục mới về nhiệt độ cao liên tục.
Tân Hoa Xã đưa tin, lò phản ứng Tokamak siêu dẫn của Trung Quốc (EAST) duy trì ở nhiệt độ 70 triệu độ C trong thời gian 1.056 giây (17 phút 36 giây). Vào tháng 5, EAST đã đạt kỷ lục chạy ở nhiệt độ plasma 120 triệu độ C trong 101 giây, cũng trong một thử nghiệm kéo dài thêm 20 giây, “Mặt trời nhân tạo” đạt nhiệt độ cao nhất là 160 triệu độ C, nóng hơn Mặt trời thật gấp 10 lần.
Ông Gong Xianzu, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Plasma thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng: “Đây là những mục tiêu cho các giai đoạn khác nhau. Hoạt động gần đây đặt nền tảng khoa học và thực nghiệm vững chắc cho việc vận hành một lò phản ứng nhiệt hạch.”
EAST được gọi là “mặt trời nhân tạo” vì nó mô phỏng phản ứng tổng hợp hạt nhân như cách mà mặt trời thật vận hành, sử dụng khí hydro và deuteri làm nhiên liệu.
Năng lượng nhiệt hạch được coi là “năng lượng tối thượng” cho một tương lai năng lượng trung hòa cacbon, bởi vì khí hydro và deuteri có nhiều trên trái đất, sạch và có ít chất thải hơn.
EAST là một trong ba lò phản ứng tokama lớn đang hoạt động tại Trung Quốc. Lò phản ứng nhiệt hạch tokamak thứ 2, HL-2M, được ủy nhiệm cuối tháng 12/2021, nằm ở Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc, và lò thứ ba nằm trong trung tâm thành phố Vũ Hán.
Đài truyền hình nhà nước CCTV đã đưa tin rằng EAST sẽ cung cấp thêm dữ liệu nghiên cứu vật lý plasma quan trọng để thiết lập các lò phản ứng quy mô công nghiệp, tạo ra năng lượng sạch.
Tuy nhiên, mặc cho cuộc nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ của các nhà khoa học trên thế giới, các lò phản ứng nhiệt hạch vẫn còn rất xa “tầm tay”. Hai thách thức chính là giữ nhiệt độ trên 100 triệu độ C và hoạt động ở mức ổn định trong thời gian dài.
Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga và Hàn Quốc cũng đang ra sức nghiên cứu. Trung Quốc cũng nằm trong số 35 quốc gia tham gia vào siêu dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) ở Pháp.