Dưới đây là top 5 rừng mưa lớn nhất trên thế giới.
Theo Live Science, mặc dù chỉ chiếm 2% tổng diện tích bề mặt trái đất, rừng mưa là nơi sinh sống của một nửa số loài động thực vật trên thế giới. Có nhiều loại rừng mưa, nhưng thường được chia thành 2 loại chính: nhiệt đới và ôn đới.
Việc so sánh kích thước giữa các khu rừng mưa là rất khó khăn, vì nơi chúng bắt đầu và kết thúc không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một khu rừng có thể trải dài qua nhiều quốc gia và có thể bị chia cắt bởi các đảo hoặc nạn phá rừng. Không có nghi ngờ gì về rừng mưa lớn nhất và lớn thứ hai trong danh sách này, nhưng ba khu rừng còn lại được chọn ra dựa trên ước tính và ý kiến chuyên gia.
1. Rừng mưa Amazon
Theo dữ liệu từ Đài quan sát Trái đất của NASA, rừng Amazon ở Nam Mỹ là rừng mưa lớn nhất thế giới. Nó bao phủ khoảng 80% lưu vực sông Amazon, trải rộng ít nhất 6 triệu km2 – lớn hơn 1/2 diện tích của Mỹ (9,8 triệu km2) và lớn gấp 3 lần rừng mưa lớn thứ hai thế giới.
Amazon trải rộng trên 9 quốc gia ở Nam Mỹ, bao gồm Brazil, Peru và Colombia. Phần lớn Amazon – hơn 3,17 triệu km2 – thuộc lãnh thổ của Brazil. Kể từ năm 1978, con người đã phá hủy khoảng 1 triệu km2 rừng Amazon, theo Mongabay – một trang web tin tức phi lợi nhuận về khoa học môi trường và bảo tồn.
2. Rừng mưa Congo
Theo World Wide Fund (WWF), rừng Congo ở Trung Phi là rừng mưa lớn thứ hai trên thế giới, trải dài hơn 2 triệu km2. Rừng trải dài trên 6 quốc gia ở Tây và Trung Phi: Guinea Xích Đạo, Cameroon, Gabon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). DRC có hơn 992.000km2 rừng nguyên sinh, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Brazil, theo dữ liệu của Global Forest Watch.Rừng mưa Congo là nhà của khỉ đột, voi và hàng ngàn loài khác. Nhiều loài trong số này, chẳng hạn như bonobos (Pan paniscus) và okapi (Okapia johnstoni), không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất.
3. Rừng mưa New Guinea
Theo WWF, khu rừng mưa lớn thứ ba trên thế giới nằm trên đảo New Guinea, được chia thành hai phần: Nửa phía đông là một phần của Papua New Guinea và nửa phía tây là một phần của Indonesia. Hòn đảo này có diện tích khoảng 786.000km2 và là nơi sinh sống của ít nhất 5% các loài động thực vật trên thế giới.
4. Rừng mưa Sundaland
Rừng Sundaland là rừng mưa lớn nhất tiếp theo, với diện tích khoảng 510.000km2 theo Mongabay. Rừng bao phủ bán đảo Mã Lai trên lục địa Đông Nam Á và các đảo Sumatra, Java, Borneo gần đó. Nó trải dài trên một số quốc gia: Indonesia, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Singapore. Indonesia là đất nước có 2 rừng mưa riêng biệt: Sundaland và rừng New Guinea đã nói ở trên. Quốc gia này còn có diện tích rừng mưa nguyên sinh lớn thứ ba trên thế giới với hơn 840.000 km2.Sundaland là nơi sinh sống của nhiều loài bao gồm đười ươi, cóc cầu vồng Bornean (Ansonia latidisca) và hoa xác chết (Rafflesia arnoldi) – loài hoa lớn nhất thế giới.
5. Rừng mưa ở lưu vực sông Mê Kông
Lưu vực sông Mekong bao quanh sông Mekong – con sông dài nhất ở Đông Nam Á (dài gần 4.900km), theo Ủy hội Sông Mekong. Theo dữ liệu của Global Forest Watch, Myanmar là quốc gia có nhiều diện tích rừng nhất ở khu vực lưu vực sông Mê Kông, với khoảng 134.000km2 rừng mưa nguyên sinh nằm trong biên giới.
Sông Mekong là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài cá nước ngọt, bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, chẳng hạn như cá da trơn khổng lồ sông Mekong (Pangasianodon gigas), theo WWF.
Các khu rừng nhiệt đới xung quanh sông cũng là quê hương của nhiều loài động vật như tắc kè đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica) và hổ (Panthera tigris).