Báo động đỏ nạn phá rừng ở Amazon

Nạn phá rừng tại nơi lá phổi “từng xanh” của trái đất, Amazon, trở nên nghiêm trọng đến mức khu rừng thải ra khí carbon nhiều còn hơn hấp thụ.

Năm 2021, nạn phá rừng tại nơi lá phổi “từng xanh” của trái đất, rừng rậm nhiệt đới Amazon, đã trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 15 qua. Đến mức khu rừng thải ra khí carbon nhiều còn hơn hấp thụ.

Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia của Brazil (INPE) tháng trước ước tính rằng 13.235 km vuông (8.224 dặm vuông) rừng đã bị chặt phá từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021 – diện tích lớn nhất bị mất vì nạn phá rừng ở Amazon, Brazil kể từ năm 2006.

Những cây cọ bị bệnh do virus, khiến cây bị thối rữa trong rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Ảnh: UniversalImagesGroup | Getty Images

Tại sao rừng Amazon mất cây?

Rừng nhiệt đới Amazon bao phủ lãnh thổ của 9 quốc gia, nhưng khoảng 60% diện tích nằm ở Brazil.

Theo Greenpeace, một phần ba số vụ phá rừng ở Amazon của Brazil có liên quan đến cái gọi là chiếm đất công, chủ yếu là do các nhà sản xuất thịt dọn chỗ cho các trang trại chăn nuôi gia súc.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng 11, Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro đã ký cam kết quốc tế chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Nhưng nạn phá rừng đã và đang gia tăng ở Brazil dưới sự cai trị của ông Bolsonaro. Ông đã gây tranh cãi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình vì khuyến khích các hoạt động như khai thác mỏ và nông nghiệp ở Amazon và bị chỉ trích vì cố cho phép thông qua luật cho phép phát triển thương mại trên đất được bảo vệ, theo Reuters.

Vào tháng 8, hạ viện của Quốc hội Brazil đã thông qua một dự luật giúp những người đến chiếm đất công dễ dàng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với đất đó. Dự luật được đưa ra tiếp nối dự luật hồi tháng 5, mở đường cho các dự án khai thác, nông nghiệp và các dự án khác ở Amazon trở nên dễ dàng hơn. Cả hai dự luật hiện đang được Thượng viện Brazil xem xét để thông qua.

Trách nhiệm quốc tế

Bà Luciana Gatti, một nhà khoa học khí hậu tại INPE, cho biết hoạt động bất hợp pháp hiện nay ở Amazon đang thúc đẩy tốc độ phá rừng, bà cũng tranh cãi rằng các quốc gia đang tham gia vào việc tàn phá rừng nhiệt đới bằng cách nhập khẩu các sản phẩm như gỗ và thịt bò từ Brazil.

“Nếu bạn nhập khẩu thịt bò từ Brazil, 40% trong số đó đến từ rừng Amazon – nhiều nhà nhập khẩu không yêu cầu bất kì chứng từ nào chứng minh mặt hàng này không liên quan đến nạn phá rừng. Vấn đề trong vài năm qua là giá trị đồng tiền của Brazil đã giảm, vì vậy đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò, ngô hoặc đậu nành sẽ sinh lợi hơn nhiều, và rồi họ mở rộng địa bàn của mình tại Amazon.” Bà nói.

Brazil phát thải đáng kể khí nhà kính

Theo bà Gatti, những người lao động liên bang như bà đang chịu áp lực phải tuân theo đường lối của chính phủ về các vấn đề môi trường.

Bà nói với CNBC rằng “chúng tôi cảm thấy áp lực rất lớn để giữ mồm giữ miệng trước chính phủ. Họ không thích nghe về nạn phá rừng và biến đổi khí hậu, họ có những ý tưởng điên rồ đến từ những người cho rằng trái đất bằng phẳng – thật không thể tin được. Họ không thích tôi bởi vì tôi nói những điều mà họ không tin và họ không đồng ý. Họ muốn bịt miệng tôi.”

Người phát ngôn của chính phủ Brazil không đưa ra bình luận ngay lập tức khi được CNBC liên hệ.

Vào năm 2019, ông Bolsonaro đã xung đột với các nhà lãnh đạo thế giới về việc xử lý đám cháy rừng khổng lồ đang hoành hành ở Amazon và bị cáo buộc đã sa thải cựu lãnh đạo của INPE sau khi cơ quan này công bố dữ liệu cho thấy sự gia tăng lớn về cháy rừng.

Ông Philip Fearnside, một nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia của Brazil ở Amazonia (INPA), nói rằng tình hình ở Amazon chắc chắn đang trở nên tồi tệ hơn với nạn phá rừng và suy thoái rừng gia tăng do các hoạt động như khai thác gỗ và cháy rừng.

Ông chia sẻ: “Hầu như tất cả các vụ cháy đều do con người gây ra. Thỉnh thoảng, nó có thể bắt đầu bởi sét, nhưng đó không phải là một khu rừng lá kim như những khu rừng ở Bắc Mỹ, nơi sét là nguyên nhân phổ biến. Và không chỉ có phá rừng bất hợp pháp, ở đây còn có hành vi phá rừng hợp pháp và khai thác gỗ hợp pháp.”

Ông Fearnside cho biết, việc hợp pháp hóa các yêu sách về đất công ở Amazon đã khiến việc chiếm đất trở nên thu hút hơn, đồng thời lưu ý rằng điều này đã thúc đẩy việc mất rừng vì phá rừng là “cách bạn đặt quyền sở hữu của mình đối với đất”.

Ông cho biết thêm, tại bang Amazonas, khoảng 47% diện tích của bang này thuộc loại đất công được chỉ định, nơi dễ bị những kẻ chiếm đoạt đất đai tấn công.

Năm nay Brazil đã gặp phải một đợt hạn hán nghiêm trọng với hậu quả rất lớn. Điều đó không trực tiếp do nạn phá rừng mà có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Nhưng với mức độ biến thiên nhiệt độ này và việc giảm lưu lượng nước từ rừng Amazon sẽ là thảm họa đối với Brazil. Brazil tất nhiên là nạn nhân chính, nhưng ở Argentina, v.v. cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đó không phải là một vấn đề toàn cầu nhưng nó gây ra những hậu quả to lớn ở khu vực này của thế giới.

Hân Bảo (Nguồn CNBC)