Lệnh cấm mua bán ngà voi của Hồng Kông có hiệu lực

Sau hơn 150 năm, việc buôn bán ngà voi hợp pháp ở Hồng Kông đã chính thức chấm dứt vào ngày 31/12/2021.

Năm 2018, Hội đồng Lập pháp thông qua một dự luật để loại bỏ dần hoạt động thương mại ngà voi và thời điểm bắt đầu có hiệu lực sau 3 năm ban hành là ngày 31/12/2021. Theo lệnh cấm này, tất cả các giấy phép sở hữu ngà voi sẽ hết hạn trừ ngà voi cổ và ngà voi ma mút. Người có giấy phép vẫn có thể giữ ngà voi một cách hợp pháp để sử dụng vào mục đích phi thương mại. Còn người phạm tội có thể bị phạt tối đa 10 triệu đô la Hồng Kông, tương ứng 1,3 triệu USD và 10 năm tù.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, vào đêm trước khi lệnh cấm có hiệu lực, những người mua sắm vẫn xếp hàng bên ngoài một số cửa hàng bán ngà voi ở quận Sheung Wan.

Thời điểm trước khi ban hành dự luật, Hồng Kông từng bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp với một báo cáo năm 2019 của một nhóm bảo tồn địa phương cho biết đặc khu này chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ thu giữ ngà voi toàn cầu trong thập kỷ qua.

Với bến cảng sầm uất và các tuyến giao thông khác, Hồng Kông phát triển mạnh như một điểm trung chuyển chính cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp các bộ phận của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, tê giác và tê tê, với hầu hết sản phẩm hướng đến người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục.

Các nhà chức trách Hồng Kông năm 2017 đã thực hiện vụ triệt phá buôn lậu ngà voi lớn nhất trong ba thập kỷ với khối lượng tịch thu lên tới 7,2 tấn ngà trị giá khoảng 9 triệu USD, đồng thời thu thêm 2,1 tấn ngà voi vào năm 2019 khi quá trình loại bỏ dần bắt đầu.

Lệnh cấm bán hầu hết các sản phẩm làm từ ngà voi ở Hồng Kông đã có hiệu lực (Ảnh: AFP)

Ngà voi châu Phi là một biểu tượng địa vị được săn lùng ở Trung Quốc và từng có giá lên tới 1.100 USD/kg. Lệnh cấm buôn bán ngà voi của Trung Quốc đã có hiệu lực từ năm 2018.

Một phát ngôn viên của Cơ quan nông nghiệp, thủy sản và bảo tồn Hồng Kông cho biết chính quyền “cam kết bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng bao gồm voi”. Tháng 8/2021, Hồng Kông đã chính thức bổ sung hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vào Pháp lệnh về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng (OSCO), coi buôn lậu động vật hoang dã nguy hiểm ngang với buôn bán ma túy và buôn người.

“Lệnh cấm buôn bán ngà voi rất quan trọng đối với việc bảo vệ voi. Cùng với các điều khoản mới về động vật hoang dã trong OSCO, Hồng Kông cũng đang dẫn đầu về việc đóng cửa buôn bán động vật hoang dã”, John Baker, Giám đốc chương trình WildAid cho biết.

Tin vui là công chúng Hồng Kông hết sức ủng hộ lệnh cấm. Theo khảo sát năm 2015 của WildAid, 76% công chúng Hồng Kông ủng hộ lệnh cấm ngà voi và khoảng 90% cho biết họ chưa bao giờ mua ngà voi cũng như không biết ai đã mua ngà voi trong 3 năm trước đó.

Điều đáng ngại duy nhất là lệnh cấm mới cấm “nhập khẩu, tái xuất khẩu và sở hữu thương mại ngà voi” nhưng lại ngoại trừ đối với các đồ cổ có niên đại từ trước năm 1925.

Dữ liệu từ Cơ quan nông nghiệp, thủy sản và bảo tồn cho biết thương mại ngà voi ở Hồng Kông vẫn còn xấp xỉ 47 tấn ngà, giảm hơn so với 111 tấn ngà voi được đăng ký với chính phủ vào năm 2014.

WildAid theo dõi 100 cửa hàng bán ngà voi ở Hồng Kông và so sánh năm 2020 với năm 2014-15 thì thấy 80% cửa hàng bán ngà voi đã đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác, cụ thể là đồ trang sức. Tuy nhiên, nhiều thương nhân còn lại cho biết họ sẽ chuyển sang bán ngà voi ma mút sau lệnh cấm, đồng thời đề xuất chính phủ bồi thường cho lượng hàng ngà voi tồn kho hiện tại.

Trước thực trạng này, WildAid đặc biệt kêu gọi chính quyền Hồng Kông không đưa ra bất kỳ khoản bồi thường nào cho những người buôn bán ngà voi đối với số lượng ngà voi còn tồn kho của họ. Với những thương nhân sẽ bán ngà voi ma mút, tuy mặt hàng này hiện vẫn hợp pháp nhưng WildAid đề nghị phía chính quyền kiểm tra, kiểm soát chặt để đảm bảo người bán không trà trộn ngà voi ma mút với bất kỳ ngà voi nào còn sót lại. Ngoài ra, chính quyền Hồng Kông nên xây dựng cơ chế, cách thức để xác định ngà voi ma mút và tiến hành kiểm tra thường xuyên hoạt động này, bằng không, lệnh cấm sẽ trở nên vô ích. Đặc biệt, cần tiêu hủy kho dự trữ ngà voi bất hợp pháp bị tịch thu và tiến tới cấm buôn bán ngà voi cổ, ngà voi ma mút để Hồng Kông thực sự sạch ngà voi.

Huyền Trang tổng hợp

Nguồn: