Với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, phát triển du lịch sinh thái là giải pháp giúp Vườn Quốc gia Bù Gia Mập bảo vệ rừng bền vững, tạo sinh kế cho người dân.
Đánh thức tiềm năng
Nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không chỉ là nơi bảo tồn các nguồn sinh quyển ở Đông Nam bộ. Trước thềm Xuân mới, chúng tôi ghi nhận những điều thật thú vị ở vùng đất này.
Với tổng diện tích trên 25.778 ha, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được ví như lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ, là rừng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Đây là nơi bảo tồn nhiều mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật.
Hiện vườn có 59 loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, như chà vá chân đen, gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi…; 168 loài chim, trong đó 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Đông, cu xanh, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám; nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám… và 30 loài bò sát.
Dạo chơi giữa những tán rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận được không khí mát lạnh như đang tỏa ra từ những cành cây, ngọn lá. Thoảng đâu đó trong khu rừng, tiếng một chú khướu cất lên lảnh lót làm vang động cả núi rừng yên tĩnh… Đó là một cảm giác rất thú vị níu chân du khách khi đến với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vào những ngày này.
Anh Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Những năm qua, Vườn luôn quan tâm phát triển lĩnh vực du lịch và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Năm 2015, Vườn chỉ có 2 tuyến du lịch được mở với 13 điểm đến cùng một số đường xương cá dọc Quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới thì nay đã có trên 6 tuyến: Vườn – Giếng trời – thác Đắk Bô, thác Đắk Ka – thác Lưu Ly; Làng dân tộc S’tiêng – du lịch sinh thái, văn hóa ẩm thực của người Mơnông – Bù Gia Mập – Bình Phước… Vào mùa khô, du khách có thể đến các điểm Ranh 13, thác Đắk Sam, thác Đắk Mai, điểm cuối đường ống dẫn dầu Trường Sơn, sân bay trực thăng… và hang Dơi.
“Vườn đang là điểm đến lý tưởng cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh và TP. Hồ Chí Minh về tham quan hệ sinh thái động, thực vật, rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Các em rất thích thú khi được tiếp xúc, ngắm nhìn những con vật chứ không phải qua sách vở, hình ảnh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm hấp dẫn, du khách chưa thể đặt chân đến vì địa hình hiểm trở và sâu trong rừng. Các hoạt động dịch vụ đi kèm và điểm dừng chân nghỉ ngơi cho du khách còn rất tạm bợ. Muốn du lịch phát triển, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bãi dừng chân, hoạt động dịch vụ du lịch đi kèm… mới phát triển xứng tầm với những tiềm năng, thế mạnh du lịch của vườn”, anh Kiều Đình Tháp chia sẻ.
Đa lợi ích
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân sinh sống trong các xã vùng đệm của Vườn là những xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông với hơn 80% là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao…
Thông qua việc giao khoán giữ rừng và phát triển du lịch sinh thái, đã từng bước tạo sinh kế cho người dân nơi đây. Từ đó, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao, bên cạnh tự giác tham gia bảo vệ rừng, họ còn trở thành hướng dẫn viên du lịch, “tai mắt” của Ban Quản lý Vườn mỗi khi phát hiện những sai phạm về rừng.
Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, hiện Vườn có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người nhận quản lý bảo vệ 19.000 ha rừng và 5 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 5.000 ha rừng thuộc Vườn. Trung bình mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể những khoản tiền khác cộng hưởng từ các đoàn khách du lịch.
“Các cộng đồng dân tộc bản địa gồm người S’Tiêng và người M’Nông còn đang lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng như lễ hội cồng chiêng, thổi kèn, dệt thổ cẩm, chế tác các dụng cụ truyền thống cùng các món ăn đậm chất dân dã, đậm đà bản sắc dân tộc như làm rượu cần, nấu canh thục, canh bồi, cơm lam… đã và đang tham gia tích cực vào việc sử dụng nội lực trong việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái trong và xung quanh lâm phần Vườn”, ông Vương Đức Hòa chia sẻ.
Theo Ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Phước, ước tính mỗi năm, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và đều tăng qua các năm.
Du lịch sinh thái kết hợp hài hòa cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội, sinh thái. Do đó, du lịch sinh thái là loại hình du lịch bền vững, đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội không những không bị suy thoái mà còn được củng cố phát triển lâu dài.
Hiện nay tỉnh Bình Phước đang tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các dự án du lịch trọng điểm thành sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến hấp dẫn với hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh.
Trong đó, tập trung nguồn lực nhằm phát huy các điểm, khu du lịch như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với các hoạt động tham quan tìm hiểu lịch sử, vui chơi giải trí, Khu Quần thể Văn hóa – Cứu sinh núi Bà Rá với các hoạt động tâm linh, nghỉ dưỡng, Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với các hoạt động trải nghiệm, khám phá… |