Nhiều diện tích rừng phòng hộ trên Đèo Tằng Quái – giáp ranh giữa TP. Điện Biên Phủ và huyện Mường Ảng vừa bị người dân ngang nhiên chặt phá để làm nương.
Cây lớn, cây nhỏ đều bị đốn hạ ngổn ngang. Bằng mắt thường quan sát có thể thấy nhiều khu vực bị chặt phá với diện tích rất lớn và chỉ cách Quốc lộ 279 vài trăm mét.
Mỗi năm lấn vào rừng vài chục mét và cứ như thế diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp còn diện tích trồng ngô, sắn, dong riềng thì liên tục được mở rộng.
Chặt hạ, cây bé thì làm củi cây lớn thì đem về, còn lại để một thời gian cho khô rồi đốt để cải tạo đất trồng cây nông nghiệp.
Có những cây gỗ to bằng cột nhà cũng bị chặt hạ, cắt khúc…
Theo ghi nhận thực tế, có những diện tích cây đã khô héo vì bị chặt từ nhiều ngày trước, cũng có những diện tích vừa chặt vẫn còn tươi mới.
Người dân ở đây cho biết, khu vực này thuộc bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ và đây là rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thành – Trưởng bản Phiên Ban, xã Nà Tấu lại cho rằng diện tích rừng bị chặt phá thuộc địa phận huyện Mường Ảng.
Ông Lê Trung Hòa – Kiểm lâm phụ trách địa bàn thì cho rằng khu vực này không thuộc quy hoạch 3 loại rừng, có thể thuộc địa phận TP. Điện Biên Phủ nhưng cũng có thể thuộc địa phận huyện Mường Ảng.
Chiều 29.12, PV Báo Lao Động đã cùng kiểm lâm địa bàn, bảo lâm và cán bộ địa chính xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ trở lại hiện trường thì đều xác nhận: Diện tích rừng bị phá mà PV phản ánh thuộc địa phận bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu.
Ông Lê Trung Hòa – Kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng xác nhận diện tích rừng này là rừng phòng hộ theo Quyết định số 1208 về quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Điện Biên.
Sau khi đi thực địa và dùng thiết bị định vị chuyên dụng, kiểm lâm địa bàn xác định diện tích rừng phòng hộ bị phá là trên 5.000m2.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số tương đối vì mới tính ở 3 khu vực chính, còn rất nhiều diện tích bị phá ở các khu vực lân cận. Nhiều cây to cũng bị người dân khoanh, tách vỏ để cho cây chết rồi chặt hạ.
Theo thống kê của UBND xã Nà Tấu, chỉ tính trong năm 2021, trên địa bàn đã xảy ra 29 vụ phá rừng. Nguyên nhân chính được cho là địa bàn rộng khó kiểm soát và giá dong riềng lên cao nên nhiều người dân chặt phá rừng để trồng dong riềng.
Đại diện chính quyền xã cũng cho biết: Nhiều vụ lực lượng kiểm lâm đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng khởi tố. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng thẩm định thì lại không đủ điều kiện khởi tố theo quy định.