Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Liên bang Đức Robert Habeck thừa nhận rằng căn cứ theo Đạo luật Bảo vệ khí hậu, Đức sẽ không thể đạt được các mục tiêu khí hậu trong hai năm tới.
Đóng cửa hoàn toàn điện hạt nhân vào năm 2022
Trong trả lời phỏng vấn báo chí số ra ngày 30/12, Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh Đức có thể sẽ vẫn bỏ lỡ các mục tiêu của mình trong năm 2022, thậm chí năm 2023 vẫn khó đạt.
Đạo luật Bảo vệ khí hậu sửa đổi, được Chính phủ dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel phê chuẩn hồi tháng 5/2021, bao gồm nhiều biện pháp toàn diện và nghiêm ngặt về bảo vệ khí hậu.
Cụ thể, tới năm 2030, Đức đặt mục tiêu giảm ít nhất 65% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 1990. Bên cạnh đó, Đức sẽ trung hòa khí thải vào năm 2045 thay vì năm 2050.
Thỏa thuận liên minh cầm quyền 3 đảng hiện nay nêu rõ Chính phủ Đức đặt mục tiêu đạt 80% lượng điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, chủ yếu là từ năng lượng gió và năng lượng Mặt trời.
Theo Bộ trưởng Habeck, Đức đã phải mất 30 năm để đạt được mức 42%, giờ đây chỉ còn lại 8 năm để tăng gấp đôi con số này.
Cụ thể, mỗi năm, Đức sẽ phải lắp đặt trung bình từ 1.000-1.500 turbine gió mới, con số tăng mạnh so với mức chỉ khoảng 450 turbine được triển khai trong vài năm qua.
Bộ trưởng Habeck cũng đề cập tới khả năng mất việc làm ở một số ngành nghề như khai thác than đá trong tiến trình thay đổi cấu trúc này, song những việc làm mới sẽ lại được tạo ra.
Cùng với năng lượng Mặt trời, điện gió sẽ trở thành trụ cột chính của nguồn cung cấp năng lượng tái tạo. Năng lượng tạo ra từ gió không chỉ trung hòa carbon, mà còn có thể được sử dụng để sản xuất hydro và nhiên liệu tổng hợp theo cách thân thiện với khí hậu.
Các nguồn năng lượng tái tạo này được xem rất quan trọng với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong năm 2020, điện hạt nhân vẫn đóng góp 18% sản lượng điện quốc gia ở Đức. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định sẽ đóng 3/6 nhà máy điện hạt nhân còn lại trước cuối năm nay.
Ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng gồm Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland cũng sẽ ngừng hoạt động trước cuối năm 2022, đặt dấu chấm hết cho điện hạt nhân ở Đức, vốn từng có trên 100 cơ sở hạt nhân được xây dựng cho mục đích nghiên cứu và hoạt động thương mại kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước.
Tiên phong chuyển đổi năng lượng xanh
Nếu có dịp ngược xuôi, ngang dọc khắp nước Đức trên các cung đường cao tốc Autobahn, một trong những ấn tượng có thể đập vào mắt bất kỳ ai, là những cánh đồng điện gió với hàng trăm turbine mỗi cụm, hay các cánh đồng quang điện với các module quang điện xếp thành hàng dài, vươn dọc theo những sườn đồi.
Không dừng lại ở đó, khác với điện gió, điện từ năng lượng mặt trời còn len lỏi khắp mọi ngõ ngách từ nông thôn cho đến thành phố, với những tấm pin quang điện được lắp đặt trên từng mái nhà, kho bãi cho đến các cột đèn, biển báo giao thông.
Từ những năm 1980, nước Đức với tầm nhìn dài hạn đã đề ra chiến lược Energiewende (tạm dịch là Chuyển đổi năng lượng) khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, trong khi làn sóng phản đối xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở nên mạnh mẽ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine.
Quốc hội Đức đã thông qua đạo luật đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân, ban hành các chính sách phát triển năng lượng sạch, xây dựng lại hệ thống cùng cấp năng lượng để đảm bảo nguồn cung mà không phụ thuộc vào điện sản xuất từ than đá – nguồn điện “bẩn” nhất với môi trường.
Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW), trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ năng lượng tái tạo (hay còn gọi là điện xanh) đã đạt đến mức cao kỷ lục 44% trên tổng sản lượng điện tại Đức, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhà máy điện mặt trời cho sản lượng 24 tỷ Kwh, tăng 1 tỷ Kwh so với nửa đầu năm 2018.