Hơn một triệu người ở Anh đang mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Nhiều người nói ban đầu chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng di chứng đã hủy hoại sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Khi Jasmine Hayer, 32 tuổi, nhiễm nCoV vào tháng 3, cô đang sống ở London (Anh) và đang luyện tập để trở thành giáo viên dạy yoga. Nhưng Covid-19 đã khiến cô gái như trở thành con người khác.
Mùa hè năm nay, Hayer phải dọn về ở với bố mẹ ở Biggleswade, Bedfordshire sau khi cô nhận ra chỉ công việc dọn giường cũng khiến cô bị hụt hơi.
“Căn bệnh này thật sự khó hiểu và không ai biết chữa nó thế nào. Tôi thật sự không biết liệu mình có thể khỏe trở lại như trước hay không nhưng tôi sẽ không ngừng cố gắng”, Hayer nói.
“Cả cuộc đời tôi đã bị đảo lộn như nhiều người khác gặp phải Covid-19 kéo dài”, Hayer nói. “Tôi còn không thể nhấc được tay mình lên chứ đừng nói là làm giáo viên dạy yoga”.
Triệu chứng bí ẩn
Đối với một số người mắc Covid-19 như Hayer, triệu chứng bệnh sẽ kéo dài hơn bình thường, dù ban đầu họ chỉ nhiễm bệnh nhẹ. Triệu chứng của Covid-19 kéo dài có nhiều hình thức, bao gồm mệt mỏi, ho, đau đầu và đau cơ.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, trong 4 tuần kết thúc vào ngày 31/10, ước tính có 1,2 triệu người ở Anh phản ánh bị mắc Covid-19 kéo dài. Phụ nữ tầm tuổi 35-49 là nhóm có khả năng cao nhất gặp phải hội chứng này.
Không phải cơ sở y tế nào cũng được trang bị để chẩn đoán và điều trị Covid-19 kéo dài. Trong vòng 9 tháng, các bác sĩ đều cho rằng nguồn gốc của những triệu chứng ở Hayer như tức ngực, đau tim, hụt hơi, tim đập nhanh… là sự lo âu. Nhưng cô gái biết họ đã sai.
Sau khi tự theo dõi bản thân, Hayer phát hiện các triệu chứng của mình sẽ được “kích hoạt” khi cô cúi xuống, đi lại và nói chuyện, với phần phổi bị tác động muộn hơn.
Sức khỏe của Hayer chỉ dần cải thiện khi cô bắt đầu chữa trị tại phòng khám chuyên môn dành cho 130 bệnh nhân Covid-19 kéo dài thuộc một bệnh viện ở London.
Bác sĩ tại đây đã tìm ra nhiều vấn đề. Kết quả đo khuếch tán khí CO qua màng phế nang mao mạch (DLCO) cho thấy nồng độ oxy trong phổi của Hayer là 53%, tương đương người mắc bệnh phổi. Hayer còn được chẩn đoán viêm tim hậu Covid-19, hiện tượng bác sĩ nói chưa từng bắt gặp.
Phổi của Hayer còn có những cục máu đông rất nhỏ, chỉ xuất hiện khi thực hiện xạ hình phổi (một loại chụp chiếu chuyên biệt, còn gọi là chụp V/Q). Các cục máu đông biến mất sau khi Hayer dùng thuốc làm loãng máu, nhưng dòng máu và oxy tới phổi của cô gái vẫn bất thường.
“Loại thuốc chống viêm colchicine làm thay đổi đáng kể quá trình tôi phục hồi, nhưng không may là bệnh lại tái phát. Bây giờ tôi chỉ có thể đi bộ chậm 5 phút/tuần nếu may mắn, nhưng sau đó sẽ bị đau ngực”, Hayer nói. “Tôi phải chọn giữa việc nói và di chuyển cơ thể vì không thể làm cả hai thứ trong một ngày”.
“Bác sĩ không hiểu tại sao nồng độ oxy tổng thể trong cơ thể tôi vẫn tốt nhưng nó không đến được phổi. Có thể mạch máu của tôi có vấn đề nhưng kết quả chụp chiếu cho thấy chúng bình thường. Họ chưa từng gặp trường hợp như vậy”, Hayer nói.
“Nhiều bệnh nhân bị trả về vì bác sĩ đa khoa của họ không nhận được hướng dẫn đầy đủ. Họ không biết bệnh nhân có thể có các cục máu đông siêu nhỏ nhưng vẫn cho kết quả chụp chiếu và xét nghiệm máu bình thường, như tôi”, cô gái kể.
Với Covid-19 kéo dài, chỉ nhìn ca tử vong là chưa đủ
Giáo sư Amitava Banerjee thuộc trường University College London (Anh) lo ngại rằng số ca nhiễm hiện tại sẽ dẫn đến thêm nhiều người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài.
Theo ông Banerjee, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này sau khi bị Covid-19 thể nhẹ. Vì thế ông không chắc là biến chủng Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn lúc đầu.
“Chúng ta biết rằng có những người không phải nhập viện vì Covid-19 nhưng cuối cùng lại bị ảnh hưởng nặng hơn. Chúng ta nên cảm thấy lo ngại về việc này”, ông Banerjee nói.
Vị giáo sư chỉ ra rằng vaccine đúng là đang giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong và mắc bệnh nặng, nhưng các nhà khoa học chưa thể biết liệu vaccine có bảo vệ trước Covid-19 kéo dài hay không.
Ông Banerjee còn cho biết nhiều thanh thiếu niên mắc Covid-19 kéo dài đang không thể quay trở lại làm việc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống của họ và cả nền kinh tế.
Ông tin rằng cách tốt nhất để ngăn Covid-19 kéo dài là “tránh nhiễm virus ngay từ đầu và giữ cho tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp”. Nhưng ta không thể đạt được kết quả này với cách tiếp cận tập trung vào vaccine, vị giáo sư nói.
“Tôi mong được thấy các nhà hoạch định chính sách của chúng ta dành thêm thời gian cân nhắc, tranh luận và nhìn nhận Covid-19 kéo dài”, ông Banerjee nói. “Nếu chỉ đo số ca tử vong, chúng ta sẽ bỏ qua tác động thực sự tới cuộc sống người dân”.
Về phần mình, giáo sư Banerjee đang dẫn dắt một nghiên cứu sẽ diễn ra trong hai năm để tìm hiểu Covid-19 kéo dài. Nghiên cứu này sẽ có sự tham gia của 4.500 bệnh nhân từ 6 phòng khám chuyên trách Covid-19 kéo dài.
Những người này sẽ được điều trị thử nghiệm bằng các loại thuốc sẵn có để đánh giá mức độ hiệu quả, bao gồm thuốc kháng histamin (như loratadine – thuốc điều trị viêm mũi dị ứng), thuốc chống đông máu (như rivaroxaban) và thuốc chống viêm colchicine.
Từ cuộc sống trung lưu cho tới sống nhờ trợ cấp
Câu chuyện của Hayer cũng lặp lại đối với Antony Loveless, 54 tuổi, sống tại Southend, London. Ông Loveless mắc Covid-19 vào tháng một khi đang làm điều tra viên trưởng cho cảng London Gateway. Bạn gái ông, Claire Hooper, 52 tuổi, từng làm y tá, cũng mắc Covid-19 kéo dài.
Với cơn đau và sự mệt mỏi cùng cực, cả hai người dành hầu hết thời gian trong năm nay trên giường. Họ đều đã mất việc. Claire giảm gần 40 kg và đang bị tiểu đường cùng tăng huyết áp.
Loveless sụt hơn 25 kg, phải chống gậy khi đi lại. Ông được chẩn đoán giảm bạch cầu và mắc hội chứng rối loạn thần kinh thực vật có tên gọi nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS). Người mắc POTS sẽ thấy tim đập nhanh đột ngột dù chỉ thay đổi tư thế nhẹ như từ nằm sang đứng dậy.
Loveless và Claire đều được phòng khám chuyên trách Covid-19 kéo dài trả về vì quá yếu để bắt đầu quá trình phục hồi. Hai người dùng hết hơn 13.000 USD tiền tiết kiệm chỉ để trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí, trước khi đủ điều kiện nhận trợ cấp chính phủ.
“Chúng tôi từng có lối sống trung lưu dễ chịu”, Loveless nói. “Từ chỗ kiếm được khoảng 6.000 USD/tháng, chúng tôi hiện chỉ sống ở mức tối thiểu”.
Từng là cựu phóng viên chiến trường và nhà văn, Loveless lúc này phải đặt báo thức điện thoại để tự nhắc phải xuống bếp ăn. Nhưng khi xuống được đó ông lại quên tại sao mình ở dưới bếp.
“37 năm tôi không hút thuốc nhưng mới hôm kia tôi quên mất và đã mua một bao thuốc lá” , Loveless nói.
Ông cảm thấy bực bội vì nhà chức trách chỉ thu thập số liệu về người tử vong và người sống sót, nhưng bỏ qua “những người ở giữa”. “Chính quyền không bao giờ nói về Covid-19 kéo dài. Hoặc là bạn sống, hoặc là bạn chết, nhưng còn chúng tôi thì sao?”, Loveless nói.
Loveless lúc này cho biết ông và bạn gái như diều đứt dây. “Chúng tôi vẫn sẽ cố sống và hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn. Đó là những gì chúng tôi có thể làm”, ông nói.